![]() |
Buổi giao lưu và toạ đàm về thơ Trần Lê Khánh. |
Nhà thơ Trần Lê Khánh chú trọng sáng tác của mình vào thơ lục bát và thơ ngắn. Tập thơ Lục bát Múa trọn bộ là 756 cặp thơ lục bát hai câu, mỗi cặp được xem như một bài thơ ngắn và được kết với nhau thành một trường ca.
Về thơ ngắn, tới nay, Trần Lê Khánh đã làm hàng trăm bài thơ ngắn khác nhau và đã được chọn lọc để xuất bản. Các tập thơ đã xuất bản (NXB Hội Nhà văn Việt Nam) bao gồm Lục bát Múa (2016), Dòng sông không vội (2017), Ngày như chiếc lá (2018), Lục bát Múa trọn bộ (2018), Giọt nắng tràn ly (2019) và dự kiến sẽ xuất bản trong năm 2020 tập thơ Xứ.
Nhìn nhận về những sáng tác của Trần Lê Khánh, tại buổi tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá: “Thơ của Trần Lê Khánh là kết tinh của tính chính xác ngôn từ, sự độc đáo của hình ảnh, tính đa tầng của cảm xúc, độ sâu thẳm của tinh thần phương đông… Thơ Trần Lê Khánh là sự hài hòa của sự rung cảm tột đỉnh và của những triết lý sâu sắc. Bởi thế, khi câu thơ cuối cùng của bài thơ vừa kết thúc thì nó mở ra ngay lập tức vô vàn cánh cửa cho người đọc. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh luôn chứa trong nó một bài thơ khác và cứ thế mở ra và mở ra mãi”.
![]() |
Một số tác phẩm của Nhà thơ Trần Lê Khánh. |
Còn nhà thơ Lê Thiếu Nhơn lại nhìn nhận, thi sĩ Trần Lê Khánh có thao tác làm thơ độc đáo, thường tìm cách kéo hai sự vật hoặc hai hiện tượng rất xa lại gần nhau. Cứ thế, lửa đặt cạnh nước, trắng đặt cạnh đen, hiện thực đặt cạnh tưởng tượng, mặt đất đặt cạnh thiên đường… để từng sự tương tác chuyển hóa thành thơ, để từng cơn va đập chuyển hóa thành thơ.
“Đọc thơ Trần Lê Khánh, không khó hình dung anh đang ngắm chiếc lá la đà cành thấp với màu xanh của bầu trời cao vọi. Thế nhưng, đọc thơ Trần Lê Khánh phải có sự giải mã để có thể tiếp cận đầy đủ giá trị thẩm mỹ mà anh gửi gắm qua từng dòng lơ lửng. Tất nhiên, Trần Lê Khánh không có mục đích đánh đố độc giả, anh chỉ tìm cách ký thác mới mẻ hơn, quyết liệt hơn những ý niệm của mình về cuộc sống, về ân nghĩa, về thị phi…”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận định về những áng thơ của đồng nghiệp.
Nhật Nam