In bài viết

Nhớ thương anh Phan Văn Khải

(Chinhphu.vn) - "Tôi với anh – đôi bạn thân thiết, coi nhau như anh em, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn, hình ảnh anh đọng lại trong tôi thật sâu đậm và nhớ thương". Đây là những dòng viết về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong hồi ức của đồng chí Nguyễn Tiến Năng, nguyên Thư ký, Trợ lý cố Thủ tướng, Cố vấn Phạm Văn Đồng.

19/03/2018 17:27

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - Ảnh: Hữu Nguyên

Cách đây không lâu, có dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đến thăm anh Phan Văn Khải tại nhà riêng ở Củ Chi. Ngồi đối diện với anh, tôi quan sát thấy sức khỏe của anh có phần giảm sút. Anh vẫn hút thuốc và ho nhiều, tôi khuyên anh nên bỏ, anh nhìn tôi hồi lâu không nói gì, tôi hiểu và thông cảm và chúng tôi trao đổi với nhau nhiều điều về gia đình, về thành phố, về đất nước… phấn khởi nhiều nhưng cũng nhiều trăn trở. Anh bảo chuyện này có nói cả ngày cũng không hết, thôi mời bác Năng (anh vẫn gọi tôi như vậy, thay cho các con) đi ăn. Hôm đó anh cho tôi thưởng thức “cày tơ bẩy món” cùng với rượu nút lá chuối nổi tiếng của Củ Chi. Ngoài tôi ra còn có mấy người bạn quen thân của anh làm việc ở huyện, không khí thật rộn rã. Ai cũng khen các ông nhà bếp chế biến theo “gu Nam Bộ” món nào cũng ngon. Anh Khải hỏi tôi “Bác Năng thấy thế nào”? Tôi thật lòng nói: Thật tuyệt. Đã lâu lắm rồi mới có cuộc nhậu thú vị này, cảm ơn anh đã tổ chức cuộc gặp thân tình đầy xúc động. Không ngờ đây là cuộc gặp cuối cùng. Tôi đã mất một người bạn thân quý.

Lần đầu tôi quen biết anh Phan Văn Khải và một số thanh niên Nam Bộ tập kết ra miền Bắc cùng cán bộ, chiến sĩ miền Nam theo Hiệp định Geneve. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được về Hà Nội và được phân công, làm việc tại Văn phòng Thủ tướng phủ (nay là Văn phòng Chính phủ). Còn anh Khải thì làm việc tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Chúng tôi cùng ở tại khu tập thể số 2 Thụy Khuê khu Ba Đình, hằng ngày gặp nhau chuyện trò coi nhau như những người bạn tâm giao. Khi anh Khải lập gia đình và có con, anh chị thường mời tôi dùng bữa vào dịp ngày lễ, chủ nhật với những món ăn đặc trưng Nam Bộ do chị Sáu (vợ anh) chế biến. Thú thật lúc đầu tôi chưa quen nhưng về sau tôi thích nghi và coi là món ăn hợp khẩu vị. Những khi bận, nhất là thời gian anh học trường bổ túc văn hóa công nông Trung ương, anh chị gửi các con nhờ tôi trông nom. Tôi coi các cháu như con mình, bọn chúng chơi với nhau và khi lớn cùng học ở trường Chu Văn An, Hà Nội.

Kết thúc khóa học, anh được cử đi học đại học ở Liên Xô và sau đó tôi cũng được cử đi học ở Matxcơva. Chúng tôi gặp nhau trong khu ký túc xá tuy học các trường khác nhau, ở đây có nhiều sinh viên Việt Nam, chúng tôi thường tổ chức các cuộc gặp nhân ngày lễ, ngày Tết của Việt Nam, hát các bài hát Việt Nam, Nga và ăn những món tự biên tự diễn theo thực đơn của quê hương như cơm, phở, nem rán, canh chua… thật ấm tình bè bạn, đậm nét Việt.

Về nước, chúng tôi vẫn ở số 2 Thụy Khuê (sau này gia đình anh Khải chuyển sang số 4 cùng phố), làm việc tại cơ quan cũ cho đến khi anh được điều động vào Trung ương cục miền Nam (đi B2). Nước nhà thống nhất, anh về làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Những chuyến đi theo Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào công tác ở Thành phố, tôi thường đến thăm anh và gia đình tại nhà riêng. Những năm anh làm việc ở Thủ đô Hà Nội, chúng tôi cũng thường đến thăm nhau, chia sẻ với nhau việc học hành, việc xây dựng gia đình… cho cháu Hoàn, cháu Yến. Tôi thật phấn khởi khi các cháu đã lập gia đình và không lâu sinh các bé (vợ chồng Hoàn sinh một trai một gái, vợ chồng Yến sinh đôi hai trai), điều mà anh Khải, chị Sáu mong đợi từ lâu đã được giải tỏa là niềm vui, hạnh phúc không gì quý hơn.

Anh Phan Văn Khải đã từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ và xây dựng đất nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng ở các địa phương và cơ quan Trung ương: Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ. Anh tuân thủ đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, giữ vững nguyên tắc dân chủ, tập thể lãnh đạo, cống hiến hết mình, giữ gìn phẩm chất, phong cách. Anh có tư chất hiền lành, điềm đạm, lắng nghe nhiều hơn nói, sống giản dị, hòa đồng với mọi người, được bạn bè, đồng nghiệp kính trọng, yêu mến.

Đảng và Nhà nước đã tặng Anh Huân chương Sao vàng, huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác do có nhiều công lao và đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Tôi với anh – đôi bạn thân thiết, coi nhau như anh em, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn, hình ảnh anh đọng lại trong tôi thật sâu đậm và nhớ thương. Anh ra đi về thế giới người hiền, về cõi Bác Hồ, tôi nghiêng mình vĩnh biệt anh. Xin anh yên giấc ngàn thu.

Nguyễn Tiến Năng

Nguyên Thư ký, Trợ lý cố Thủ tướng, Cố vấn Phạm Văn Đồng