Thời gian qua, những cơ chế, chính sách của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhiều địa phương miền Bắc đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu sử dụng điện tăng nóng với mức tăng trưởng bình quân miền Bắc liên tục trong nhiều năm gần đây đều trên 10%/năm, thậm chí có địa phương tăng từ 15-20%.
Với phương châm "điện đi trước một bước" và xác định mục tiêu "Khách hàng là trung tâm", trong những năm qua, EVNNPC đã không ngừng nỗ lực hoàn hiện hạ tầng hệ thống điện, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, đi đầu trong công tác chuyển đổi số của EVN; công tác quản lý, kỹ thuật, vận hành và các dịch vụ khách hàng chất lượng ngày càng cao, đáp ứng đủ nhu cầu về điện để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân tại 27 tỉnh, thành phố miền Bắc.
Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPC chia sẻ, đến hết năm 2021, Tổng công ty đang bán điện cho 10,86 triệu khách hàng với doanh thu 145.317,93 tỷ đồng, có 4.486 xã có điện lưới quốc gia đạt tỷ lệ 100%, có 7.943.068/8.017.849 hộ dân nông thôn có điện, đạt tỷ lệ 99,06%.
Trong 5 năm qua, EVNNPC luôn là đơn vị có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cao nhất cả nước. Trước sự dịch chuyển đầu tư, sự phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch COVID-19, đến năm 2021, nhiều tỉnh/thành phố của miền Bắc có tốc độ tăng trưởng phụ tải rất cao như Hải Phòng 15,8%, Thanh Hóa 13,59%, Hưng Yên 11,3%, Vĩnh Phúc 11,25%,
Kết thúc năm 2021, Tổng công ty có điện thương phẩm đạt 81,831 tỷ kWh với tăng trưởng 9,31%, gấp gần 3 lần mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân trong cả nước và là đơn vị có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Trong năm 2022, khi tình hình dịch bệnh dần được khống chế, nền kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng trở lại, dự kiến nhu cầu cung cấp điện của khách hàng sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Lan tỏa Chương trình điều chỉnh phụ tải (DR)
Ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng Giám đốc EVNNPC cho biết, bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng bảo đảm điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đời sống dân sinh tại 27 tỉnh miền Bắc, EVNNPC còn là đơn vị tiên phong thực hiện hiệu quả các chương trình về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có chương trình điều chỉnh phụ tải (DR).
Nếu như năm 2019, tham gia chương trình DR tự nguyện với EVNNPC chỉ có 2.440 khách hàng (chiếm tỷ lệ 84%), thì đến năm 2020, chương trình DR của EVNNPC đã thu hút 3.303 khách hàng tham gia (đạt tỷ lệ 95,4%) và năm 2021 vừa qua đã có 3.225 khách hàng tham gia điều chỉnh phụ tải tự nguyện tại 27 tỉnh miền Bắc với tổng tiềm năng tiết giảm khoảng 1.000 MW điện.
Tham gia chương trình, khách hàng đã tự nguyện dịch chuyển thời gian sản xuất, bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất và công suất hoạt động của máy móc nhưng vẫn tiết kiệm được một sản lượng điện nhất định, bảo đảm chia sẻ cùng ngành điện trong những thời điểm thời tiết thiên tai nắng nóng cực đoan, khó khăn về nguồn cung ứng điện phải điều chỉnh phụ tải, điều tiết vận hành để bảo đảm an ninh năng lượng, an toàn hệ thống điện quốc gia.
Đại diện EVNNPC cũng khẳng định sẽ nỗ lực tối đa và huy động mọi nguồn lực để chuẩn bị cho việc cung ứng đủ điện của năm 2022 và các năm tiếp theo.
Ông Đào Trung Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Prime Vĩnh Phúc cho biết: Đơn vị là khách hàng lớn của ngành điện tại Vĩnh Phúc với sản lượng điện tiêu thụ trên 34,5 triệu kWh/năm 2021.
Sau khi tham gia vào chương trình DR, hằng năm Công ty Prime đều xây dựng kế hoạch điều hành sản xuất trong mùa nắng nóng với giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện.
Đồng thời, bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn như: Các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí... vào giờ cao điểm (11h30 đến 15h30; 20h-23h)
Doanh nghiệp này cũng xây dựng phương án tự cắt, giảm phụ tải ở các dây chuyền sản xuất khi hệ thống điện bị quá tải, sự cố gây mất điện hoặc thiếu nguồn, bảo đảm không bị ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất trong thời gian tiết giảm phụ tải.
