![]() |
Các chiến sĩ đồn biên phòng Vĩnh Điều tuần tra tuyến biên giới. Ảnh do BĐBP Đà Nẵng cung cấp |
Ngày cuối năm, chúng tôi có dịp gặp các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đà Nẵng đi chi viện cho khu vực biên giới Kiên Giang khi các anh đang trong thời gian nghỉ phép về thăm gia đình tại Đà Nẵng.
Là Trung đội trưởng Trung đội tăng cường đi chi viện, Đại úy Lê Xuân Nghĩa (Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng) kể về những ngày mới vào cắm chốt: “Địa hình miền Trung và miền Tây sông nước khác nhau hoàn toàn, đa số các chiến sĩ đều trẻ tuổi nên lúc đầu còn bỡ ngỡ. Khu vực biên giới hầu hết là địa hình sông nước, kênh rạch nên anh em phải tập chèo thuyền bằng tay để tuần tra trên sông, mấy tháng sau có xuồng máy thì anh em thuận lợi hơn”.
![]() |
Địa hình phức tạp, CBCS luôn tập trung tăng cường tuần tra 24/24h. Ảnh do BĐBP Đà Nẵng cung cấp. |
Vì tăng viện đột xuất, cơ sở hạ tầng chưa có, các chốt trại được các chiến sĩ dựng tạm bằng lều bạt, các vị trí lại xa khu dân cư, điện nước đều không có. “Những ngày đầu, anh em mua các bình nước 20 lít tại tiệm tạp hóa, chở về chốt mà không dám dùng nhiều, chỉ dành để uống và nấu ăn. Sau này, chúng tôi nhận được nhiều hỗ trợ từ cấp trên, Bộ Quốc phòng cấp nhà tiền chế cho lực lượng biên phòng cắm chốt, anh em yên tâm về nơi ăn chốn ở”, Đại úy Nghĩa chia sẻ.
40 chiến sĩ chi viện được phân bổ về Đồn cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, đồn Phú Mỹ, đồn cửa khẩu Giang Thành và đồn Vĩnh Điều. Các khu vực chốt quản lý có địa hình phức tạp, nhiều kênh rạch khó quan sát nên nhiều đối tượng lợi dụng để vận chuyển thuốc lá, hàng hóa lậu qua biên giới. Do đó, CBCS luôn căng mình tuần tra, chống xuất nhập cảnh trái phép và truy bắt các nhóm buôn lậu.
Vất vả, nhọc nhằn nhưng Đại úy Lê Xuân Nghĩa luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của một chốt trưởng. Hằng ngày, anh chia ca kíp trực, đảm bảo 100% quân số trực 24/24h để tuần tra khép kín địa bàn. Các chốt trưởng phải liên lạc với nhau thường xuyên để khi có vụ việc phức tạp sẽ phối hợp hỗ trợ xử lý. “Khó khăn nào cũng là khó khăn chung của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên các tuyến biên giới. Tôi cùng đồng đội luôn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Đại úy Lê Xuân Nghĩa nói.
![]() |
Các chiến sĩ biên phòng tuyên truyền cho bà con chấp hành các biện pháp 5K. Ảnh do BĐBP Đà Nẵng cung cấp |
Theo Đại úy Lê Xuân Nghĩa, nguồn động viên tinh thần là "liều thuốc" cần nhất đối với những người lính. Đó là sự quan tâm của bà con, sự động viên lẫn nhau của anh em đồng chí, hay những cuộc gọi an ủi động viên ấm áp của gia đình, người thân và của lãnh đạo cấp trên từ Bộ Chỉ huy.
“Dù các vị trí đóng chốt đều ở xa khu dân cư, tuy nhiên các cô, chú đi đánh cá trên sông lúc nào cũng gửi gắm ít tôm, cua, cá; bà con ở khu dân cư cũng lặn lội đi quãng đường xa đến thăm để tặng lương thực, mỳ tôm, thuốc men. Những lúc như vậy, tinh thần của anh em chiến sĩ được vực dậy rất nhiều, khơi dậy ý chí vững vàng niềm tin và chắc tay súng bảo vệ biên cương hơn nữa”, Đại úy Lê Xuân Nghĩa tâm tình.
Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các chiến sĩ vẫn luôn giữ vững tinh thần thép, ý chí ngoan cường, làm tốt nhiệm vụ nơi biên cương. Trong suốt 10 tháng, các chiến sĩ đã bắt gần 200 vụ xuất nhập cảnh trái phép và buôn lậu từ Campuchia về Việt Nam và ngược lại.
Gác lại niềm riêng
Đối với những người lính biên phòng, việc xa gia đình, từ lúc đi con chưa chào đời đến khi về con đã có tuổi không còn là câu chuyện xa lạ. Trung úy Trần Văn Tuấn, Phòng Tham mưu (Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng), Trưởng chốt số 9, Đồn Biên phòng Vĩnh Điều (Kiên Giang) chia sẻ: “Chỉ sau vài ngày nhận lệnh tăng cường cho biên giới phía Tây Nam, mình mới biết được vợ mang bầu, lúc ấy cảm xúc rất khó tả, vui buồn lẫn lộn. Mình đi xa thì biết ai chăm sóc cho vợ đây?”.
Nhưng rồi vợ chồng Trần Văn Tuấn cũng xác định tư tưởng phải thực hiện nhiệm vụ với đất nước, cùng dặn dò nhau cố gắng tự chăm sóc sức khỏe và vững lòng lên đường. Những tháng đầu thai nghén, vợ ở nhà sức khỏe yếu, đi lại khó khăn làm người bố trẻ thêm phần sốt ruột, ban đầu dự kiến chuyến công tác tầm 6 tháng nhưng vì tình hình biên cương căng thẳng nên kéo dài gần 11 tháng.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ được trở về nhà con anh Trần Văn Tuấn đã được 2 tháng tuổi. “Thời khắc con chào đời, chỉ có thể thấy qua điện thoại, rồi từng ngày con lớn lên cũng chỉ được ngắm qua ảnh. Ở nơi biên giới, mình một lòng quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, gìn giữ thật chắc biên cương để sớm đoàn tụ gia đình”.
![]() |
Chiến sĩ được khen thưởng đột xuất trong thời gian chi viện. Ảnh do BĐBP Đà Nẵng cung cấp |
Đại tá Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chính ủy BĐBP TP. Đà Nẵng cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại biên giới Tây Nam, dù anh em đang căng mình chống dịch làm nhiệm vụ chính trị tại Đà Nẵng, nhưng ngay khi có lời kêu gọi của Bộ Chỉ huy, 100% CBCS BĐBP Thành phố đã viết đơn tình nguyện lên đường tăng cường bảo vệ biên giới Tây Nam. Từ ngày 15/1, 40 CBCS đã được điều động đi tăng cường đợt 1, các đồng chí được phân công về các tổ chốt trên tuyến biên giới Tây Nam-BĐBP tỉnh Kiên Giang. Ngay sau khi đợt 1 kết thúc, tiếp tục ngày 11/11, BĐBP Thành phố đã điều động 40 CBCS đi tăng cường đợt 2.
“Đối mặt với nhiều mối nguy hiểm, cộng thêm địa hình mới, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, song CBCS vẫn giữ vững lập trường tư tưởng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm, chống xuất nhập cảnh trái phép và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong quá trình công tác, nhiều đồng chí lập thành tích xuất sắc đã được UBND tỉnh Kiên Giang, BĐBP tỉnh Kiên Giang tặng giấy khen đột xuất”.
“Đóng góp âm thầm và lặng lẽ, những người lính quân hàm xanh chúng tôi luôn xác định một trọng trách to lớn trên vai, đó là rèn luyện về chuyên môn, vững vàng về tinh thần, vượt qua mọi khó khăn, để xứng đáng là lá chắn thép giữ gìn sự bình yên cho nhân dân trong cuộc chiến với dịch COVID-19”, Đại tá Nguyễn Thanh Thủy khẳng định.
Minh Trang