In bài viết

Nhiều trường đại học lo hết hạn thí điểm tự chủ

(Chinhphu.vn) - Lãnh đạo nhiều trường đại học (ĐH) mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành văn bản mới sau khi Nghị quyết 77 về thí điểm thực hiện tự chủ trong các trường ĐH hết hạn vào cuối năm 2017.

20/10/2017 11:10
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Khôi
Sáng 20/10, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017.

Đến dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục ĐH và các nhà khoa học.

Sau 3 năm triển khai, đến nay đã có 23 cơ sở giáo dục ĐH công lập thực hiện tự chủ. Trong đó có 12 cơ sở có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm. Các cơ sở giáo dục ĐH được lựa chọn thí điểm đã bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường.

Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực. Các cơ sở giáo dục ĐH được lựa chọn thí điểm đã có những thành tựu nhất định trong việc thu hút người học và bảo đảm nguồn thu, được xã hội công nhận.

Báo cáo tổng kết của Bộ GD&ĐT đã cho thấy những chuyển biến tích cực tại các trường đại học. Nhiều trường đã chủ động mở ngành và phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Phương pháp, nội dung giảng dạy tiên tiến, tiếp cận chuẩn quốc tế. Quy mô đào tạo chính quy, đại trà có phần suy giảm nhưng các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh.

Số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học, hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng đáng kể. Tỷ lệ cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị từ thạc sĩ trở lên tăng so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm 9,2% so với tỷ lệ 6% của toàn hệ thống.

Tổng thu tăng 16,6%, trong đó từ ngân sách Nhà nước giảm 16,51%, nhưng nguồn đầu tư xây dựng cơ bản tăng tới 85,1%. Thu học phí, lệ phí, thu sự nghiệp khác tăng 23,4%. Điều đó cho thấy tự chủ tài chính không có nghĩa Nhà nước sẽ cắt toàn bộ ngân sách và không đầu tư cho các trường tự chủ.

Các mục chi của trường ĐH tự chủ tập trung vào đầu tư, mua sắm trang thiết bị, chính sách học bổng cho sinh viên, nghiên cứu khoa học…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, bên cạnh những kết quả đạt được, tự chủ ĐH ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, bất cập. Cơ chế quản lý theo chế độ bộ chủ quản không còn phù hợp.

Các cơ sở giáo dục ĐH được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ ĐH, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị ĐH của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế bảo đảm tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả.

Những bất cập này đã hạn chế hiệu quả của việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH. Tự chủ chưa thực sự trở thành động lực phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường cạnh tranh và đa dạng hóa các loại hình đào tạo của trường ĐH.

“Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những việc đã làm được, chưa làm được. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh và bài học kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai thời gian qua, để từ đó thống nhất nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đề ra kế hoạch, lộ trình triển khai bảo đảm hiệu quả cao nhất”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.

Các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được Ban Tổ chức tiếp thu để hoàn thiện nghị định về chính sách tự chủ đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập. Đồng thời là căn cứ để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH hiện hành và sửa đổi bổ sung một số luật có liên quan để tạo khung pháp lý hoàn thiện hơn cho việc thực hiện hiệu quả tự chủ ĐH.

Bộ GD&ĐT sẽ tổng kết, đề nghị Chính phủ chính thức thực hiện tự chủ ở các trường ĐH.

Minh Khôi