Việc một số chương trình hạt nhân trở thành vấn đề nổi cộm thúc giục cộng đồng quốc tế đẩy mạnh nỗ lực tìm giải pháp hữu hiệu nhằm loại trừ mối đe dọa do vũ khí hạt nhân gây ra.
Bức tranh chung
Ngày 8-12-2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) thông qua Nghị quyết giải trừ vũ khí hạt nhân do Nhật Bản đệ trình với số phiếu tán thành kỷ lục 168 chỉ có hai phiếu chống, bảy phiếu trắng. Đây là lần thứ 12 liên tiếp Nghị quyết này được thông qua kể từ khi Nhật Bản đề xuất lần đầu (năm 1994) và cũng là lần có nhiều nước tán thành nhất.
Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình thành một cơ cấu có hiệu quả để thực thi Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân (NPT), hòn đá tảng nhằm thực hiện quy chế không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu, đồng thời kêu gọi sớm đưa Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) vào thực hiện, hoặc tiếp tục ngừng các vụ thử hạt nhân cho tới khi Hiệp ước này có hiệu lực.
Nghị quyết cũng kêu gọi các cường quốc hạt nhân thực hiện cam kết cắt giảm dần kho vũ khí hạt nhân tiến tới hủy bỏ hoàn toàn vũ khí này.
Trước đó, ngày 25-10, Ủy ban An ninh quốc tế và giải trừ quân bị ĐHĐ LHQ khóa 60 thông qua 21 nghị quyết yêu cầu các nước thành viên LHQ thiết lập các khu vực không có vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết sớm đạt được hiệp định quốc tế bảo đảm các nước không có vũ khí hạt nhân không bị đe dọa tiến công bằng vũ khí hạt nhân và tăng cường không phổ biến hạt nhân trên toàn cầu.
Các nghị quyết của LHQ cũng xem xét vai trò của khoa học và công nghệ trong bối cảnh an ninh quốc tế giải trừ quân bị đương đại và phán quyết mang tính tư vấn của Tòa án quốc tế La Hay (ICJ) về việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ủy ban cũng thông qua các nghị quyết về việc thực hiện CTBT, giải trừ vũ khí hạt nhân, công ước về cuốn vũ khí hạt nhân, hội nghị về các biện pháp loại trừ nguy cơ hạt nhân trong bối cảnh giải trừ vũ khí hạt nhân...
Theo LHQ, cộng đồng quốc tế cần có các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự xuất hiện của các loại vũ khí hủy diệt mới, đồng thời cấm phát triển và chế tạo những loại vũ khí giết người hàng loạt này. Nghị quyết của LHQ về nguy cơ phổ biến hạt nhân ở Trung Đông yêu cầu Israel, nước duy nhất ở khu vực này chưa ký NPT, không tiếp tục trì hoãn ký kết và phê chuẩn Hiệp ước này, không phát triển, sản xuất và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, từ bỏ việc sở hữu vũ khí hạt nhân dưới sự thanh tra của cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Dư luận rộng rãi ủng hộ nỗ lực chung của tất cả các nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân. Nhân dân thế giới rất bất bình trước việc Mỹ, một cường quốc hạt nhân, tiếp tục phủ quyết các nghị quyết của LHQ về giải trừ vũ khí hạt nhân và phê phán một số nước khác có những hành động đổ thêm dầu vào lửa thổi bùng nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân cực kỳ nguy hiểm.
Đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên - tiến trình khó khăn
Tháng cuối năm 2005 qua đi, vòng đàm phán mới sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đã không diễn ra như dự định. CHDCND Triều Tiên còn tuyên bố sẽ nối lại việc xây dựng hai lò phản ứng làm chậm bằng graphit (GMR) công suất 50.000 kW và 200.000 kW và sẽ bắt đầu phát triển hai lò phản ứng nước nhẹ khác. Theo Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), CHDCND đang sở hữu vũ khí hạt nhân; chính sách thù địch của Mỹ buộc nước này phải chủ động phát triển năng lượng hạt nhân để bảo đảm khả năng tự phòng thủ trước các cuộc tiến công hạt nhân phủ đầu của Mỹ. Nhiều người băn khoăn lo ngại tiến trình đàm phán đầy khó khăn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có thể bị đẩy lùi.
