Các rào cản trên ngăn chặn sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế cũng như làm giảm hiệu quả của ngành công nghiệp và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trong nước. Theo các chuyên gia, sự sụt giảm lãi suất cơ bản gần đây đã làm cho các vấn đề này trở lên rõ ràng hơn.
Trong một thời gian dài, các doanh nghiệp đã tận dụng mức lãi suất cao để thu về lợi nhuận và đầu tư lợi nhuận của mình vào thị trường tài chính nhằm thu lời lớn hơn. Nhưng kịch bản trên đang thay đổi và các doanh nghiệp bắt đầu hướng đầu tư của mình vào các lĩnh vực sản xuất, đầu tư mở rộng kinh doanh.
Theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới 2011-2012, cơ sở hạ tầng là một trong những lĩnh vực mà nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới này thụt lùi xa so với các nước khác và chỉ đứng ở vị trí 104 trong danh sách xếp hạng hạ tầng của 142 nước.
Tuần trước, chính phủ Brazil đã công bố một kế hoạch kêu gọi đầu tư tư nhân trị giá 66,5 tỷ USD cho xây dựng và mở rộng các tuyến đường giao thông và đường sắt trong vòng 25 năm tới, một nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề nghiêm trọng về hạ tầng cơ sở của đất nước.
Theo nghiên cứu của Phòng cạnh tranh công nghệ thuộc Liên đoàn công nghiệp của bang Sao Paulo, các công ty hàng năm phải thanh toán một khoản chi phí thêm là 8 tỷ USD cho vận chuyển hàng hóa do cơ sở hạ tầng thấp kém, bao gồm các đường cao tốc xuống cấp tồi tệ và các vấn đề hạ tầng cảng sông và biển. Và như một hệ quả, giá hậu cần tăng khiến giá thành sản phẩm tăng theo.
Ngoài vấn đề hạ tầng, Brazil cũng phải đối mặt với giá điện cao, cao hơn 50% so với mức trung bình toàn cầu và gấp hai lần so với các nền kinh tế mới nổi khác.
Mặt khác, nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới gặp khó khăn với sự thiếu hụt về lao động có chuyên môn và tay nghề. Theo điều tra, có đến 71% các công ty của Brazil cho biết không tìm được nguồn nhân lực phù hợp với một số công việc, trong khi tỷ lệ ở Argentina là 45%, Mexico 43% và Trung Quốc 23%.
Năm 2010, chính phủ Brazil chỉ dành 5% GDP cho giáo dục, thấp hơn mức bình quân trên thế giới là 7%. Chỉ có 7% người lao động Brazil có bằng đại học, kém xa so với các nền kinh tế mạnh khác.
Một thách thức khác đối với nền kinh tế đó là hệ thống thuế phức tạp. Theo báo cáo “Doing Business” của Ngân hàng thế giới, các doanh nghiệp loại vừa của Brazil phải cần đến 2.600 giờ làm việc để đủ đóng thuế, trong khi ở Trung Quốc là 398 giờ và Ấn Độ là 254 giờ.
Thuế đánh vào lưu thông hàng hóa và dịch vụ hiện diện tại mọi giai đoạn của dây chuyền sản xuất và dẫn đến hiện tượng thuế chồng thuế. Điều này làm cho giá sản phẩm tăng cao và không đủ sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài.
Hơn thế nữa, đầu tư công và tư nhân ở Brazil hiện ở mức thấp, tương đương với 18% GDP, khiến các lĩnh vực phục vụ sản xuất không theo kịp sự phát triển. Các chuyên gia phân tích để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thì tỷ lệ đầu tư phải chiếm ít nhất 25% GDP và chính phủ Brazil cần thực hiện các điều chỉnh nhằm tăng sự tin tưởng của các doanh nghiệp và do đó sẽ khuyến khích được đầu tư.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Brazil phải đối mặt với tệ quan liêu trầm trọng. Để có được giấy phép hoạt động họ phải trải qua một quá trình tẻ nhạt và đầy phức tạp với 13 thủ tục hành chính và thời gian là 119 ngày.
Theo Ngân hàng thế giới, hiện quốc gia Nam Mỹ này chỉ ở vị trí 126 trên tổng số 183 nước trong danh sách xếp hạng về môi trường đầu tư, trong khi mức trung bình của Mỹ Latinh là 95.
Các chuyên gia dự đoán tăng trưởng kinh tế của Brazil trong năm nay chỉ đạt 1,75%, thấp hơn 0,95 điểm phần trăm so với năm 2011./.
Nguyễn Thơ