Thông tin các chủ trương mới của TPHCM, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM Phạm Đức Hải cho hay, đến nay, hầu hết các địa phương đã hoàn thành xét nghiệm với vùng cam, vùng đỏ. Riêng vùng xanh, cận xanh và vùng vàng thì xét nghiệm chưa đạt tiến độ. TPHCM thừa nhận hạn chế đó và quyết liệt xét nghiệm nhanh hơn.
Điểm mới đầu tiên là trong thời gian tới, TPHCM giao Chủ tịch UBND phường, xã thị trấn chịu trách nhiệm chủ trì, triển khai công tác xét nghiệm.
“Mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài và đích thân Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chủ trì, triển khai, chịu trách nhiệm việc xét nghiệm”, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM Phạm Đức Hải nhấn mạnh.
Về tiến độ, UBND TPHCM yêu cầu đối với vùng xanh, cận xanh và vùng vàng, đến hết ngày 30/8 phải hoàn thành xét nghiệm đợt 1. Tiến độ triển khai hết sức quyết liệt và ngay sau khi kết thúc đợt 1, sẽ tiếp tục hoàn thành đợt 2 trước ngày 6/9 để phân loại lại các vùng nguy cơ. Đối với vùng đỏ, vùng cam, hết ngày 1/9, phải hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm.
Quá trình thực hiện kết hợp tuyên truyền để tăng tỷ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu. Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM lưu ý, mỗi phường, xã, thị trấn và UBND TP. Thủ Đức, quận, huyện phải phân công nhân sự làm công tác thống kê, báo cáo; không giao cán bộ y tế làm làm số liệu, để cán bộ y tế tập trung cho công tác chuyên môn.
“Điều đó cho thấy, TPHCM quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm”, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM Phạm Đức Hải đánh giá.
Điểm mới thứ hai, TPHCM cử đoàn công tác tham gia phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện. Tổng cộng số cán bộ được TPHCM cử xuống cơ sở là 754 người thuộc cán bộ của Sở Quy hoạch, Xây dựng, Thanh tra…
Cứ mỗi phường xã, TPHCM cử có 2 cán bộ. Riêng 5 quận, huyện (12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú và huyện Bình Chánh), thì mỗi phường, xã có 3 người.
Điểm mới thứ ba trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TPHCM là từ ngày 28/8, người dân gặp khó khăn có thể nhắn tin bằng Zalo đến cổng thông tin 1022 khi cần hỗ trợ.
Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội
Khái quát tình hình về 7 ngày qua, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM đánh giá, TPHCM thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Đại đa số người dân thực hiện tốt giãn cách. Tuy nhiên, một số người thực hiện chưa tốt. TPHCM lập biên bản 6.296 trường hợp và phạt hành chính với tổng số tiền gần 8,9 tỷ đồng.
TPHCM triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn TPHCM, trong đó tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao. Chính vì tập trung như vậy, trong 7 ngày qua, số ca phát hiện của TPHCM tăng cao, bình quân mỗi ngày phát hiện 4.740 ca F0.
Về xét nghiệm, triển khai nhanh cho toàn bộ từng người dân trong các tổ dân phố, tổ nhân dân ở vùng có nguy cơ cao và nguy cơ rất cao với tổng số là 1.677.154 mẫu.
TPHCM đã cơ bản xét nghiệm toàn bộ vùng đỏ, vùng cam và các đơn vị tiếp tục triển khai xét nghiệm lần 2. Qua đó, phát hiện 64.299 người dương tính, chiếm tỷ lệ 3,8% số mẫu xét nghiệm.
Về an sinh xã hội, ngày 29/8, TPHCM đã chuyển gần 116.000 túi an sinh tới TP Thủ Đức và quận, huyện; tính từ 15/8 đến nay, tổng số túi chuyển tới các địa phương là 960.210 túi.