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nổi lên từ tháng 10-2002 khi Đặc phái viên hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ J.Kelly nói rằng có bằng chứng CHDCND Triều Tiên bí mật làm giàu uranium. Tháng 12-2002, CHDCND Triều Tiên tuyên bố có kế hoạch khởi động lại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, không cho phép IAEA giám sát các thiết bị ở đây và trục xuất cơ quan này. Tháng 1-2003, Bình Nhưỡng quyết định rút khỏi NPT. Sau nhiều nỗ lực ngoại giao con thoi của Trung Quốc, vòng đàm phán sáu bên (gồm hai miền Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Mỹ) thứ nhất được tiến hành tại Bắc Kinh vào tháng 8-2003, lần thứ hai vào tháng 2-2004, lần thứ ba vào tháng 6-2004, lần thứ tư vào tháng 7-2005. Ngày 13-9-2005, vòng đàm phán thứ tư (lần hai) diễn ra tại Bắc Kinh và kết thúc sau một tuần với bản Tuyên bố chung gồm các điểm chính: Bình Nhưỡng tuyên bố rằng CHDCND Triều Tiên có quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình và các bên khác tôn trọng và thảo luận vào thời điểm thích hợp việc cung cấp một lò phản ứng nước nhẹ cho CHDCND Triều Tiên; năm bên khác bày tỏ mong muốn cung cấp dầu mỏ, viện trợ năng lượng và những bảo đảm an ninh cho CHDCND Triều Tiên; sáu bên khẳng định một lần nữa, mục đích đàm phán sáu bên là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể xác minh được; CHDCND Triều Tiên trở lại sớm nhất NPT và những biện pháp bảo vệ IAEA; Mỹ khẳng định nước này không có vũ khí hạt nhân nào trên bán đảo Triều Tiên và không có ý định tiến công xâm lược CHDCND Triều Tiên; Hàn Quốc khẳng định lại cam kết không tiếp nhận hoặc triển khai vũ khí hạt nhân theo Tuyên bố chung năm 1992 Washington và Tokyo bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng; sáu bên đồng ý tổ chức vòng đàm phán thứ năm tại Bắc Kinh vào tháng 11-2005.
Theo thỏa thuận, ngày 9-11, tại Bắc Kinh, vòng năm cuộc đàm phán sáu bên về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được tiến hành để hoạch định lộ trình thực hiện Tuyên bố chung nói trên. Một loạt cuộc gặp tay đôi như Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc - Mỹ, Nhật Bản - CHDCND Triều Tiên... đã diễn ra, tuy nhiên, vòng này không tiến triển vì CHDCND Triều Tiên và Mỹ bất đồng sâu sắc chung quanh việc bên nào hành động trước đối với những cam kết đã đưa ra.
CHDCND Triều Tiên cho rằng, Mỹ cần giúp nước này xây dựng nhà máy hạt nhân nước nhẹ trước, trong khi Washington khăng khăng rằng, Bình Nhưỡng phải từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân và trở lại NPT trước khi được hỗ trợ để xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ với tổng giá trị 5 tỷ USD. Tháng 10, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt tài chính đối với tám công ty của CHDCND Triều Tiên lấy cớ họ dính líu hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân. Trung tuần tháng 11, Tổ chức phát triển năng lượng bán đảo Triều Tiên (KEDO) gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu (EU) hủy bỏ dự án cung cấp hai lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ cho CHDCND Triều Tiên. Dự án này bị trì hoãn năm 2002 khi Mỹ cáo buộc Bình Nhưỡng vi phạm Hiệp định khung 1994, vẫn bí mật xúc tiến kế hoạch làm giàu uranium để sản xuất vũ khí hạt nhân.
CHDCND Triều Tiên quy trách nhiệm cho Mỹ về sự sụp đổ Hiệp định khung là đòi Mỹ bồi thường tổn thất về chính trị và kinh tế cho nước này. Bất chấp những nỗ lực của Hàn Quốc dàn xếp một cuộc đàm phán trực tiếp, giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ và tổ chức đàm phán sáu bên không chính thức, Washington tuyên bố không thể kéo dài tiến trình đàm phán sáu bên và có thể áp dụng biện pháp khác nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng nêu rõ có thể tẩy chay đàm phán sáu bên do Mỹ lẩn tránh thương lượng về dỡ bỏ trừng phạt tài chính đối với CHDCND Triều Tiên.
