![]() |
Sinh viên Đại học Y Hà Nội tại buổi giao lưu. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Bên lề cuộc tọa đàm trực tuyến “Nữ thầy thuốc tận tâm với nghề” do Bộ Y tế phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tối 18/10 tại Đại học Y Hà Nội, chúng tôi đã ghi lại những tâm sự, trải lòng của nhiều sinh viên trường Đại học Y Hà Nội về sự lựa chọn nghề y cao quý của mình.
Vất vả có ngại gì
Lương Mai Hương, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Y Hà Nội kể rằng, khi cô quyết tâm thi vào trường, bố mẹ và nhiều người rất lo lắng vì “đâm đầu vào đấy vừa vất vả, vừa nghèo lại đầy rẫy những bất an”.
Ngay từ khi quyết định thi vào Trường Y, tất cả sinh viên đã xác định phải chấp nhận sự nhọc nhằn của nghề. Những năm tháng sinh viên của những ngành khác có thể bay bổng lãng mạn thì sinh viên Y khoa lại hằng ngày phải tiếp xúc thường xuyên với động vật chết, người chết, và những thứ hóa chất độc hại.
Bạn Bùi Huy Hoàng, sinh viên lớp Y2D tâm sự: “6 năm ngồi trên ghế giảng đường của chúng tôi không phải là màu hồng như các bạn sinh viên trường khác. Chúng tôi phải miệt mài ngày đêm và vất vả hơn hàng trăm lần so với những bạn học ngành kinh tế, ngoại giao... Một chút sơ sẩy con số của một nhân viên ngân hàng chỉ gây tổn thất về mặt kinh tế nhưng với ngành y, với những người bác sĩ tương lai như chúng tôi, không được phép sai dù với bất cứ lí do gì. Chúng tôi phải học để cứu người”.
Với bạn Nguyễn Thị Hồng Tiến, sinh viên năm thứ nhất, ngày đầu tiên bước chân vào cổng trường đại học có lẽ là một khoảnh khắc thật khó quên. Có một chút bỡ ngỡ, một chút lo sợ và thêm vào đó là niềm tự hào bởi mình đã là sinh viên của một trường đại học y.
Từ buổi học chính trị đầu năm, các thầy cô giảng về ngành nghề, về lịch sử và truyền thống của trường, Hồng Tiến càng cảm thấy thêm tự tin vào sự lựa chọn của mình. Tuy nhiên, Hồng Tiến cũng đã xác định thật rõ ràng: Trường y học rất vất vả. Ngay từ năm thứ nhất, trong khi các bạn học ở các trường kinh tế, tuần chỉ học vài buổi, thời gian còn lại tự học thì ở trường của Tiến, ngày nào cũng phải học cả ngày, trừ thứ bảy, chủ nhật. Tối lại cắp sách lên giảng đường, đêm về tự học ở nhà.
Trong những buổi sinh hoạt văn nghệ ở trường, nghe những bài hát viết về ngành, Hồng Tiến tự hào vô cùng. Hồng Tiến đã tìm đọc "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" và tìm hiểu về rất nhiều danh y khác. Từ đó, bạn nữ sinh viên càng hun đúc niềm tự hào và yêu thích ngành y mình đã chọn.
Nếu không đam mê...
Huy Hoàng cho biết, ngay khi vào trường, các bạn đã học cả ngày, liên tục học lý thuyết trong 2,5 năm đầu. Những năm sau đó học trên viện, sáng ở viện, chiều học ở trường, tối bổ sung kiến thức, chuẩn bị bài vở ngày hôm sau… Chưa kể phải trực xuyên đêm, chỉ được ngủ vài tiếng, rồi lại đi học cả ngày. Cường độ trực thường lên tới 3 đêm/tuần.
Trong thời gian thực tập trong bệnh viện, các bạn sinh viên y khoa đều nhận thấy, các bác sĩ gặp rất nhiều áp lực, chịu trách nhiệm rất lớn bởi nó liên quan đến tính mạng con người. Trong khi đó, luật bảo vệ bác sỹ ở nước ta lại chưa rõ ràng.
Mai Hương nói rằng, hồi xưa mỗi khi vào bệnh viện, Hương rất hay thắc mắc, tại sao nhân viên y tế chẳng mấy khi cười. Nhưng bây giờ thì bạn mới hiểu, các bác sĩ cười sao nổi khi áp lực công việc luôn căng thẳng và áp lực, công việc quá tải.
Các bạn sinh viên mà chúng tôi tiếp xúc đều có chung quan điểm: Nếu không có lòng yêu thương con người, không nên chọn nghề y. Nếu để làm giàu, ta nên chọn con đường kinh doanh hay ngành nghề nào khác. Có tới hàng vạn bác sĩ đang sống trong cảnh khó khăn, nhưng vẫn chiến đấu như những chiến sĩ vô danh, âm thầm xây dựng nền y khoa Việt Nam. Còn rất nhiều "Đặng Thuỳ Trâm" khác trong thời chiến cũng như thời bình không bao giờ được biết đến đã chọn nghành y như chọn cái nghiệp cho cả cuộc đời, để cống hiến cho nghề cao quý, nghề dành sự sống cho đồng loại.
Với nỗi lo y đức của xã hội trong thời điểm hiện nay, các bạn sinh viên y khoa cũng có những chính kiến rõ ràng. Theo Huy Hoàng, thực trạng tiêu cực trong ngành bị dư luận lên án là do chỉ một số bộ phận bác sỹ, y tá tay nghề còn chưa vững và y đức chưa tốt, trong ngành vẫn có rất nhiều bác sỹ, y tá có tài và có tâm.
Thầy dạy đạo đức y học của Hồng Tiến đã nói ngay với lứa sinh viên năm đầu: "Nếu các em có ý định kiếm tiền nhờ ngành y thì các em nên suy nghĩ lại. Vì như thế là thất đức lắm”.
Để hạn chế tình trạng này, Hồng Tiến có suy nghĩ, nếu tiêu cực ở bệnh viện nào thì chỉ rõ, bác sỹ nào vi phạm thì xử lý, chứ không chỉ chung chung. Ngành Y là một ngành nhạy cảm nên chỉ cần thiểu số bác sỹ như vậy cũng khiến ngành nhuốm màu tiêu cực. Bác sĩ dù có làm cả nghìn việc tốt cho xã hội nhưng chỉ cần một việc chưa tốt là đủ sụp đổ tất cả. Hồng Tiến cũng mong muốn mọi người cần nhìn nhận khách quan hơn bởi không phải toàn nghành Y đều có tiêu cực.
Các bạn sinh viên y khoa đều là những người tài giỏi, là những học sinh ưu tú nhất ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ai cũng biết để được ngồi vào giảng đường Đại học Y, các bạn đã phải học giỏi hơn, nỗ lực cố gắng gấp nhiều lần các bạn cùng trang lứa. Xã hội đang hy vọng những Huy Hoàng, Hồng Tiến, Mai Hương,… khi ra trường đều là bác sĩ cứu người, chữa bệnh cho bệnh nhân bằng cái tài, cái tâm của người thầy thuốc.
Phương Liên