Phòng công chứng số 1 tỉnh Gia Lai kiểm tra các loại giấy tờ khi công chứng. Ảnh: Đức Thụy. |
Hoạt động luật sư đã được xã hội hóa, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; đội ngũ luật sư ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Công tác phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong quản lý hành nghề luật sư được tăng cường. Hiện nay, cả nước có hơn 16.500 luật sư đang hoạt động tại 4.758 tổ chức hành nghề luật sư.
Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện trên 125.000 vụ việc, nộp thuế trên 200 tỷ đồng. Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết để tổ chức Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III (dự kiến tổ chức trong quý III/2021).
Đối với hoạt động công chứng đã từng bước xã hội hóa với bước đi và lộ trình phù hợp. Bên cạnh các phòng công chứng của Nhà nước, đã có nhiều văn phòng công chứng tư nhân đã được thành lập, qua đó phục vụ tốt hơn, thuận tiện hơn cho nhu cầu công chứng ngày càng tăng của người dân, bảo đảm tính pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch. Cả nước hiện có 1.225 tổ chức hành nghề công chứng (trong đó có 1.107 văn phòng công chứng) với 2.872 công chứng viên. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng gần 6 triệu hợp đồng, giao dịch, đóng góp cho ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế gần 320 tỷ đồng.
Hoạt động đấu giá tài sản ngày càng được chuyên nghiệp hóa, việc minh bạch trong công tác đấu giá tài sản ngày càng được bảo đảm hơn thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động này. Hiện nay, cả nước hiện có 570 tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp với hơn 1.070 đấu giá viên. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm các tổ chức bán đấu giá thực hiện được khoảng 27.500 cuộc đấu giá thành.
Đặc biệt, hoạt động giám định tư pháp trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; kết luận giám định tư pháp đúng đắn, khách quan giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm minh, đúng pháp luật, hạn chế oan sai; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, người bị hại, các bên đương sự trong các vụ án.
Hiện nay, cả nước có 6.154 giám định viên tư pháp và 1.630 người giám định tư pháp theo vụ việc. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm các tổ chức giám định tư pháp đã thực hiện khoảng 142.000 vụ việc giám định, trong đó có trên 80% vụ việc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Lê Sơn