Khả năng tiến hành vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vào tháng 1-2006 rõ ràng chủ yếu phụ thuộc hành động của CHDCND Triều Tiên và Mỹ. Là các bên tham gia đàm phán các nước Trung Quốc, LB Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có nhiều đề xuất và thúc giục hai nước nhanh chóng đi vào đối thoại tháo gỡ những tồn đọng, thúc đẩy nỗ lực chung phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Điều đó đáp ứng lợi ích của tất cả các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Chương trình hạt nhân của Iran - cuộc thương lượng đầy trắc trở
Ngày 21-12-2005, theo thỏa thuận CH Iran và ba nước đại diện EU (EU-3) gồm Anh, Pháp, Đức nối lại thương lượng. EU-3 muốn thuyết phục Iran đưa ra thỏa thuận về xây dựng một nhà máy ly tâm thí nghiệm. Đúng như nhận định của giới ngoại giao phương Tây, đề nghị trên khó có thể được Tehran vốn nhiều lần tuyên bố không đánh đổi chủ quyền về hạt nhân của mình, chấp nhận, nên cơ hội thành công của cuộc thương lượng "rất thấp", cuộc gặp đã nhanh chóng khép lại với thỏa thuận sẽ đàm phán tiếp vào tháng 1-2006.
Chương trình hạt nhân của Iran hình thành năm 1972 dưới chế độ quân chủ của Sa Palevi với sự giúp đỡ của CHLB Đức, năm 1974 được Mỹ ủng hộ. Năm 1979, cách mạng Hồi giáo thành công, Iran cắt quan hệ với Mỹ, đồng thời do chiến tranh với Iraq, nên chương trình hạt nhân bị gián đoạn. Năm 1992, khi tình hình khu vực tạm ổn định, Iran và LB Nga ký một hợp đồng kinh tế theo đó đưa nhà máy điện hạt nhân của Iran ở Buse vào hoạt động trong năm 2004.
Vấn đề hạt nhân của CH Hồi giáo Iran, nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới, trở nên phức tạp từ đầu năm 2002 khi Đài Truyền hình Mỹ phát những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy những địa điểm hạt nhân Azak, Natan của Iran có thể được dùng vào mục đích quân sự. Quan hệ giữa Iran với các bên liên quan căng thẳng từ tháng 6-2004 khi IAEA công bố báo cáo nói đã phát hiện Iran có kế hoạch mua hàng nghìn máy ly tâm P2 làm giàu uranium ở mức có thể phục vụ sản xuất bom hoặc đầu đạn hạt nhân.
EU-3 chỉ trích mạnh mẽ Iran và trình IAEA dự thảo nghị quyết buộc Tehran phải chấm dứt chương trình hạt nhân. Sau nhiều cuộc thương lượng chật vật, tháng 11-2004 Iran chấp thuận ngừng mọi hoạt động làm giàu uranium và từ ngày 13-12 bắt đầu các cuộc đàm phán với EU. Ngày 13-1-2005, các thanh tra của IAEA đến Pachin, đông - nam Tehran.
Ngày 3-8, ông M.Ahmadinejad, người theo đường lối cứng rắn và không thân phương Tây, nhậm chức Tổng thống. Tehran từ chối nỗ lực của EU về một đề nghị trọn gói nhằm tháo gỡ bế tắc. Việc EU-3 tăng cường gây sức ép, dọa trừng phạt kinh tế - thương mại đối với Tehran đã đẩy cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Iran vào khúc ngoặt nguy hiểm.
Sau khi IAEA đưa ra báo cáo nêu rõ "Iran vẫn tiếp tục chương trình nhiên liệu hạt nhân nhạy cảm", Tehran chấm dứt việc cho phép các thanh sát viên quốc tế thanh sát các cơ sở hạt nhân của Iran; dọa sẽ trả đũa EU-3. Tehran cũng kiên quyết bác bỏ ý kiến của Giám đốc IAEA, ông M.ElBaradei, cho rằng sự có mặt của Mỹ trong đàm phán là cần thiết, chỉ rõ rằng sự can thiệp của Washington là một trong những lý do làm cho thương lượng giữa EU-3 và Iran trở nên phức tạp. Iran tố cáo Mỹ đứng đằng sau nghị quyết của IAEA, nhấn mạnh sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh giáng trả nếu Nhà trắng tiếp tục gây sức ép đối với Iran về vấn đề hạt nhân.