Việc thực hành tiết kiệm điện được quán triệt đến toàn thể cán bộ công nhân viên tại các bộ phận từ các phân xưởng sản xuất đến khối văn phòng. Thực hiện tắt các thiết bị không cần thiết khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị. Không để thiết bị điện như máy tính, máy in, máy photocopy… ở trạng thái đóng điện chờ; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, hạn chế bớt số lượng đèn chiếu sáng chung ở hành lang vào buổi tối.
Ngoài ra, Công ty chuẩn bị các nguồn dự phòng để tự cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất của trong trường hợp Hệ thống điện Quốc gia bị sự cố gây mất điện.
Với Công ty TNHH thép Hòa Phát Hưng Yên, trụ sở tại KCN Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên, là một khách hàng sử dụng điện lớn tại Hưng Yên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy luyện cán thép cho biết: Giai đoạn 2019-2020, Thép Hòa Phát Hưng Yên đã phối hợp với Công ty Điện lực Hưng Yên thực hiện 5 sự kiện DR có kế hoạch với mức tiết giảm công suất lớn nhất là 25 MW.
Đặc biệt, trong năm 2021 đã thực hiện tiết giảm một số phụ tải trong cao điểm mùa hè khi lưới điện thiếu nguồn. Để phối hợp thực hiện tốt các sự kiện DR, Công ty đã phối hợp với Công ty Điện lực Hưng Yên xây dựng quy trình phối hợp vận hành nhằm bảo đảm an toàn hệ thống điện và sản xuất ổn định trong các tình huống, kịch bản thực hiện tiết giảm phụ tải khi xảy ra thiếu công suất phụ tải đỉnh, nhất là khi thực hiện các sự kiện DR có kế hoạch và tiết giảm khẩn cấp.
Ông Tuấn kiến nghị, chương trình DR phi thương mại chưa có cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia về mặt tài chính. Do vậy, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính thiết thực hơn khi doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh phụ tải nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, cung ứng điện cho đời sống dân sinh.
Theo dự báo của EVNNPC, trong mùa nắng nóng năm 2022, sẽ khó khăn về nguồn khi công suất đỉnh tăng cao, Tổng công ty kêu gọi doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ với ngành điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện
Năm 2022, đại dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động đã trở lại bình thường, một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng phụ tải đỉnh lớn trong năm 2022 được dự báo là Vĩnh Phúc (16,6%), Phú Thọ (19,3%), Nghệ An (16,2%), Hưng Yên (15,9%), Thái Nguyên (13,5%).
Đại diện EVNNPC khẳng định, về cơ bản, hệ thống điện quốc gia vẫn bảo đảm cấp điện cho phụ tải miền Bắc trong năm 2022. Tuy nhiên, vào mùa hè sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng khiến phụ tải sẽ có những thời điểm tăng cao đột biến. Dự báo phụ tải đỉnh hè năm 2022 sẽ tăng 12-15%, có thể đạt 16.500-16.950 MW, tức là tăng thêm 2.000 MW so với mùa nắng nóng năm 2021 trong khi nguồn cung bổ sung nguồn điện mới chưa nhiều.
Theo EVNNPC, dù năm 2022 có 47 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động với công suất tăng thêm dự kiến đạt 759,1 MW, nhưng qua các hợp đồng đã ký kết, thì đến hết tháng 4/2022, chỉ có gần 60 MW được đưa vào vận hành, số còn lại đi vào vận hành từ tháng 8 đến tháng 12/2022.
Điều này đồng nghĩa với việc mùa nắng nóng chỉ được bổ sung rất ít từ nguồn cung mới. Bên cạnh đó, năng lực truyền tải của đường dây 500 kV từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc vẫn không có gì thay đổi so với năm 2021. Ngoài ra, nhập khẩu điện từ Trung Quốc cũng bị hạn chế. EVNNPC dự báo trong các ngày nắng nóng cực đoan, miền Bắc sẽ thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm buổi trưa (12h00-15h00) và cao điểm tối (21h00- 24h00).
Để có thể cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, EVNNPC kêu gọi khách hàng triệt để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, các khách hàng lớn tích cực tham gia vào chương trình DR của Tổng công ty.
Toàn Thắng