Tại Anh, cơ quan khí tượng ngày 18/7 đã ban hành cảnh báo nhiệt độ cực đoan đầu tiên của mùa Hè này ở mức "báo động đỏ do nóng gắt, có thể nguy hiểm cho tính mạng". Nhiệt độ do nắng nóng trong ngày 18-19/7 có thể phá vỡ kỷ lục 38,7 độ C đo được vào năm 2019.
Lo ngại các nguy cơ từ nắng nóng, nhiều công ty đường sắt đã ngừng cung cấp dịch vụ, khuyến cáo người dân hạn chế đi ra đường, ngừng các hoạt động ngoài trời… Một số trường học phải đóng cửa, trong khi những trường cho học sinh đến lớp dự kiến sẽ để học sinh tan trường muộn hơn, tránh những lúc nắng nóng nhất.
Tại Pháp, Viện Khí tượng thủy văn cho hay ngày 18/7 là một trong số những ngày nóng nhất được ghi nhận tại Pháp. Trên phạm vi cả nước, nhiệt độ tối đa là hơn 30°C và nhiều nơi có thể lên đến từ 38-40°C, nhất là ở các vùng phía tây và tây nam nước Pháp.
Đây là đỉnh của đợt nắng nóng thứ 45 được ghi nhận ở Pháp kể từ năm 1947. Hệ quả kèm theo của đợt nóng gay gắt này là ô nhiễm không khí có nguy cơ tăng vọt.
Tại Đức, cơ quan dự báo thời tiết đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu nước khi nhiệt độ liên tục tăng cao tại nước này.
Ngày 18/7, nhiệt độ tăng lên hơn 30 độ C, một số khu vực nhiệt độ vượt 35 độ C. Thậm chí, cơ quan dự báo thời tiết Đức dự báo miền Tây nước này sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, trong đó nhiệt độ tại một số khu vực có thể lên tới 40 độ C.
Tại Tây Ban Nha, nơi nhiệt độ đã tăng vọt trên 40 độ C, các cơ quan y tế đã cảnh báo về những rủi ro sức khỏe do tiếp xúc với nhiệt độ quá cao, đồng thời khuyến cáo mọi người nên ở trong những không gian có bóng râm hoặc máy điều hòa nhiệt độ và uống nhiều nước…
Đợt nắng nóng ở Tây Ban Nha được dự báo sẽ giảm bớt vào ngày 19/7 nhưng nhiệt độ tăng trở lại vào ngày 20/7, nhất là ở khu vực phía tây khô hạn.
Theo con số thống kê, nắng nóng tại Tây Ban Nha kể từ hôm 10/7, đã khiến hơn 400 người thiệt mạng…
Các nhà khoa học cho biết các đợt nắng nóng sẽ gay gắt hơn, thường xuyên hơn và kéo dài hơn do biến đổi khí hậu và biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục làm cho thời tiết khắc nghiệt hơn.
theo AP/TTXVN