Máy tính tại Hàn Quốc bị tin tặc tấn công. Ảnh: KBS |
Tại Trung Quốc, Tập đoàn Năng lượng Petro China thông báo hệ thống thanh toán tại nhiều trạm bán xăng dầu của họ bị virus xâm nhập gây rối loạn. Trong khi đó, khoảng 200.000 máy tính, chủ yếu ở các trường học của Trung Quốc cũng bị nhiễm mã độc tống tiền.
Cũng tại Trung Quốc, Qihoo 360, một trong những nhà cung cấp hàng đầu về phần mềm diệt virus của Trung Quốc ngày 14/5 thống kê có ít nhất 29.372 cơ sở từ các cơ quan Chính phủ đến các máy rút tiền tự động (ATM) và bệnh viện đã bị ảnh hưởng.
Còn tại Hàn Quốc, đài KBS ngày 15/5 đưa tin theo số liệu do một hãng bảo mật Hàn Quốc cung cấp, vụ tấn công của mã độc WannaCry đã gây ra hơn 4.000 sự cố thiệt hại trong nước. Đặc biệt, trong đêm ngày 14/5, máy chủ điều khiển một số biển quảng cáo, màn hình rạp chiếu phim đã bị tấn công, trong đó xuất hiện nội dung tin tặc yêu cầu đòi tiền chuộc.Australia cũng ghi nhận 12 trường hợp tấn công mạng đòi tiền chuộc nhằm vào các doanh nghiệp nước này. Các chuyên gia an ninh mạng của Australia khẳng định nguy cơ tấn công vẫn còn hiện diện do còn nhiều người sẽ sao chép mã độc.
Tại Canada, trang web của chính quyền tỉnh Saskatchewan đã bị nhiễm mã độc đòi tiền chuộc gây tê liệt hoạt động trong nhiều giờ.
Trước đó, ngày 14/5, hệ thống điện toán của Bệnh viện Lakeridge Health thuộc tỉnh Ontario cũng có biểu hiện bị nhiễm virus đòi tiền chuộc WannaCry.
Các chuyên gia an ninh mạng dự báo tốc độ lây lan của các virus tin tặc này dự kiến sẽ còn tăng nhanh, đồng thời khuyến cáo để ngăn chặn thiệt hại từ mã độc này, người dùng cần cập nhật phiên bản hệ điều hành Windows và phần mềm diệt virus mới nhất và cài đặt gói bảo mật vừa được hãng Microsoft phát hành khẩn cấp (ngày 13/5) nếu sử dụng hệ điều hành Window XP.
Đến thời điểm này, thủ phạm của vụ tấn công mạng vẫn chưa được xác định.
Thanh Xuân (tổng hợp)