Sức ép ngày càng leo thang của phương Tây đẩy vấn đề hạt nhân của Iran tiến triển theo hướng không có lợi. Tổng thống M. Ahmadinejad (ngày 30-10) tuyên bố, những yêu cầu của phương Tây là không thể chấp nhận được, Iran sẽ tiếp tục việc làm giàu uranium. Chính phủ Iran thông qua nghị quyết mời các đối tác nước ngoài tham gia chương trình làm giàu uranium ở Natan nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân ở Buse, coi đây là biện pháp xây dựng lòng tin nhằm phá vỡ bế tắc trong đàm phán về chương trình hạt nhân giữa nước này với phương Tây.
Ngày 6-11, Iran đề nghị nối lại đàm phán với EU-3, nhưng nhấn mạnh "quyền chắc chắn và không thể bác bỏ của Iran được có một chu trình sản xuất nhiên liệu hạt nhân hoàn chỉnh và khả năng làm giàu hạt nhân vì mục đích hòa bình". Ngày 3-12, Hội đồng Bảo vệ Cộng hòa, Cơ quan giám sát Hiến pháp Iran, thông qua dự luật quy định rõ trong trường hợp vấn đề hạt nhân của Iran bị đưa ra HĐBA LHQ, chính phủ sẽ hủy bỏ tất cả các hành động tự nguyện mà nước này đã thực hiện. Chính phủ Iran quyết định xây dựng thêm một nhà máy điện hạt nhân mới tại tỉnh Khudestan, hy vọng đưa nhà máy điện hạt nhân Buse công suất 1.000 MW vào hoạt động cuối năm 2006 và xem xét khả năng xây dựng thêm một nhà máy điện hạt nhân công suất 6.000 MW vào năm 2020. Tiến trình thương lượng về vấn đề hạt nhân giữa Iran với EU-3 đối mặt nhiều trắc trở.
Nhìn lại hai cuộc khủng hoảng hạt nhân nói trên có thể thấy chính sách áp đặt của Mỹ tác động tiêu cực tiến trình tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng chung quanh vấn đề hạt nhân của các nước.
Chính sách của chính quyền G.Bush cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân chống các nước không có vũ khí hạt nhân đã vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận, kể cả dư luận Mỹ. Ngày 26-10-2005, hơn 470 nhà khoa học vật lý Mỹ, trong đó có bảy nhà khoa học đoạt giải Nobel vật lý, đã ký kiến nghị gửi QH Mỹ phản đối chính sách hạt nhân của chính quyền. Trong kiến nghị gửi các hội khoa học chuyên ngành và IAEA, các nhà vật lý học Mỹ nhấn mạnh rằng, khoa học vật lý đã đưa vũ khí hạt nhân vào kho vũ khí của thế giới 60 năm trước đây; chính sách hạt nhân hiện nay của chính quyền Mỹ đã xóa nhòa ranh giới vũ khí giết người hàng loạt mang tính hủy diệt như vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học, sinh học với vũ khí thông thường. Nhân loại đã tránh được hiểm họa sử dụng vũ khí hạt nhân trong nửa thế kỷ qua phần lớn nhờ thành công của NPT. Chính sách hạt nhân của chính quyền Mỹ phá hoại NPT, kích động các nước phát triển loại vũ khí hủy diệt này, từ đó có thể dẫn đến cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu.
Cuộc đấu tranh vì một thế giới không vũ khí hạt nhân tiếp tục đòi hỏi nỗ lực lớn của cộng đồng quốc tế. Dư luận trông đợi các cường quốc hạt nhân, nhất là Mỹ, tỏ rõ thiện chí và hành động xây dựng nhằm khai thông các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran, thúc đẩy cuộc đấu tranh xóa bỏ vũ khí hủy diệt này khỏi Trái đất - Ngôi nhà chung của nhân loại.
(Nhân Dân)