In bài viết

Nhìn nhận hạn chế để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế

(Chinhphu.vn) - Có thể thấy, việc mở rộng thị trường và quan hệ hợp tác, Việt Nam đã ngày càng tham gia sâu rộng vào hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, ngày càng có tiếng nói trong các diễn đàn khu vực và thế giới.

29/08/2016 17:57
Thành tựu về tăng trưởng kinh tế rõ nét trong những năm qua là bằng chứng cho chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập của nước ta. Cụ thể, xét GDP bình quân đầu người năm 2008, Việt Nam mới đạt trên 1.000 USD, đến năm 2015 đã đạt khoảng 2.300 USD. Chỉ số này đã đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng nước nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình.

Bộc lộ nhiều hạn chế

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cũng thừa nhận, hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục bởi “những hạn chế này đã tác động bất lợi tới phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua và có thể còn tác động bất lợi lâu dài”.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chưa thực sự chủ động, chưa tận dụng được lợi thế và giải quyết tốt các quan hệ kinh tế tiềm năng.

Có những thời điểm chúng ta tập trung vào các lợi ích mang tính ngắn hạn như cắt giảm thuế quan mà chưa chú trọng đúng mức đến các mục tiêu dài hạn như nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng, cải cách môi trường, thể chế trong nước, khả năng thích ứng nhanh của nền kinh tế với biến động bên ngoài.

Bên cạnh đó, có thời gian chúng ta tập trung các nỗ lực hội nhập kinh tế vào khu vực Đông Á làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế nước ta vào các nền kinh tế lớn trong khu vực về nguồn nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị, công nghệ… Sự tập trung này tạo hiệu ứng cộng hưởng với các căn nguyên khác dẫn đến tỉ trọng nhập siêu của Việt Nam tăng cao từ một số đối tác trong khu vực Đông Á.

Một thành viên trong Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế cũng cho rằng, việc hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện căn bản, hiệu quả đầu tư chưa cao như mong muốn. Tăng trưởng phần nhiều dựa vào các yếu tố như: tín dụng, lao động rẻ mà thiếu sự đóng góp của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức.

Vấn đề về sức cạnh tranh của nền kinh tế, ông Trần Quốc Khánh cho rằng, chúng ta đang thiếu các ngành kinh tế, doanh nghiệp mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới, chưa có khả năng đi đầu, kéo các ngành khác cùng phát triển. Trong khi đó, một số sản phẩm đã bắt đầu gặp khó khăn trong cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm như: nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép…

Đánh giá về quá trình thực thi các FTA, ông Khánh nhìn nhận, các FTA mà Việt Nam tham gia thời gian đầu chủ yếu là ở khu vực châu Á, trong khuôn khổ ASEAN. Thực tế quá trình thực thi cho thấy, việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định với ASEAN, ASEAN chưa rõ rệt, tỷ lệ tận dụng ưu đãi còn thấp. Đây cũng là vấn đề được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua.

Nguyên nhân của thực trạng này theo lý giải của ông Trần Quốc Khánh là do những hiệp định Việt Nam tham gia trước đây chủ yếu là trong khu vực ASEAN, phần lớn là các đối tác có nền kinh tế trùng lặp, cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam nhiều hơn bổ sung. Nếu sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam yếu hơn thì sẽ khó tận dụng.

Khắc phục “khoảng trống” pháp lý trong thực thi các cam kết

Trước những hạn chế đã nhìn nhận được, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo hội nhập quốc tế về kinh tế diễn ra ngày 26/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo có báo cáo về việc rà soát hoàn thiện văn bản pháp luật của các bộ, ngành như một báo cáo độc lập với báo cáo của Bộ Tư pháp để có lộ trình sửa đổi, lấp đầy lỗ hổng pháp luật trong thực thi các cam kết.

Phó Thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đặt lên trên nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các FTA để từ đó khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị những gì để tận dụng cơ hội về tự do thương mại mang lại.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về các FTA, cần thiết thì phải có website có tính tương tác với người dân và doanh nghiệp và biên soạn cẩm nang tích hợp các nội dung hiệp định theo chuyên đề…

Ông Trần Quốc Khánh cũng thông tin thêm, hiện 2 hiệp định chưa có hiệu lực là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA).

“TPP đang trong quá trình phê chuẩn. Để bảo đảm tính chủ động trong việc xây dựng quy định pháp luật phù hợp với cam kết trong TPP, chúng tôi đã ban hành danh mục văn bản phải sửa đổi, bổ sung khi TPP có hiệu lực”, ông Khánh đề nghị.

Với EVFTA, các bên đàm phán đang hoàn tất việc rà soát pháp lý. Phiên rà roát pháp lý lần thứ 2 sẽ diễn ra vào tháng 9 với mục tiêu kết thúc rà soát pháp lý vào cuối năm 2016, phê duyệt hiệp định vào năm 2017 và chính thức thực thi hiệp định từ 2018.

Một điểm đáng chú ý với EVFTA là sự kiện Anh rời khỏi EU sẽ tác động như thế nào đối với Việt Nam, tới EVFTA? Trả lời câu hỏi này, ông Khánh cho hay chừng nào Anh chưa rời EU thì Anh vẫn sẽ là thành viên của EU. EVFTA không có lý do gì mà bị điều chỉnh, thay đổi. Vì thế, đoàn đàm phán vẫn tích cực thực hiện các công việc để hoàn tất hiệp định. Khi nào Anh rời khỏi EU, nếu cần sửa đổi gì trong hiệp định thì chúng ta sẽ ngồi với EU.

Phan Trang