Theo đó, Đảng ủy EVNNPT đã ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo Tổng công ty thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó đã ban hành Nghị quyết số 134-NQ/ĐU, ngày 17/6/2019 về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực truyền tải điện.
Lấy con người làm trung tâm
Theo ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch HĐTV EVNNPT: Thực hiện nghị quyết đề ra, cùng với chủ trương của Chính phủ, EVN về chuyển đổi số, EVNNPT đã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
Trong đó tập trung giải pháp đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, xây dựng văn hóa về chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền tải điện. Với phương châm để chuyển đổi số thành công phải đặt con người làm trung tâm, chuyển đổi từ nhận thức, từ năm 2019, EVNNPT đã đẩy mạnh công tác phổ biến nhận thức về chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp 4.0 và nhận thức về an toàn thông tin đến các lãnh đạo và toàn thể CBCNV trong Tổng công ty.
Từ đó, góp phần chuyển đổi nhận thức để hình thành văn hóa chấp nhận cái mới; đồng thời để thống nhất nhận thức về chủ trương, chính sách, sự cần thiết, hiện trạng, kết quả bước đầu và mục tiêu lâu dài của chuyển đổi số trong EVNNPT.
Dùng thiết bị không người lái kiểm tra TBA 500kV Đà Nắng. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng |
Về nâng cao nhận thức, EVNNPT thực hiện tổ chức các khóa đào tạo về nhận thức, chiến lược, quản trị chuyển đổi số cho cán bộ quản lý tổng công ty và đơn vị trực thuộc với các quan điểm định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của EVN, EVNNPT về chuyển đổi số, các thói quen văn hóa thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời thực hiện đào tạo qua eLearning kết hợp cuộc thi online để phổ biến nhận thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin đến toàn thể CBCNV.
“Chuyển đổi số tại EVNNPT là thực hiện đồng thời chuyển đổi về nhận thức, nhân lực số, quy trình nghiệp vụ số và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số. Để tạo điều kiện cho chuyển đổi số, EVNNPT đã từng bước rà soát và hiệu chỉnh quy trình nghiệp vụ để cho phép tin học hóa, giảm báo cáo và hồ sơ giấy. Ban hành chính sách thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong truyền tải điện”, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết
Trong năm 2020, Tổng công ty đã nhận được gói hỗ trợ kỹ thuật do USTDA tài trợ dự kiến triển khai trong năm 2021 để thực hiện khảo sát, đánh giá, quy trình nghiệp vụ, thông tin dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, các công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực truyền tải điện tiến đến xây dựng lộ trình chuyển đổi số, đề xuất hiệu chỉnh các quy trình nội bộ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, với quan điểm con người là trung tâm, EVNNPT đẩy mạnh công tác xây dựng nhân lực chuyển đổi số thông qua đào tạo, huấn luyện về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho CBCNV cùng với kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho cán bộ công nghệ thông tin.
Để đạt được điều này, năm 2020 EVNNPT đã hoàn thành xây dựng khung năng lực CNTT trong kỷ nguyên số và trong năm 2021 sẽ tiến hành đào tạo và đánh giá (qua hệ thống eLearning) chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT cơ bản Quy định tại Khoản 1, Điều 2, Thông tư 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cho CBCNV; đánh giá, xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kỹ năng cho cán bộ trong vị trí chức danh về CNTT đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng CNTT và nâng cao năng lực chuyên môn về ATTT cho cán bộ chuyên trách CNTT.
Theo đó, trong năm 2020 Tổng công ty đã hoàn thành đào tạo kỹ năng ứng cứu sự cố, năm 2021 phấn đấu hoàn thành đào tạo kỹ năng đánh giá an toàn hệ thống thông tin.
Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý vận hành và đầu tư xây dựng
Ông Nguyễn Tuấn Tùng cho biết thêm: Trong năm 2020, EVNNPT đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong đó ưu tiêu ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động quản lý kỹ thuật.
