Ông Đỗ Văn Sơn - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC-Bộ Công an - Ảnh: Chinhphu.vn |
Ông Đỗ Văn Sơn: Kết quả nổi bật trong 10 năm thực hiện Luật là đã làm chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ sở và người dân trong việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với công tác PCCC. Hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC được nâng cao, công tác PCCC đã đi vào nề nếp.
Có thể nói, công tác PCCC đã đạt được nhiều kết quả tích cực, kiềm chế được sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra. Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã kịp thời dập tắt có hiệu quả khoảng 12.500 vụ cháy, bảo vệ được khối lượng tài sản, hàng hóa trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng, trực tiếp tổ chức cứu nạn và hướng dẫn thoát hiểm an toàn cho hàng nghìn người trong đám cháy. Đặc biệt số vụ cháy lớn được kiềm chế ở mức từ 1 đến 1,5% tổng số vụ cháy xảy ra.
Hằng năm, chỉ tính hiệu quả của công tác chữa cháy, đã cứu được khối lượng tài sản trị giá từ 3.000-5.000 tỷ đồng; hướng dẫn thoát nạn và cứu được hàng trăm người thoát khỏi đám cháy và các tai nạn khác.
Mười năm qua, lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở và quần chúng nhân dân đã kịp thời phát hiện và dập tắt tại chỗ trên 60% số vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh, góp phần ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Việc đầu tư xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện PCCC cũng đã được tăng cường. Từ các Bộ, ngành, đến UBND địa phương ở nhiều nơi đã thành lập Ban chỉ đạo PCCC, tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng dân phòng để làm nòng cốt cho phong trào toàn dân làm công tác PCCC.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC. Đến nay, cả nước đã có 8 Sở Cảnh sát PCCC và 55 Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ được tổ chức ở 63/63 tỉnh, thành phố.
Ông có thể dẫn chứng một vài điển hình hiệu quả trong công tác PCCC?
Ông Đỗ Văn Sơn: Thực tế các mô hình “cụm doanh nghiệp an toàn PCCC”; “cụm, tuyến dân cư an toàn PCCC” của Hải Phòng, An Giang, Tiền Giang hay các điển hình tiên tiến trong ngành Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn v.v.. đã được tổng kết, nhân rộng tại nhiều địa phương khác đang có tác dụng tốt.
Nhiều vụ cháy nguy hiểm đã được kịp thời dập tắt, góp phần hạn chế lớn thiệt hại, như: vụ chữa cháy chợ Vinh (Nghệ An), vụ chữa cháy Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), vụ chữa cháy rừng U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang và U Minh Hạ tỉnh Cà Mau tháng 3 năm 2002,…
Ông có nhận xét gì về những vụ cháy lớn xảy ra gần đây, như vụ cháy xưởng may giày tại Hải Phòng ngày 29/7 khiến 13 người chết, 25 người bị thương; vụ tổ hợp Keangnam tại Hà Nội gây thiệt hại về tài sản khoảng 20.000-30.000 USD?
Ông Đỗ Văn Sơn: Tính từ năm 2002 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 16.767 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân... và 6.109 vụ cháy rừng, làm chết 688 người, bị thương 1.848 người. Thiệt hại về tài sản ước tính trị giá 4.187 tỷ đồng và 42.332 ha rừng có giá trị kinh tế.
Thiệt hại do cháy gây ra tăng nhiều chủ yếu do cháy lớn xảy ra chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn là nhiều và tại các tỉnh có khu công nghiệp, đô thị phát triển.
Có thể dẫn chứng con số là, trong 10 năm qua, số vụ cháy lớn là 210 vụ chiếm tỷ lệ 1,25%, song về thiệt hại là 2.023,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,3%.
Lực lượng Cảnh sát PCCC ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong PCCC |
Mặt khác sự biến đổi khí hậu toàn cầu, khí hậu nắng nóng, khô hạn kéo dài đã tác động không nhỏ tới tình hình cháy nói chung và cháy lớn nói riêng.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, các nhà cao tầng, chung cư, khu công nghiệp đang tiếp tục được xây dựng. Như Hà Nội hiện có trên 200 tòa nhà cao từ 10 tầng trở lên nhưng có không ít nơi chưa đảm bảo yêu cầu về công tác PCCC… đây thực tế đáng phải quan tâm phải không, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Sơn: Nhìn ở phạm vi cả nước, đây cũng là một trong những vấn đề còn tồn tại qua 10 năm thực hiện Luật PCCC.
Hiện nay, còn tồn tại các khu đô thị, khu công nghiệp, chung cư cao tầng, các chợ đã đưa vào hoạt động từ trước khi có Luật PCCC không thực hiện đúng các quy định thẩm duyệt về PCCC nên các điều kiện an toàn về PCCC như lối thoát nạn, khoảng cách an toàn về PCCC giữa các công trình không đảm bảo; bố trí công năng chưa phù hợp; không có giải pháp chống cháy lan, cháy lớn; hệ thống cấp nước, đường giao thông không đáp ứng yêu cầu phục vụ chữa cháy.
Trong khi đó, số đội PCCC cơ sở mới chỉ đạt khoảng 80% và số đội PCCC dân phòng mới chỉ đạt trên 30% theo quy định của Luật PCCC.
Do vậy, một trong những trọng tâm đặt ra cho chúng tôi trong thời gian tới phải tăng cường các biện pháp đấu tranh ngăn chặn cháy lớn. Bởi theo thống kê số vụ cháy lớn tuy chỉ chiếm khoảng 1% tổng số vụ cháy xảy ra nhưng thiệt hại trung bình hàng năm chiếm tới 50 – 60% tổng thiệt hại.
Từng cơ sở, từng hộ gia đình sẽ đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ gây nên cháy, nổ; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chủ động phòng ngừa và chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.
Tới đây phải đẩy mạnh công tác điều tra nguyên nhân vụ cháy và tăng cường công tác xử lý những trường hợp vi phạm quy định về PCCC. Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, không an toàn, có nguy cơ cháy lớn và đe dọa tính mạng của nhiều người thì phải có biện pháp xử lý mạnh, kể cả hình sự.
Chúng tôi cũng đang tập trung chỉ đạo tăng cường bồi dưỡng, nâng cao cả về chất lượng và đề xuất tăng số lượng cán bộ chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC. Toàn lực lượng Cảnh sát PCCC hiện có trên 9.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 5.169 sĩ quan nghiệp vụ, cán bộ được đào tạo có trình độ chuyên ngành PCCC.
Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Diễm – Kim Huệ thực hiện