Hiện nay, đơn giá sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản từ 4.000.000 đến 5.000.000 đồng/ha là khá cao, vì nuôi trồng cần có khoảng cách, mật độ nuôi phù hợp, nên số lượng thủy sản nuôi/ha không nhiều.
Bà Yến đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân và doanh nghiệp về thủ tục cho thuê mặt nước khi nuôi trồng thủy sản theo phương pháp thân thiện với môi trường biển.
Bà Yến cũng cho rằng việc quản lý môi trường biển cần theo một nguyên tắc chung để bảo vệ môi trường biển một cách có hiệu quả.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã có các quy định thể hiện chính sách đặc biệt ưu đãi, hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, UBND cấp huyện giao khu vực biển không thu tiền sử dụng để nuôi trồng thủy sản trong phạm vi vùng biển 3 hải lý với hạn mức không quá 1 ha cho cá nhân Việt Nam có hồ sơ đăng ký khi cá nhân đó phải chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản được UBND cấp xã nơi thường trú xác nhận. Trong trường hợp này, hồ sơ đề nghị giao khu vực biển cũng được quy định đơn giản hơn (không yêu cầu có sơ đồ khu vực biển như trường hợp đề nghị giao khu vực biển khác).
Ngoài trường hợp được giao khu vực biển không thu tiền sử dụng để nuôi trồng thủy sản nêu trên, khung giá tiền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trong trường hợp phải nộp tiền sử dụng khu vực biển là từ 4.000.000 đồng/ha/năm đến 7.500.000 đồng/ha/năm là khung giá gần thấp nhất trong các nhóm hoạt động sử dụng khu vực biển phải nộp tiền sử dụng khu vực biển (chỉ đứng sau hoạt động sử dụng khu vực biển để khai thác năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng hải lưu).
Bảo vệ môi trường – một trong ba trụ cột phát triển bền vững
Công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường biển nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, là một trong ba trụ cột phát triển bền vững với các mục tiêu, nguyên tắc cụ thể: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo” và đề ra nhiều chủ trương lớn như “Mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển. Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế về môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao khu vực ven biển, bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm môi trường, giảm thiểu và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm. Đầu tư xây dựng, củng cố lực lượng, trang thiết bị giám sát, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường, ứng phó với sự cố môi trường, hoá chất độc hại trên biển; quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển…”.
Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo đã có riêng Điều 42 quy định nguyên tắc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo với các nội dung:
“1. Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải được thực hiện thường xuyên, ưu tiên công tác phòng ngừa; kịp thời xử lý, khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm, sự cố môi trường biển, suy thoái môi trường biển và hải đảo.
2. Các khu vực biển phải được phân vùng rủi ro ô nhiễm để có giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo hiệu quả.
3. Các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo, chất thải không rõ nguồn gốc và xuyên biên giới phải được kiểm soát. Việc kiểm soát các nguồn thải, chất thải phải xem xét đến sức chịu tải môi trường của khu vực biển và hải đảo.
4. Ứng phó có hiệu quả sự cố môi trường biển, kịp thời ngăn chặn lan truyền ô nhiễm trong sự cố môi trường biển.
5. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo”.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nguyên tắc bảo vệ môi trường tại Điều 4; chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường tại Điều 5; bảo vệ môi trường nước biển tại Điều 11…
Trên cơ sở các mục tiêu, nguyên tắc nêu trên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường biển nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường, phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, hải đảo, bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh.