Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh VNN |
Theo Thông tư được ban hành năm 2011, thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống mới nguyên chiếc phải có giấy uỷ quyền chính hãng của nhà sản xuất hoặc hợp đồng đại lý chính hãng.
Trong khi Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA) và các hãng xe cho rằng Thông tư 20 là cần thiết, thì các nhà nhập khẩu không chính hãng cùng hàng loạt các cơ quan như Bộ KHĐT, Bộ Tư pháp, VCCI, Tổng cục Hải quan đều cho rằng cần bãi bỏ Thông tư này, với lý do Thông tư tạo ra lợi thế kinh doanh độc quyền cho các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, theo Bộ Tư pháp, Thông tư này vi phạm Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, câu chuyện về Thông tư 20 có lẽ cần đặt trong bối cảnh rộng hơn, khi yêu cầu cải cách thể chế được đặt ra hết sức cấp bách với các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương.
Từ yêu cầu của Thủ tướng…
“Công tác quản lý nhà nước đối với ngành Công Thương cần thay đổi cơ bản để xây dựng nền kinh tế thị trường thực chất và hiệu quả”. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành Công Thương tại hội nghị mới đây, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Thủ tướng.
“Về thể chế, cơ chế quản lý: Vẫn còn tình trạng nửa thị trưởng, nửa kế hoạch hóa, do tư duy cũ và lợi ích chi phối, nên thiếu sự mạnh mẽ, mạch lạc trong xây dựng chính sách và trong điều hành; cơ chế cạnh tranh và quản lý cạnh tranh, chống độc quyền còn hạn chế”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nêu cao cung cách làm việc với tinh thần khởi nghiệp, tinh thần phục vụ doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới cải cách thể chế, cơ chế chính sách; chống lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân...
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 1/8, ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết, “không hoàn thiện về thể chế của Bộ Công Thương như Đảng và Chính phủ yêu cầu để đáp ứng sự kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, thì chúng tôi khó thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào”.
“Điều làm tôi quan tâm lo lắng và tập trung sức lực nhiều nhất là cơ cấu lại Bộ, xây dựng thể chế để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng trả lời khi được hỏi, điều gì đang khiến ông “đau đầu” nhất ở thời điểm hiện tại.
Trên thực tế, Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu các Bộ trưởng phải hết sức coi trọng, trực tiếp chỉ đạo và dành nhiều thời gian hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế.
… tới ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp
Mặt khác, Thông tư 20 cũng chỉ là một trong hàng loạt vấn đề vướng mắc về chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương đang gây khó khăn lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Có khá nhiều vấn đề, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được phát hiện, phản ánh nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nhưng vẫn chưa được các Bộ, ngành có liên quan quan tâm giải quyết. Một số quy định về quản lý chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, nhưng chưa đáp ứng đúng yêu cầu của Nghị quyết, chưa giải quyết được vấn đề, gây bức xúc cho doanh nghiệp, điển hình như Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương”.
Đây là nhận xét của Bộ KHĐT tại báo cáo mới đây về tình hình triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ này chỉ ra 5 vướng mắc, trong đó có tới 3 vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương.
Cụ thể, đó là quy định về dán nhãn năng lượng theo Thông tư số 07/2012/TT-BCT và quy định về xác nhận khai báo hóa chất được quy định tại Nghị định 26/2011/NĐ-CP và 40/2011/TT-BCT. Theo Bộ KHĐT, các thủ tục này không chỉ gây khó khăn phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, kéo dài thời gian thông quan mà còn có dấu hiệu trái Luật Năng lượng và Luật Hóa chất, lại không đạt mục tiêu quản lý.
Đặc biệt, Bộ KHĐT nhấn mạnh những vướng mắc trong quy định về kiểm tra formaldehyt đối với sản phẩm dệt may. Theo Bộ KHĐT, Thông tư 37 năm 2015 của Bộ này sửa đổi Thông tư 32 năm 2009 về cơ bản không tuân thủ theo yêu cầu cải cách của Chính phủ và trái lại còn gây khó khăn hơn, làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Thông tư này được ban hành trái Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Trong khi đó, thực tiễn 7 năm áp dụng kiểm tra formaldehyt cho thấy chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định và chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyt cao quá mức quy định. Trong khi, doanh nghiệp phải trả hàng trăm tỉ đồng chi phí cho việc kiểm tra formaldehyt, thời gian thông quan hàng hoá bị kéo dài.
Đáng lưu ý, cả 3 vướng mắc này đều đã được Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phải có giải pháp giải quyết.
Bộ Công Thương đang là tâm điểm chú ý với hàng loạt vấn đề như công tác tổ chức, cán bộ mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những chỉ đạo rất quyết liệt. Nhưng những vấn đề mà người tiền nhiệm chưa giải quyết được - và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phải xử lý - không phải chỉ trong công tác cán bộ.
Thể chế, chính sách là nút thắt, là khâu đột phá. Nói nôm na như phát biểu của Thủ tướng, đây là “nợ” thể chế mà cơ quan quản lý phải trả người dân. Có thể phải tranh luận thêm về “đúng-sai” trong những vấn đề thể chế nói trên, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức trông đợi câu trả lời dứt khoát từ tân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Hà Chính