Trước hết, cần nêu thông tin tổng quát về mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015 và ước thực hiện giai đoạn 2011-2013.
Nguồn: - Kế hoạch 5 năm. - Tính và ước tính từ số liệu của TCTK. Riêng vốn đầu tư chỉ mới có 2 năm (2011, 2012) |
Mục tiêu đề ra về công nghiệp-xây dựng cho thời kỳ 2011-2015 đều ở mức khá cao so với kết quả thực hiện của thời kỳ 2006-2010, hoặc chủ yếu dựa vào kết quả của năm xuất phát (năm 2010) với nhiều kết quả cao so với một số năm trước đó.
Năm 2010, GDP công nghiệp-xây dựng tăng 7,17%, cao nhất so với 2 năm trước. Tỷ trọng trong GDP của công nghiệp-xây dựng đạt 41,64%, cũng là mức cao nhất từ trước tới 2010. Tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành công nghiệp-xây dựng và nhóm ngành dịch vụ (không có mục tiêu riêng, nên tác giả tính bằng cách trừ đi mục tiêu cho nông, lâm nghiệp-thủy sản) năm 2010 đạt 50,5%, cao nhất so với các năm trước.
Công nghiệp-xây dựng thời gian qua (2011 đến nay) đã đạt được một số kết quả nhất định.
Rõ nhất là tăng trưởng GDP do nhóm ngành công nghiệp-xây dựng vẫn giữ được tốc độ cao hơn tốc độ tăng GDP của toàn bộ nền kinh tế (năm 2011 tăng 6,68% so với tăng 6,24%, năm 2012 tăng 5,75% so với tăng 5,25%, 6 tháng 2013 tăng 5,18% so với 4,9%, dự báo cả năm tăng 5,5% so với 5,4%, bình quân trong 3 năm tăng 6% so với tăng 5,4%).
Trong ngành công nghiệp, tốc độ tăng của từng ngành công nghiệp có sự khác nhau. Tăng trưởng của công nghiệp khai khoáng thấp nhất, chứng tỏ đó là kết quả của chủ trương tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và phù hợp với chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu.
Công nghiệp chế biến - ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, ngành đặc trưng nhất khi đạt được tỷ trọng lớn đến một mức nhất định mới được gọi là nước công nghiệp - đã tăng cao hơn tốc độ chung của toàn ngành (năm 2011 tăng 9,51% so với 8,16%, 6 tháng 2013 tăng 5,83% so với 5,19%, dự báo cả năm tăng 6% so với 5,6%, bình quân 3 năm tăng 7,57% so với 6%).
Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi đốt và điều hòa không khí tăng khá cao (bình quân 3 năm tăng 10,2%), góp phần giảm bớt căng thẳng về điện trong mấy năm nay (tuy có một phần do nhu cầu điện cho sản xuất tăng chậm lại). Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng khá (bình quân 3 năm tăng 8,97%). Ngành xây dựng, ngành tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cho đất nước, đã chuyển từ giảm (0,64% năm 2011) lên tăng (tăng 3,25% trong năm 2012 và tăng 5,09% trong 6 tháng đầu năm 2013).
Công nghiệp-xây dựng đã thu hút một lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm tỷ trọng khá lớn và có xu hướng cao lên (năm 2010 chiếm 41,3%, năm 2011 chiếm 42,9%, năm 2012 chiếm 43,9%).
Nhóm ngành này cũng thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tính từ năm 1988 đến tháng 7/2013, lượng vốn FDI của các dự án còn hiệu lực đầu tư vào nhóm ngành công nghiệp-xây dựng đạt trên 138,3 tỷ USD, chiếm khoảng 62,2% tổng số, trong đó riêng công nghiệp chế biến đạt 116,4 tỷ USD, chiếm trên 52,3% tổng số; riêng xây dựng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm gần 5%.
Số lao động đang làm việc trong nhóm ngành xây dựng, nếu năm 2005 mới chiếm 18,1% tổng số, năm 2010 chiếm 20,9%, thì từ năm 2011 đến nay đã chiếm 21,3%. Đáng lưu ý, năng suất lao động của nhóm ngành này năm 2012 đã đạt 114,3 triệu đồng.
Trong các sản phẩm công nghiệp, mặc dù mục tiêu có đề ra chỉ tiêu tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao/GDP (35%), nhưng chưa có cơ quan nào tính chỉ tiêu này. Tuy nhiên, một số sản phẩm có kỹ thuật-công nghệ cao đã xuất hiện đạt quy mô khá trong xuất khẩu. Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu mới xuất hiện nhưng đã tăng khá nhanh, liên tục vượt qua nhiều mặt hàng để 7 tháng đầu năm 2013 đạt trên 11,6 tỷ USD, cao nhất trong các mặt hàng. Mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã vượt lên đứng thứ 3 với kim ngạch đạt gần 5,7 tỷ USD. Mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đứng thứ 7 với kim ngạch đạt trên 3,12 tỷ USD. Mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng đã đạt gần 2,97 tỷ USD, đứng thứ 8. Mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện xuất khẩu năm 2010 mới đạt 377 triệu USD, năm 2011 đã đạt 702 triệu USD, năm 2012 đã đạt gần 1,69 tỷ USD…
Tuy nhiên, trong công nghiệp- xây dựng cũng có một số vấn đề đặt ra.
Rõ nhất là tốc độ tăng GDP do nhóm ngành này tạo ra đã tăng chậm liên tục trong 3 năm nay. Tốc độ tăng bình quân trong thời kỳ 2011-2013 đã thấp hơn thời kỳ 2006-2010 (ước 6% so với 6,38%/năm), vừa thấp xa so với mục tiêu đề ra. Nếu giữ mục tiêu 7,8- 8%/năm của 5 năm, thì 2 năm còn lại phải tăng 10,57-10,91%/năm. Đây là tốc độ tăng rất cao, lại trong điều kiện nợ xấu còn cao, tăng trưởng tín dụng thấp, tốc độ tăng tồn kho chậm lại nhưng còn cao, tổng cầu yếu… Vì vậy, đây cũng là mục tiêu cần cân nhắc (do 5 năm tăng 6,38% và 2 năm còn lại là 6,95%/năm).
Một vấn đề khác là công nghiệp phụ trợ chậm phát triển, tính gia công của sản xuất, xuất khẩu còn lớn, vừa phụ thuộc vào nước ngoài, vừa phải nhập siêu, vừa giá trị gia tăng thấp. Tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành công nghiệp-xây dựng đến 1/7 năm nay đã bị giảm 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của nhóm ngành này cũng còn thấp…
Minh Ngọc