Nên ưu tiên đầu tư phát triển 4 lĩnh vực công nghiệp chiến lược
Chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TPHCM và các đô thị trên toàn thế giới.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TPHCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn. Qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của TPHCM vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của thành phố trong cả nước và khu vực.
Tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần 5-2024, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức kinh tế trên thế giới đã đưa ra nhiều sáng kiến, nghiên cứu và giải pháp thiết thực nhằm chung tay cùng thành phố chuyển đổi hiệu quả công nghiệp.
Ông Rich McClellan, Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair Vì sự Thay đổi Toàn cầu (Anh) tại Việt Nam cho rằng, để lựa chọn các ngành công nghiệp phù hợp nhất cho TPHCM, cần áp dụng bộ tiêu chí đánh giá dựa trên ba khía cạnh chính: Tác động của ngành, lợi thế cạnh tranh và sự phù hợp với các chiến lược quốc gia và của Thành phố.
Dựa theo nghiên cứu của Viện, có bốn ngành chiến lược TPHCM cần được ưu tiên đầu tư và phát triển, cụ thể: Một là ngành điện tử và sản xuất công nghệ cao. Ngành này tận dụng cơ sở hạ tầng công nghiệp và lực lượng lao động lành nghề của TPHCM, đưa thành phố trở thành trung tâm của khu vực.
Hai là kinh tế số và dịch vụ công nghệ thông tin. Theo đó, tận dụng hệ sinh thái công nghệ đang phát triển sôi động của Thành phố và lực lượng dân số trẻ am hiểu công nghệ, lĩnh vực này dự báo sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu.
Ba là năng lượng tái tạo và công nghệ xanh. Việc phát triển ngành này phải phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu, lĩnh vực này mang đến cho TPHCM cơ hội dẫn đầu trong phát triển kinh tế xanh.
Bốn là tài chính xanh. Thành phố cần sớm đạt được khát vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế và phát triển tài chính xanh nhằm cung cấp nguồn vốn thiết yếu cho phát triển bền vững.
Theo ông Rich McClellan, để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trên, cần kết hợp các chính sách chung và chính sách riêng cho từng ngành. Các chính sách chung tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tinh gọn các thủ tục quản lý và đầu tư vào phát triển lực lượng lao động. Các chính sách riêng cho từng ngành bao gồm tạo ra các cụm công nghiệp công nghệ cao, ươm tạo các công ty khởi nghiệp công nghệ, đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo tham vọng và phát triển hệ thống phân loại xanh để định hướng cho các khoản đầu tư bền vững.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), khẳng định việc xây dựng, chuyển đổi các Khu công nghiệp (KCN) hiện hữu thành KCN sinh thái là cực kỳ quan trọng với TPHCM, nó sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt cho cả khu vực, mang lại hình ảnh rất tốt cho Thành phố
Ông Phạm Hồng Điệp cho rằng, TPHCM là địa phương sớm phát triển mô hình KCN. Cho đến nay một số KCN đã gần hết thời hạn cho thuê, cũng như nhiều doanh nghiệp đã hết hạn hợp đồng thuê, là cơ hội rất tốt cho TPHCM chuyển đổi sang KCN sinh thái. Ông Điệp đề xuất TPHCM áp dụng mức ưu đãi đầu tư cho KCN sinh thái bằng ở khu kinh tế.
Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển KCN sinh thái, bà Anna Skarbek, CEO Climateworks Center, nhận định Việt Nam có tiềm năng rất lớn về xây dựng các KCN Net Zero, trong đó tập trung vào năng lượng tái tạo.
Tại TPHCM, bà Anna Skarbek khuyến nghị tích hợp Net Zero vào sự chuyển đổi công nghiệp ngay lập tức và hỗ trợ cho các KCN. Kiến nghị xây dựng lộ trình Net Zero cho TPHCM để triển khai các KCN Net Zero, gửi thông điệp rõ ràng tới khu vực tư nhân.
Theo ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TPHCM, Thành phố đã có nghị quyết của Thành ủy và Nghị quyết của UBND Thành phố về phát triển các KCX-KCN, đặc biệt về việc tái cấu trúc hoạt động của các KCX-KCN. Điều này nhằm đạt mục tiêu xây dựng các KCN mới, hiện đại theo xu hướng của thế giới trên cơ sở thực tế là một số KCX-KCN như Tân Thuận, Linh Trung… đã hoạt động trên 30 năm.
Khi tiến hành tái cấu trúc, doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi theo hướng bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, KCN sinh thái. Việc chuyển đổi này cũng là yêu cầu bắt buộc để phù hợp xu hướng chung do Việt Nam đã cam kết sẽ đạt "net zero" vào năm 2050. Quan trọng hơn, nhà nhập khẩu một số ngành đòi hòi doanh nghiệp phải có chứng chỉ xanh; doanh nghiệp muốn bán được hàng phải nỗ lực chuyển đổi để giảm thải carbon, bảo đảm môi trường tốt hơn, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất…
Hiện nay, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi là vấn đề tài chính. Vì vậy, rất cần các chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi công nghệ, trong đó bao gồm chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM; các chính sách miễn, giảm, giãn thuế liên quan đến lĩnh vực công nghệ.
Lê Anh – Anh Thơ