Ảnh minh họa |
Thứ nhất, tốc độ tăng GDP nhóm ngành dịch vụ cao nhất trong 3 nhóm ngành, ước đạt 6,34%, trong khi nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản ước tăng 3%, nhóm ngành công nghiệp-xây dựng tăng 5,7% và cao hơn so với tốc độ tăng chung (6,34% so với 5,63%). Đạt được kết quả tích cực này nhờ nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu do xuất khẩu tăng khá cao, vượt khá xa so với mục tiêu đề ra.
Thứ hai, mặc dù nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, làm cho tốc độ tăng trong 2 năm gần đây của nhóm ngành này bị giảm mạnh, nhưng tính bình quân 3 năm qua vẫn đạt bằng với mục tiêu đề ra cho 5 năm.
Thứ ba, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế bình quân gần như chắc chắn vượt mục tiêu đề ra.
Thứ tư, nếu tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2006-2010 cần nhiều vốn đầu tư, thì từ năm 2011 đến nay cần ít vốn đầu tư hơn. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP bình quân thời kỳ 2006-2010 là 39,2% (trong đó năm 2007 lên đến 42,7%), thì năm 2011 giảm còn 33,3%, năm 2012 còn 30,5%, năm 2013 ước còn 29%, bình quân 3 năm nay là 31,1%, thấp rất xa so với tỷ lệ theo mục tiêu đề ra.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,63%, thì hệ số ICOR bình quân thời kỳ 2011-2013 thấp hơn hệ số ICOR thời kỳ 2006-2013, thấp hơn hệ số ICOR thời kỳ 2006-2010 (5,5 lần so với 6,2 lần). Điều đó chứng tỏ hiệu quả đầu tư tuy còn thấp (bởi hệ số ICOR của Việt Nam hiện vẫn còn cao gấp rưỡi, gấp đôi các nước), nhưng đã được cải thiện một bước.
Kết quả này do hai nguyên nhân chủ yếu: Tư duy đã có sự đổi mới, tăng trưởng kinh tế không thể dựa quá nhiều vào vốn đầu tư, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu; có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo hướng nguồn có hiệu quả đầu tư cao thì tăng và ngược lại.
Thứ năm, tăng trưởng kinh tế đạt được khi tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân năm trong thời kỳ 2011-2013 thấp hơn nhiều so với thời kỳ 2006-2010 (ước 11% so với 33,2%).
Thứ sáu, tăng trưởng kinh tế có sự góp phần quan trọng của xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế và trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.
2 vấn đề cần lưu ý
Bên cạnh những điểm tích cực, thì tăng trưởng kinh tế nửa đầu nhiệm kỳ cũng còn những hạn chế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại từ năm 2011 (năm 2010 tăng 6,42%, năm 2011 tăng 6,24%, năm 2012 tăng 5,25%, 6 tháng năm 2013 tăng 4,9% và ước cả năm có thể đạt dưới 5,5%); bình quân thời kỳ 2011-2013 thấp xa so với mục tiêu đề ra và cũng thấp hơn tốc độ tăng bình quân năm thời kỳ 2006-2010 (5,63% so với 6,32%). Có hai vấn đề đặt ra.
Vấn đề thứ nhất là chúng ta không chạy theo tăng trưởng nóng, mà phải chuyển mô hình tăng trưởng, do đó, cần mạnh dạn điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cả nhiệm kỳ và mục tiêu tăng trưởng trong 2 năm còn lại (chẳng hạn năm 2014 tăng 6%, năm 2015 tăng 6,5%) và bình quân 5 năm chỉ tăng 5,88%/năm.
Vấn đề thứ hai là cần nỗ lực “thoát đáy vượt dốc đi lên” để vừa tránh được tụt hậu xa hơn, vừa tạo tiền đề để thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường. Nông, lâm nghiệp-thủy sản tăng thấp, nên cần quan tâm đặc biệt đối với tăng trưởng của nông, lâm nghiệp-thủy sản, vì đó là bệ đỡ của nền kinh tế, góp phần ứng phó với sự bất ổn, là bước đi đầu tiên để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng vừa bị giảm nhanh, vừa thấp xa so với mục tiêu đề ra. Vì vậy, cần sớm đưa công nghiệp-xây dựng trở lại là động lực, là đầu tầu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Trong các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế thì nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động là yếu tố quyết định nhất, quan trọng hơn nhiều so với việc tăng vốn đầu tư, tăng số lượng lao động. Tuy nhiên, không thể giảm quá nhanh tỷ lệ vốn đầu tư/GDP, không thể không thu hút lực lượng lao động, giảm thiểu số người thất nghiệp và thiếu việc làm…
Minh Ngọc