Ngày các bệnh nhân đủ điều kiện được về, không chỉ có bệnh nhân vui không đâu mà các nhân viên y tế cũng vui mừng lắm. |
Không chỉ có bệnh nhân vui đâu, Bác sĩ cũng vui mừng lắm
Sáng 24/7, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày 23/7, có thêm 2.226 bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện, nâng tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 10.699 người.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 của Thành phố Hồ Chí Minh: Các bệnh nhân mang nhiều nỗi lo lắng khi vào đây nên Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 luôn cố gắng lo lắng và đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân từ những nhu cầu nhỏ nhất.
Bác sĩ Nguyên Thành Tâm chia sẻ: Ngày các bệnh nhân đủ điều kiện được về, không chỉ có bệnh nhân vui không đâu mà các nhân viên y tế cũng vui mừng lắm.
Có những ngày tới 700-800 trường hợp được xuất viện, nhân viên y tế phải làm việc tất bật từ sáng đến chiều, có khi bỏ luôn bữa ăn để mong sao xong sớm các thủ tục, cho mọi người được sớm về nhà.
Tính đến hôm nay, đã có hơn 2.600 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1.
Đây là những con số mang sắc màu tươi sáng, giúp các y bác sĩ nơi đây có thêm niềm tin, động lực chiến đấu trong cuộc chiến với COVID-19, Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm bày tỏ.
HCDC cho biết, hiện các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị 37.407 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính) trong đó có 619 bệnh nhân nặng đang thở máy và 12 bệnh nhân can thiệp ECMO…
9 kết quả nổi bật sau 15 ngày giãn cách
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, có 09 kết quả nổi bật đạt được sau 15 ngày Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Một là, công tác xét nghiệm được chuẩn hóa, có trọng tâm, trọng điểm.
Hai là, công tác quản lý các khu cách ly đã đi vào nề nếp, quan tâm, chăm lo tinh thần, vật chất cho người đang thực hiện cách ly tập trung.
Ba là, các lực lượng và địa phương liên quan đã nhanh chóng xây dựng mới hoặc cải tạo các cơ sở thành các bệnh viện dã chiến kịp thời đáp ứng nhu cầu cách ly, điều trị.
Bốn là, khẩn trương huy động nhân lực, trang thiết bị y tế đảm bảo năng lực điều trị cho bệnh nhân, giảm tử vong.
Năm là, cung ứng hàng hóa kịp thời, kiểm soát tốt giá cả, có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo hỗ trợ người dân tiếp cận hàng hóa được thuận lợi hơn.
Sáu là, các quận, huyện đã kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; nhiều mô hình, sáng kiến hay được nhân rộng trong kiểm soát dịch bệnh và chăm lo cho đời sống của nhân dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong các khu phong tỏa, cách ly.
Bẩy là, công tác thông tin, tuyên truyền đã chuyển tải kịp thời các thông tin chính thống đến với người dân, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân; đồng thời tích cực tham gia phản bác các thông tin sai sự thật, gây kích động, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của Thành phố.
Tám là, công tác nhập liệu và phân tích dữ liệu đã được cải thiện hơn, cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng phục vụ cho hoạt động chỉ đạo phòng chống dịch; đã cơ bản kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia.
Chín là, huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ trí thức, các chức sắc, tín đồ tôn giáo, doanh nghiệp đã hỗ trợ tích cực cho công tác phòng chống dịch.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969 ngày 17/7/2021 và Chỉ thị 12 ngày 22/7/2021 của Thành ủy TPHCM, cùng với các tỉnh, thành phía Nam, từ 0g ngày 24/7/2021 TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 thêm 9 ngày nữa (đến hết ngày 01/8).
2 nhiệm vụ chính
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, có 2 nhiệm vụ chính hiện nay là giảm số ca F0 và nâng cao năng lực điều trị, giảm thiểu tử vong.
Theo đó, Thành phố thay đổi tư duy trong công tác quản lý khu phong tỏa với mục tiêu tiên quyết là không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa; Thực hiện khoanh vùng phong tỏa đáp ứng các tiêu chí về dịch tễ, không quá hẹp để bỏ sót F0 nhưng cũng không quá rộng vì việc phong tỏa ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân; Định kỳ đánh giá tình hình khu phong tỏa để kịp thời gỡ phong tỏa từng phần khi đã đủ điều kiện an toàn.
Xác định, để kiềm chế dịch thành công phải kiểm soát thật chặt chẽ khu phong tỏa, Thành phố quyết liệt, kiểm soát thực hiện nghiêm giãn cách, không để người dân trong khu phong tỏa tiếp xúc với nhau, theo nguyên tắc “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”.
Ngoài ra, các khu cách ly tập trung tiếp tục quản lý tốt các trường hợp F1, không để phát sinh lây nhiễm chéo. Chiến dịch tiêm vắc xin đợt 5 tiếp tục triển khai, nhưng không đặt mục tiêu phải tiêm nhanh nhất mà đặt yêu cầu đảm bảo giãn cách, an toàn và hiệu quả nhất.
Thành phố cũng tập trung nâng cao năng lực điều trị và giảm thiểu tử vong qua việc làm tốt công tác đánh giá, luân chuyển người bệnh từ các cơ sở cách ly, điều trị về quản lý, theo dõi tại nhà đối với người không có triệu chứng và ngược lại khi người bệnh có triệu chứng bất thường hoặc chuyển nặng; triển khai thực hiện cách ly tại nhà đối với F0, F1 theo quy định của ngành y tế với việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.
Nâng cao năng lực điều trị, hệ thống trang thiết bị, nhân lực để đảm bảo luôn làm chủ trong mọi tình huống; Thực hiện tốt công tác theo dõi các F0 tại tầng 1, tầng 2 theo hệ thống 5 tầng điều trị; Phát huy hoạt động của Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng chống dịch của Thành phố trong việc tăng cường lực lượng hỗ trợ cho địa phương thực hiện tốt phương châm 5 tại chỗ; Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 trong công tác điều phối và vận chuyển bệnh nhân kịp thời, giảm tử vong.
Từng bước mở lại hoạt động chợ truyền thống an toàn
Về công tác đảm bảo cung ứng hàng hóa và chăm lo cho người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, Thành phố sẽ tổ chức đánh giá lại các mô hình hoạt động của chợ truyền thống hiện tại trong điều kiện có dịch và nghiên cứu, đề xuất lộ trình từng bước mở lại hoạt động chợ an toàn nhằm giảm áp lực cung ứng hàng hóa cho hệ thống siêu thị hiện tại;
Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp tục thực hiện phương châm “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm” để đảm bảo sản xuất an toàn.
Đồng thời, tiếp tục ban hành các gói chính sách hỗ trợ, để đảm bảo chăm lo cho các đối tượng khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các lực lượng tuyến đầu chống dịch./.