In bài viết

Những khoảng lặng của du lịch Gia Lai

Gia Lai là một tỉnh có tài nguyên du lịch khá phong phú. Về tài nguyên thiên nhiên có Biển Hồ, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kông Chơ Rang, Vườn Quốc gia Kông Ka King, đồi thông Hà Tam, Chân Trời Tím, Thung lũng Hồng, Suối Đôi, những dòng thác hùng vĩ và thơ mộng Phú Cường, Koeng Thoa, Ya Ma, Lồ Ồ, Chín Tầng, Hang Dơi, Công Chúa... những bãi đá thơ mộng với bãi Cô Tiên, Hòn Đá Trải…

19/10/2010 09:17

Về tài nguyên nhân văn, Gia Lai có Tây Sơn Thượng đạo, làng kháng chiến Stơr, chiến thắng Sông Bờ, chiến địa Plei Me lịch sử, bến đò A Sanh… Nhiều làng còn giữ được phong tục tập quán cổ xưa, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa bản địa. Đặc biệt, Gia Lai còn là cái nôi của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận từ năm 2005. Đều là những tuyến điểm thu hút du khách đến khám phá, tìm hiểu, chiêm ngưỡng.

Với nguồn tài nguyên trên, Gia Lai có thể khai thác các loại hình du lịch đang thu hút khá nhiều khách trong nước và quốc tế hiện nay với loại hình du lịch sinh thái phục vụ cho tham quan, nghỉ dưỡng, tracking. Loại hình du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa cho du khách có nhu cầu về thẩm mỹ, về nhận thức kiến thức thông qua lịch sử, phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực của người dân bản địa.

Tuy nhiên, đến nay các tài nguyên du lịch đó vẫn là tiềm năng, trong khi tỉnh đã có 2 công ty cổ phần làm du lịch chuyên nghiệp và một số doanh nghiệp tư nhân tham gia kinh doanh du lịch nhưng hầu như chỉ tập trung vào các hoạt động dịch vụ như: Nhà hàng, khách sạn, vận chuyển và một vài khu công viên nhỏ lẻ chỉ mang tính chất City Tour còn các loại hình khác như du lịch sinh thái thì chỉ mới mang tính định hình, loại hình du lịch cộng đồng có quy hoạch xây dựng 2 làng Phun, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah-dân tộc Jrai và làng Đê Ktu thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang-dân tộc Bahnar cũng chưa tổ chức đúng thực chất của loại hình này mà hầu như chỉ lấy làng làm nền với một nhóm dân làng làm thuê theo “lập trình” của doanh nghiệp khi doanh nghiệp lữ hành dẫn khách đến. Người dân trong làng chưa tham gia vào hoạt động du lịch bằng những cái vốn có của mình và chưa được hưởng lợi nhuận cùng với doanh nghiệp nên họ không bảo tồn và tôn tạo các giá trị văn hóa của họ vốn có. Từ đó du khách đến với tỉnh không có điểm dừng chân và các công ty lữ hành của các thành phố gần như coi Gia Lai là một điểm quá cảnh.

Nhiều người cho rằng, Gia Lai vắng khách không phải do thiếu tiềm năng tài nguyên mà có thể do thiếu vốn đầu tư. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa xong bản quy hoạch tổng thể về du lịch, do vậy các nhà đầu tư chưa dám bỏ vốn đầu tư.

Đối với các công ty lữ hành, các nhà đầu tư du lịch hiện hữu thì với lượng khách đến còn quá ít ỏi nên chưa đủ nguồn thu phục vụ cho hoạt động. Bên cạnh đó, các khu du lịch trong tỉnh rất ít được làm mới các hạng mục phục vụ du khách và rất “ngại” làm công tác quảng bá thương hiệu trong khi Hiệp hội Du lịch của tỉnh dù đã thành lập gần năm nay nhưng vẫn chưa thấy có những hành động xâu chuỗi các doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh để làm một chiến dịch quảng bá đẩy mạnh xúc tiến thương hiệu du lịch của tỉnh.

Các cơ quan quản lý du lịch, xúc tiến du lịch của tỉnh với nguồn kinh phí từ ngân sách cấp lại quá ít so với nhiệm vụ nên không đủ điều kiện đẩy các lượng thông tin về du lịch của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và các tỉnh bạn, không có cổng thông tin du lịch riêng, không có quầy thông tin du lịch, hạn chế về các ấn phẩm du lịch và cũng không có điều kiện tham gia các hội chợ du lịch để quảng bá về tiềm năng và hoạt động du lịch của tỉnh. Vì vậy du khách trong và ngoài nước biết rất ít về du lịch Gia Lai, đặc biệt là các nhà đầu tư du lịch lại càng thiếu thông tin về tiềm năng và hoạt động du lịch Gia Lai.

Minh Khôi (Báo Gia Lai)