Tính đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông có 131 báo cáo viên pháp luật được công nhận theo quy định. Năm 2022, Bộ cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên hiện có; quan tâm rà soát, phân loại và định hướng nội dung PBGDPL thường xuyên cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật; đảm bảo chất lượng các báo cáo viên pháp luật về kỹ năng chuyên ngành và cập nhật các kiến thức pháp luật mới có liên quan.
Bộ đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, khảo sát phục vụ xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật liên quan tới lĩnh vực thông tin và truyền thông năm 2022; chỉ đạo, đôn đốc triển khai có hiệu quả Kế hoạch này, thể hiện việc quán triệt Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trên thực tế, bằng những hoạt động cụ thể theo hướng dẫn của Hội đồng phổ biến pháp luật Trung ương và của Bộ Tư pháp.
Về thực hiện đề nghị phối hợp truyền thông hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn đến các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhắn tin đến các thuê bao viễn thông với nội dung: "Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 09/11, toàn dân nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo Hiến pháp và pháp luật".
Bộ tổ chức gần 70 cuộc hội thảo, hội nghị, triển lãm, tọa đàm phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật tại trang thông tin điện tử của Bộ (trang tin điện tử: mic.gov.vn) tại mục Văn bản quản lý và văn bản quy phạm pháp luật; cập nhật thường niên văn bản quy phạm pháp luật trên cổng pháp điển điện tử quốc gia, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác rà soát, tra cứu, góp phần đưa văn bản quy phạm pháp luật vào cuộc sống.
Tiếp nhận, giải đáp về chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động doanh nghiệp và người dân qua hình thức trả lời điện thoại, tại các chuyên mục trên công thông tin điện tử của Bộ tại các mục: "Trả lời kiến nghị", "Trao đổi hỏi đáp".
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Google cho ra mắt website dauhieuluadao.com (Dấu hiệu lừa đảo) nhằm nâng cao nhận thức về lừa đảo trực tuyến.
Các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã xây dựng đề cương tài liệu phổ biến pháp luật chung và chuyên ngành thông tin và truyền thông; xây dựng và biên soạn bài viết đăng tải trên Chuyên mục Chính sách pháp luật về thông tin và truyền thông trên Trang thông tin điện tử của Bộ (gần 140 bài viết về pháp luật chung, pháp luật chuyên ngành và nghiệp vụ pháp chế).
Bộ đã tiến hành lồng ghép việc tuyên truyền PBDGPL qua các hoạt động của Bộ như: Giao ban báo chí, tổ chức hội nghị thông tin cho báo chí về nhân quyền và thông tin đối ngoại hàng tháng, tổ chức thông tin cho các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử và các tổ chức cung cấp thông tin; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án…; chỉ đạo các cơ quan báo chí trực thuộc Bộ có những bài viết, bản tin nhằm tuyên truyền chính sách pháp luật trên các báo điện tử, báo in…
Định hướng triển khai công tác PBGDPL của trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thực hiện các hình thức có hiệu quả cao như tổ chức các Hội nghị tập huấn, phổ biến và giải đáp trực tiếp pháp luật, chính sách mới; nâng cao chất lượng Chuyên trang chính sách pháp luật về thông tin và truyền thông.
Đa dạng hóa hơn nữa các hình thức PBGDPL thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, phát thanh truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở, công nghệ số.
Xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền PBGDPL đảm bảo về chất lượng và số lượng, đồng thời không ngừng nâng cao kỹ năng về phổ biến pháp luật.
Lê Sơn