Theo đó, Tổng công ty đã đăng ký nhiều đề tài sáng tạo về ứng dụng công nghệ kỹ thuật số như giám sát đường dây bằng thiết bị không người lái, quản lý công tác kiểm tra đường dây trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh, ứng dụng máy học và hệ chuyên gia trong xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu tri thức, sử dụng robot giám sát ghi thông số vận hành trạm biến áp (TBA).
TBA không người trực tại Quế Võ, Bắc Ninh. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng |
Mặt khác, để chuẩn bị cho các bài toán phân tích, trợ giúp quyết định, hướng đến một lưới điện thông minh hơn, EVNNPT đã đẩy mạnh công tác chuẩn hóa dữ liệu truyền tải điện, xây dựng chuẩn dữ liệu tham chiếu truyền tải điện dựa trên mô hình CIM (IEC-61968, IEC-61970), đẩy mạnh công tác nhập dữ liệu lên PMIS/MDMS, số hóa hồ sơ kỹ thuật và xây dựng thư viện điện tử định hướng thiết bị là trung tâm, xây dựng ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS). Quản lý tập
EVNNPT còn đẩy mạnh số hóa quy trình nghiệp vụ quản lý công tác kiểm tra đường dây, kiểm tra TBA, thí nghiệm. Xây dựng ứng dụng tính toán chỉ số sức khỏe của thiết bị. Tích hợp dữ liệu đánh giá chỉ số sức khỏe với các ứng dụng lập kế hoạch sửa chữa bảo dưỡng.
Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý kỹ thuật, EVNNPT cũng tiến hành chuyển đổi số trong công tác quản lý tài sản, quản trị doanh nghiệp, an toàn, bảo vệ lưới điện, quản lý nguồn nhân lực…
Việc quản lý tài sản đặc biệt là quản lý vật tư, thiết bị sẽ được tập trung triển khai trong năm 2021. Tất cả các vật tư sẽ được số hóa, theo dõi trên phần mềm để khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Trong công việc điều hành, giải pháp về văn phòng số sẽ được nghiên cứu triển khai trong năm 2021 nhằm triển khai linh hoạt các cuộc họp tại bất kì đâu, hỗ trợ tối đa lãnh đạo trong chỉ đạo điều hành ứng dụng các công nghệ như tự động chuyển giọng nói thành văn bản.
Kế hoạch giai đoạn 2021-2022 của EVNNPT là tập trung hoàn thành việc số hóa hồ sơ và tin học hóa các nghiệp vụ quản lý an toàn; bảo vệ đường dây, TBA, phương án an ninh trận tự; đẩy mạnh công tác nhập dữ liệu lên các hệ thống thông tin quản lý (IMIS, ERP, HRMS,…); bổ sung thêm các tính năng quản lý lao động, quản lý chuyển gia cho phần mềm HRMS.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường, thực tế ảo trong đào tạo huấn luyện; Công nghệ thị giác máy tính trong việc hỗ trợ theo dõi ra/vào TBA/phòng điều khiển TBA/B0x theo ca/kíp công tác tại các Công ty truyền tải.
Để đảm bảo chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả, EVNNPT cũng triển khai giải pháp xây dựng nền tảng số trong đó đẩy mạnh việc chuẩn hóa kiến trúc trong toàn EVNNPT.
Cụ thể, năm 2021, Tổng công ty sẽ xây dựng khung kiến trúc doanh nghiệp EVNNPT và các mô hình tham chiếu (mô hình ứng dụng, cơ sở dữ liệu để kết nối các hệ thống ). Hoàn thành xây dựng chuẩn cơ sở dữ liệu hệ thống truyền tải điện và kho dữ liệu dựa trên mô hình CIM.
Nâng cấp băng thông mạng WAN lõi EVNNPT đạt băng thông tối thiểu 100Mbps. Nâng cấp mạng WAN các PTC đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số về hiệu năng và bảo mật.
Đồng thời, hoàn thành hệ thống giám sát ATTT EVNNPT, kết nối chia sẻ sự kiện ATTT với trung tâm giám sát ATTT của EVN. Triển khai mô hình 4 lớp đảm bảo an toàn thông tin bao gồm: lực lượng tại chỗ; giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; kiểm tra, đánh giá độc lập; kết nối, chia sẻ thông tin.
Toàn Thắng