TPHCM đã vận động và có hơn 20.000 chủ nhà trọ đã miễn giảm giá thuê cho 273.728 phòng trọ với tổng số tiền hơn 158 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM hỗ trợ cấp 4.650 giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân để tham gia công tác thiện nguyện, hỗ trợ các khu cách ly, bệnh viện và người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Về huy động lực lượng, tính đến hiện nay, TPHCM đã được các cơ quan trung ương, tỉnh thành giúp đỡ nhân sự. TPHCM đã tiếp nhận 4.666 nhân sự thuộc các bệnh viện của Bộ Y tế điều động; 786 cán bộ - chiến sĩ của Bộ Công an; 11.177 chiến sĩ, y bác sĩ, bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng và các quân khu.
Về đi chợ giúp trong 7 ngày qua, tại 312 phường, xã, thị trấn, tổ công tác đặc biệt phối hợp với Tổ COVID-19 cộng đồng và các tình nguyện đã đi chợ giúp với tần suất 1 tuần/lần rồi phân phối trực tiếp tới người dân. Từ ngày 23/8 đến nay, đã 411.922 hộ được đi chợ giúp (trong tổng số 508.660 hộ đăng ký nhờ đi chợ). Tỷ lệ đi chợ giúp là 81% trong tổng số hộ dân đăng ký.
Đi chợ giúp 411.922 hộ, tuy nhiên vẫn còn lúng túng
Trao đổi về việc đi chợ giúp, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, tổng số phiếu đã phát là hơn 1,92 triệu hộ. Trong 7 ngày vừa qua, có 508.660 hộ đăng ký và 411.922 hộ đã được đi chợ giúp, số hộ còn lại thì sẽ được cung cấp thêm trong ngày 30/8.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, việc đi chợ giúp còn nhiều lúng túng và người dân còn nhiều phản ánh. Bởi vì, việc đi chợ giúp được triển khai gấp rút. Các tổ công tác đang nỗ lực hết sức đi chợ giúp dân nhưng với quy mô hàng trăm ngàn hộ gia đình ở một đô thị lớn như TPHCM thì còn đâu đó, có nơi có lúc còn trục trặc, khúc mắc. TPHCM đã có phương án giúp cho dân, cung cấp đường dây nóng, cung cấp số điện thoại của lãnh đạo các địa phương để người dân liên hệ.
“Các lực lượng đang nỗ lực, cố gắng đảm bảo cơ bản số lượng hàng hóa thiết yếu kịp thời cho người dân. Còn đơn hàng phong phú, dồi dào, đa dạng, đáp ứng các yêu cầu như bình thường thì khó mà đáp ứng được trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Mong người dân chia sẻ”, ông Nguyễn Nguyên Phương mong mỏi.
Thuốc Molnupiravir phải được kiểm soát chặt
Liên quan đến việc triển khai thuốc kháng virus Molnupiravir mới vừa triển khai cho F0 trên địa bàn TPHCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trước kia, TPHCM sử dụng 2 túi thuốc A và B (túi A gồm 2 loại thuốc: hạ sốt và vitamin tổng hợp; túi B gồm thuốc kháng đông và kháng viêm), nay có thêm túi C là thuốc Molnupiravir.
Theo quy trình, khi phát hiện F0, nhân viên trạm y tế lưu động tiếp cận sẽ phát hai túi thuốc A và B. Túi thuốc A được phát dùng trong 7 ngày, túi thuốc B dùng trong 3 ngày.
Riêng túi thuốc B là thuốc kháng đông và kháng viêm sử dụng trong trong điều kiện đặc biệt và được chỉ dẫn rất kỹ, khi gặp một trong các tình trạng như: khó thở, hồi hộp, nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, SpO2 dưới 95… thì F0 hoặc người nhà phải gọi cho nhân viên y tế; trong khi chờ nhân viên y tế đến thì có thể dùng 1 liều đầu tiên.
Còn đối với thuốc Molnupiravir không phát cho bệnh nhân F0 mà nhân viên y tế sẽ giữ và khi tới tiếp cận F0, họ sẽ khám, tìm hiểu sơ bộ về tình hình của F0, chỉ sử dụng cho F0 có triệu chứng nhẹ. Đây là thuốc nằm trong chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế và phải được kiểm soát chặt chẽ./.