Tại Hội thảo "Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 4/7, tại Hà Nội, Trung tá Triệu Mạnh Tùng – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an dẫn lại một số vụ việc nổi bật gần đây để minh chứng cho quy mô và mức độ tinh vi, liên biên giới của các vụ lừa đảo.
Theo đó, tháng 7/2023, Cục A05 phối hợp Công an tỉnh Quảng Bình và các đơn vị nghiệp vụ triệt phá ổ nhóm sử dụng không gian mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông qua hình thức đầu tư tài chính trên sàn RosyStyle, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt hơn 1.800 tỷ đồng.
Nhóm này là người gốc Trung Quốc, quốc tịch Malaysia cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam tổ chức, điều hành; tang vật thu giữ gồm 390 thẻ ngân hàng, 103 điện thoại, 6 bộ máy tính, 200 sim điện thoại.
Một vụ việc nữa là vào tháng 2/2024, Công an tỉnh Nghệ An triệt phá ổ nhóm 32 đối tượng do Tăng Quảng Vinh, sinh năm 1989, trú tại phường 11, quận 5, TP.HCM cầm đầu. Vinh là một trong những đối tượng chủ mưu quản lý, điều hành, cấu kết với các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức cho người Việt Nam tại Campuchia hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của hàng trăm bị hại trong nước.
Theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng, các băng nhóm tội phạm lừa đảo trong ngành ngân hàng đã phân chia nhiệm vụ rất chuyên nghiệp. Đơn cử, một nhóm chuyên tìm kiếm "con mồi" (người già về hưu, người không rành sử dụng công nghệ, không nghề nghiệp nhưng có nhu cầu kiếm tiền,…).
Có nhóm mua gom các tài khoản ngân hàng hoặc chuyên lập tài khoản ngân hàng ảo; nhóm chuyên nghĩ kịch bản, sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành công an, ngân hàng rất chuẩn; nhóm xử lý dòng tiền,...
Nhóm đối tượng lừa đảo có hàng nghìn sim để chuyên xử lý dòng tiền lừa đảo. Các sim này đều tài khoản không chính chủ.
Theo đại diện Bộ Công an, với chính sách xuất nhập cảnh mở cửa như hiện nay, các đối tượng dịch chuyển ra nước ngoài, lừa đảo xuyên quốc gia vô cùng phổ biến nên truy dấu và bắt giữ đối tượng rất khó khăn.
Từ thực tế trên, Trung tá Triệu Mạnh Tùng đề xuất ngành ngân hàng cần triển khai thực hiện thật tốt Quyết định 2345 (xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền), đó giải pháp cơ bản để loại bỏ tài khoản không chính chủ mà các đối tượng lừa đảo đang áp dụng.
Các ngân hàng cần tiếp tục công tác tuyên truyền cho khách hàng, bảo vệ khách hàng trên rất nhiều kênh, trước tiên là trên các ứng dụng điện tử.
Đồng thời gia tăng củng cố hệ thống công nghệ thông tin, triển khai phân tích bằng dữ liệu lớn (BigData) về phương thức sử dụng tài khoản khách hàng của mình để nhận diện dữ liệu các khách hàng của mình.
Ví dụ, khách hàng đang có xu thế tiêu tiền như thế này nhưng lại có những đột biến thì lập tức có cảnh báo, tiếp xúc để ngăn chặn khách hàng bị lừa đảo.
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, Trung tá Triệu Mạnh Tùng lưu ý không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, lừa đảo qua mạng đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Việt Nam đang phối hợp với các quốc gia để có giải pháp đấu tranh căn cơ hơn.
Khâu quan trọng nhất của các loại tội phạm, đó là các đối tượng luân chuyển dòng tiền không chỉ lừa đảo mà còn cờ bạc, rửa tiền, tài trợ khủng bố... Trong khi đó, mức tăng trưởng hoạt động thanh toán của Việt Nam rất cao, thanh toán số quen thuộc, nhưng nếu không kiểm soát định danh thông tin người mở tài khoản, vô hình trung có nhiều rủi ro trong hoạt động thanh toán.
Do đó Quyết định 2345 của NHNN, các ngân hàng có giải pháp xác thực sinh trắc học khi giao dịch trên 10 triệu đồng là rất quan trọng.
Quan trọng là làm sạch thông tin dữ liệu khách hàng, khi giao dịch có căn cước công dân thật đã được đối chiếu dữ liệu của Bộ Công an. Khi cá nhân mở tài khoản khách hàng, nhờ sinh trắc học, có lưu vết dấu hiệu rõ ràng, để cơ quan chức năng điều tra xử lý khi có vấn đề.
Về lo ngại có khách hàng thử dùng ảnh chụp để quét sinh trắc học, đại diện Bộ Công an cho rằng, các ngân hàng phải đầu tư thiết bị bảo đảm quét khuôn mặt phải là khuôn mặt sống khi giao dịch. Với sự phát triển công nghệ, không khẳng định được sinh trắc học bị vượt qua không nhưng giải pháp này là tiên tiến nhất hiện nay. Người dân cũng cần cảnh giác cả việc có một số đối tượng lừa đảo lợi dụng chính chính sách mới để lừa đảo, gọi điện đề nghị thu thập sinh trắc học...
"Vẫn có rủi ro khi tội phạm dùng công nghệ deepfake vượt qua việc sinh trắc học, khi đó, các ngân hàng cũng như các cơ quan liên quan vẫn phải sẵn sàng giải pháp, phương án để ứng phó", Đại diện A05 nói.
Đại diện A05 khẳng định: Bộ Công an luôn đồng hành với ngành ngân hàng bảo đảm an ninh thông tin trong hệ thống, khi có các vấn đề xảy ra, các bên có sự nhanh chóng trao đổi giải quyết vấn đề.
Với người dân, Trung tá Triệu Mạnh Tùng cảnh báo thêm, thời gian qua có các đối tượng lừa đảo có tổ chức, sử dụng nền tảng không gian mạng, những vai cô gái xinh đẹp làm quen kết bạn, khi đó họ thu thập thông tin, trao đổi tình cảm, các đối tượng này dẫn dụ chat gửi hình ảnh nhạy cảm, sau đó mang các clip tống tiền.
"Nhiều bị hại bị sử dụng hình ảnh nhạy cảm, đe dọa gửi thông tin cho người thân, đồng nghiệp, bị áp lực phải chuyển tiền, khi chuyển tiền thì các đối tượng luôn đeo bám không dừng lại, người dân phải cảnh giác", Trung tá Triệu Mạnh Tùng cảnh báo.
Anh Minh