Từ ngày 1/1/2013, cả nước đã bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ theo Thông tư 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính |
Ông Cao Tấn Lợi, Giám đốc Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 7901S và Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 7902S (Khánh Hòa) phản ánh, một trong những khó khăn của việc thực hiện thu phí bảo trì đường bộ tại các Trung tâm đăng kiểm là số lượng cán bộ thiếu. “Việc lưu trữ, giấy tờ tương đối nhiều nên cần thêm người để thực hiện các công việc này. Tuy nhiên, Trung tâm chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Lợi nói.
Tính đến 15h ngày 3/1/2013, 2 Trung Tâm này đã thu phí bảo trì đường bộ được 165 xe với số tiền hơn 360 triệu đồng. Tính riêng ngày đầu tiên thu phí đã có 90 chủ phương tiện nộp phí bảo trì đường bộ với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Quý Khánh, Giám đốc Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 3701S, 3702S (Nghệ An) cho biết, tính đến 16h ngày 3/1/2013, Trung Tâm đã thu phí bảo trì đường bộ đối với 333 lượt xe với số tiền gần 900 triệu đồng.
Theo khảo sát, tại nhiều Trung tâm, các cán bộ đăng kiểm cho biết, đa số chủ phương tiện đều chủ động, tự giác nộp phí bảo trì đường bộ.
Theo chia sẻ của ông Đinh Văn Thảo (TP Cần Thơ), chủ chiếc xe Honda Civic vừa hoàn thành thủ tục nộp phí bảo trì đường bộ: “Tôi ủng hộ chủ trương của nhà nước về việc thu phí để xây dựng và bảo trì đường bộ như các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần đề cập. Với lại mức phí là 1,3 triệu đồng/năm với xe như của gia đình tôi cũng là chấp nhận được. Các địa phương cần có thông báo hướng dẫn tại các tổ dân phố, khu chung cư…để người dân biết và thuận tiện trong việc thực hiện trách nhiệm của mình”.
Thu phí với xe máy còn băn khoăn
Theo quy định, dựa vào điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, UBND các tỉnh, TP phải xây dựng đề án về mức thu, cách thu phí bảo trì đường bộ đối với mô tô, xe máy để trình HĐND cùng cấp phê duyệt. Sau khi được HĐND duyệt, UBND cấp tỉnh triển khai xuống UBND cấp xã, phường, thị trấn về biện pháp thực hiện. UBND xã, phường, thị trấn sẽ tiếp tục tổ chức triển khai, hướng dẫn các tổ dân phố, khu dân cư, xóm, thôn tiến hành thu như đối với một số loại thuế, phí khác mà lực lượng này đang làm. |
Một trong những băn khoăn lớn của nhiều người dân là việc thu phí với phương tiện xe máy tại tổ dân phố. Ông Trần Thanh Khu, tổ trưởng 1 tổ dân phố tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, đến nay ông chưa được nhận được thông tin gì về việc thu phí bảo trì đường bộ với phương tiện giao thông của mình.
Điều ông Khu băn khoăn là tổ trưởng tổ dân phố không thống kê được hết các phương tiện trong từng hộ gia đình, nhất là mỗi gia đình thường sử dụng nhiều xe gắn máy, không kể trường hợp xe đi mượn.
“Hiện nay, tổ dân phố có hơn 50 hộ dân, khi cần đóng các loại quỹ ủng hộ còn phải mất công đi lại 2 - 3 lượt, nên khi bắt buộc phải đóng một khoản tiền phí bảo trì đường bộ sẽ rất khó, một mình tổ trưởng tổ dân phố khó đảm nhận hết được. Chưa kể, việc thu phí xe máy bây giờ phải sử dụng hoá đơn, phiếu thu, trong khi từ trước đến nay Tổ trưởng tổ dân phố chỉ thu phí thông qua sổ tay”, ông Khu chia sẻ.
Bày tỏ sự e ngại, bà Nguyễn Thị Hồng, Tổ trưởng 1 tổ dân phố tại TP. Hải Phòng cũng cho rằng, việc giao tổ trưởng dân phố đi thu phí xe máy sẽ có nhiều khó khăn. “Hầu hết cán bộ tổ dân phố là người nghỉ hưu, không có nghiệp vụ về thuế, nên việc thu phí dễ xảy ra nhầm lẫn, sai sót, trong khi đó thì chính quyền địa phương cũng không có người và thời gian để thanh tra, kiểm tra những sai sót đó”, bà Hồng nói.
Theo ông Lưu Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, khó khăn lớn nhất hiện địa phương gặp phải là tại nông thôn, nhiều gia đình có phương tiện nhưng sử dụng lại rất ít trong khi mức phí bằng nhau dẫn đến có thể thiếu công bằng trong mức thu.
“Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để thực hiện thu phí không đủ. Huyện giao cho ấp, xã thực hiện thu nhưng rất khó vì cán bộ thu không có chuyên môn, nghiệp vụ. Người dân không nộp phí thì địa phương cũng chưa có chế tài gì để xử phạt”, ông Nhựt nói.
Ý kiến đề xuất
Để đảm bảo tính công bằng trong việc đóng phí bảo trì đường bộ, đã có những ý kiến cho rằng, cần có những quy định cụ thể hơn về mức thu nhất là trong khi chất lượng đường sá mỗi địa phương không giống nhau, nên cân nhắc việc áp dụng 1 mức thu thống nhất như hiện nay.
Cũng băn khoăn về việc đảm bảo thu phí công bằng, ông Bùi Chí Thành (tổ dân phố 5, thị trấn Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) thấy việc quy định cùng một mức phí giữa các loại xe kinh doanh, lưu thông thường xuyên trên đường với xe gia đình, thỉnh thoảng mới lưu thông là chưa hẳn hợp lý.
“Ngoài ra, với các đối tượng chính sách như thương bệnh binh, người cao tuổi… cơ quan chức năng cần xem xét miễn, giảm thu phí”, ông Thanh đề xuất.
Còn ông Lê Văn Hựu, Giám đốc Công ty TNHH Hựu Hưng (Hà Nội), chuyên phân phối các sản phẩm đồ uống ở Hà Nội và kinh doanh vận tải, cho rằng cách thu phí bảo trì đường bộ với ô tô theo năm vào thời gian đầu năm sẽ gây khó cho doanh nghiệp.
Ông Hựu cũng đề nghị cơ quan thu phí nên mở tài khoản chung liên thông với tất cả các trạm đăng kiểm để người nộp phí có thể nộp ở bất kỳ trạm đăng kiểm nào trên cả nước, không bắt buộc phương tiện chỉ được vào nơi đăng kiểm của mình để nộp phí.
Hằng Hoa-Thanh Hoài thực hiện