![]() |
Nghệ nhân Nay Phai đang chỉnh chiêng - Ảnh: Chinhphu.vn |
Từ sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO tôn vinh, âm thanh của cồng chiêng đã vượt ra khỏi đại ngàn, là một nhịp trong chiếc cầu nối quan trọng giữa văn hóa Tây Nguyên – Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nhưng có mấy ai biết, để âm thanh cồng chiêng có thể bay cao, vang xa, ngoài tài năng của những chàng trai đánh cồng chiêng, các cô gái trong vòng soang uyển chuyển, không gian riêng đậm chất Tây Nguyên… thì không thể thiếu vai trò của những người giữ “hồn chiêng” – họ là những nghệ nhân chỉnh chiêng.
"Lên dây chiêng"
Cách đây chưa lâu, không ít người người còn tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi biết người Tây Nguyên – chủ nhân của không gian văn hóa cồng chiêng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – lại không có nghề chế tác cồng chiêng. Khi hỏi về những bộ chiêng quý đang lưu giữ trong các gia đình, cộng đồng có nguồn gốc từ đâu, bà con sẽ trả lời, đó là chiêng Yoăn (của người Kinh), chiêng Kur (của Campuchia) hoặc chiêng Lào…
Trong các di tích tiền sử được phát hiện trên đất Tây Nguyên, dù đã thấy vết tích của lò nung (ở Lung Leng - Kon Tum), khuôn đúc rìu đồng (ở Gia Lai)… nhưng người ta chưa thấy một di vật nào trong các di tích tiền sử ấy minh chứng nghề đúc cồng chiêng đã từng tồn tại trên các cao nguyên bao la phía Tây của miền Nam Trung Bộ. Đó là một trường hợp lạ, bởi thông thường thì chỉ những người sử dụng một loại nhạc khí, công cụ nào đó mới có khả năng chế tác ra những nhạc khí, công cụ đó hoàn hảo nhất.
Như để bù vào phần khiếm khuyết từ ngàn xưa, người Tây Nguyên lại có một nghề mà đồng bào các dân tộc gọi bằng cái tên mộc mạc “lên dây chiêng”. Nhưng lại cũng vì cồng chiêng không có “dây” như những cây đàn guitar, đàn gong… nên những người làm văn hóa ở Tây Nguyên đề xuất gọi nghề này, công việc này là chỉnh chiêng, hiểu nôm na là làm cho những chiếc chiêng bị hư hỏng, lệch âm có được âm thanh chuẩn theo thang âm quy định của từng loại chiêng, ở từng dân tộc.
Để có những bộ cồng chiêng như ý muốn, với cao độ, âm thanh phát ra như đã được tổ tiên định sẵn và truyền lại, người Tây Nguyên mua những “lá chiêng” – cách mà đồng bào gọi những chiếc cồng, chiêng khi chưa được chỉnh âm – rồi gò, gõ, chỉnh để những chiếc cồng, chiêng ấy có được âm thanh theo những bài chiêng truyền thống.
![]() |
Đoàn nghệ nhân cồng chiêng huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai trong chương trình “Gặp gỡ nghệ nhân chỉnh chiêng các tỉnh Tây Nguyên lần thứ I” tại Gia Lai cuối tháng 10/2007 - Ảnh: Chinhphu.vn |
Những người được "Yàng cho âm thanh"
Chỉnh chiêng là một công việc rất khó khăn. Nó đòi hỏi công sức, tâm huyết và tài năng thật sự của nghệ nhân. Vì khó thế, nên ở Gia Lai, trong số hàng vạn người biết đánh cồng chiêng (phần lớn nam giới dân tộc Jrai, Bahnar từ tuổi trưởng thành trở lên đều có thể đánh được cồng chiêng ở những mức độ khác nhau), thì số người biết chỉnh chiêng chỉ là vài ba chục. Trong số này, những người có khả năng làm cho cồng chiêng thật sự “biến hóa” cả về hình thức và âm thanh chỉ đếm chưa hết số ngón tay trên một bàn tay.
Đồ nghề chỉnh chiêng của các nghệ nhân cũng không hoàn toàn giống nhau. Đối với nghệ nhân chỉnh chiêng ở mức độ lấy lại âm thanh đúng cho những bộ cồng chiêng bị lệch âm nhẹ, dụng cụ của họ là một chiếc búa nhỏ và 1 chiếc đe. Nhưng với bok Bul, dân tộc Bahnar, ở làng Klanh, huyện Đak Đoa, bộ tơmam ming ching chêng (đồ nghề chỉnh chiêng) của ông có hai thứ khá lạ mắt, do ông tự làm: man kuấy là một dụng cụ bằng thép cuốn tròn, uốn cong, có lưỡi dùng để cạo đi những chỗ mà ông cho là vì nó dày, nên chiêng, cồng bị lệch âm và mút jơm là chiếc búa nhỏ, làm bằng một thỏi sắt tròn, có lỗ tra cán dùng để gõ vào mặt hoặc vành chiêng, đưa âm thanh về chuẩn.
Với Nay Phai ở thị trấn K’rông Pa, (dân làng thường gọi là ama San), một con nhà “nòi”, nghệ nhân nổi tiếng của dân tộc Jrai, thì đồ nghề của anh là chiếc búa nhỏ và đòn kê. Nay Phai là người duy nhất trong số 9 người con của gia đình được cha chọn để truyền nghề bởi ông tin rằng, trong số các con ông, chỉ có Nay Phai là được "Yàng (trời) cho âm thanh" của cồng chiêng.
Lúc đầu, mỗi khi chỉnh một chiếc cồng hoặc chiêng, anh phải cần đến 2 - 3 người cùng thử để so âm. Nhiều khi làm đi làm lại vẫn không có được âm thanh như ý muốn. Nhưng niềm đam mê và những cố gắng hết mình đã không phụ công anh. Đến nay, chỉ một mình với chiếc búa và đòn kê là anh có thể mang lại cho cồng chiêng mọi âm thanh ở những âm vực khác nhau như cách anh nói "âm thanh đã ở sẵn trong đầu", mỗi khi cần là nó hiện ra ngay.
Cái hơn người của Nay Phai là anh có thể làm những chiếc chiêng, chiếc cồng đã “chết” được hồi sinh; có thể làm từ cái không núm, thành có núm với âm thanh chuẩn. Vì vậy mà anh có thể mua cồng chiêng từ những điểm bán đồng nát để chỉnh chang cho những chiếc cồng, chiêng ấy sống lại với âm thanh vốn có. Em trai của Nay Phai là Nay Dri (ama Chăi) cũng là một nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi. Những nghệ nhân chỉnh chiêng đạt tới mức này hiện là "của hiếm" ở Tây Nguyên.
Với đôi tai thẩm âm tinh tế, nhớ nhiều bài chiêng cổ, bàn tay điêu luyện… chỉ những nghệ nhân chỉnh chiêng mới có thể giữ “hồn chiêng” ở mãi với Tây Nguyên. Tiếc rằng, những người có thể làm nghề này hiện rất hiếm hoi, việc truyền dạy cũng gian nan không kém. Đây cũng là "bài toán" hóc búa đối với những nhà quản lý văn hóa trong việc lưu truyền và phát huy vốn cổ của dân tộc.
TS. Nguyễn Thị Kim Vân
Ảnh: Nguyễn Giác