Khu nông nghiệp mang lợi lợi nhuận lớn cho gia đình ông Nguyễn Hữu Kỹ. - Ảnh: VGP |
Nằm bên rìa khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) sầm uất, là khu hồ câu Đồng Dâu Xanh của ông Nguyễn Hữu Kỹ và bà Nguyễn Thị Chiên. Với hàng rào sơ sài, tấm biển mộc, nhưng khu hồ câu luôn bị vây bởi hàng dãy ô tô sang trọng đậu san sát.
Tuy nhiên, hồ câu chỉ là một phần trong hệ thống trang trại rộng trên 5 ha của cặp vợ chồng này. Ngoài hồ câu ra, ông bà còn sở hữu hai ao nuôi cá giống, hàng trăm gốc bưởi giống Diễn, ổi, đu đủ và hàng trăm con gà, vịt, ngan.
Hơn chục năm về trước, vùng đất này còn nghèo. Những khoảnh ruộng nằm trong quy hoạch đô thị đã bị thu hồi từng phần. Người nông dân của những làng ven đô trong xu thế đô thị hóa chẳng còn bụng dạ nào làm nông nghiệp. Một số nhận được tiền đền bù “đổi đời” bỏ nghề nông dân.
Những khoảnh đất nông nghiệp, dù chưa thu hồi làm dự án cũng bỗng chốc bị bỏ hoang, chuột bọ, sâu bệnh hoành hành, mặc dù chính quyền địa phương vẫn khuyến cáo người dân tích cực khai thác nguồn lực này.
Ông Kỹ quyết định sẽ thuê lại đất bỏ hoang của người dân để làm... nông nghiệp. “Tôi dành 4 đêm để thuyết phục ông ấy từ bỏ ý định điên rồ ấy. Nhưng cuối cùng chính tôi lại bị ông ấy thuyết phục”, bà Chiên kể. Bà đành để cháu nội, cháu ngoại cho em gái mình trông nom hộ, đem hết 120 triệu đồng tiền đền bù mấy sào ruộng bị thu hồi để đầu tư xây dựng trang trại.
Vài mảnh đất nhỏ thì chẳng thể làm được trang trại. Ông bà đi điều đình với hai trăm hộ có đất bỏ hoang để thuê lại đất. Đất để hoang hóa thì không sao, nhưng có người hỏi đến thì lại thành chuyện. Việc thương thuyết với 200 hộ này không hề đơn giản.
Bà Chiên, ông Kỹ phải thực hiện những chuyến “ngoại giao con thoi” hết về làng lại xuống xã hàng trăm bận mới hoàn tất bản hợp đồng này với mức giá phải chăng. Và đây chính là điểm khởi đầu để ông bà có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Ngay vụ lúa đầu tiên, ông bà đã thu trên 5 tấn/ha.
‘Yết hầu’ của nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. - Ảnh: VGP |
Câu chuyện của Đồng Dâu Xanh là một ví dụ khá điển hình cho vấn đề tích tụ ruộng đất hiện nay. Tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ trong các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi, cánh đồng lớn… là những hạn chế phổ biến, tồn tại từ lâu.
Tại ĐBSCL, nơi có tiềm năng rất lớn về nông nghiệp hàng hóa, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ mới đây đã đưa ra những số liệu rất đáng lưu tâm. An Giang, tỉnh có sản lượng lúa đứng thứ nhất, nhì vùng nhưng hiện nay có đến 75% hộ nông dân có diện tích canh tác lúa dưới 1 ha.
Nông hộ nhỏ lẻ khiến họ rất khó thoát nghèo và làm giàu từ cây lúa vì thực tiễn cho thấy, muốn làm giàu họ phải có trên 3 ha. Tính đến cuối năm 2015, số doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn mới chỉ phủ được 3,5% diện tích đất lúa toàn vùng ĐBSCL.
Điều này dẫn đến hàng loạt hạn chế khác. Hàng năm, toàn vùng châu thổ này sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, trên 2 triệu tấn phân đạm, trong khi theo các nhà khoa học chỉ cần khoản 50% lượng này là đủ.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, quy mô nền nông nghiệp vẫn nhỏ bé, chủ yếu dựa trên 13 triệu hộ nông dân. Để liên kết được 13 triệu hộ nông dân thì tất yếu phải phát triển lực lượng doanh nghiệp.
Thế nhưng, ruộng đất manh mún lại chính là một nguyên nhân quan trọng, nếu không phải là quan trọng nhất, khiến doanh nghiệp kém mặn mà đầu tư cho nông nghiệp. Hiện chỉ có khoảng 3.643 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trên tổng số gần nửa triệu doanh nghiệp, tức chưa tới 1%. Theo Bộ trưởng, “yết hầu” hiện này của ngành nông nghiệp chính là số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã.
Nông dân hoàn toàn có thể hội nhập
Tại một hội nghị diễn ra hồi tháng 9 vừa qua, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, mô hình kinh tế hộ tự cung, tự cấp, lo cái ăn cho gia đình, cho nhu cầu trong nước đã xong sứ mệnh lịch sử.
“Không thể lấy hộ gia đình mà phải lấy hợp tác xã và doanh nghiệp làm hạt nhân… Nhưng tư liệu sản xuất lớn nhất là đất đai lại đang manh mún, làm sao đảm bảo tích tụ ruộng đất mà vẫn bảo đảm quyền lợi người nông dân”, ông nói.
Cho biết nhiều doanh nghiệp đang triển khai các mô hình nông nghiệp đang rất lo lắng vì vấn đề ruộng đất, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng để xây dựng môi trường pháp lý để doanh nghiệp yên tâm, thì điều đầu tiên là chính sách đảm bảo tích tụ ruộng đất.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý Bộ NN&PTNT khắc phục tình trạng doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp, mà trước tiên là muốn làm nhưng không có đất, muốn làm lớn nhưng không có đất lớn.
Trước yêu cầu này của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đề nghị sửa đổi quy định về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để giải quyết vấn đề tín dụng.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đề cập đến việc sửa Điều 129 Luật Đất đai về hạn mức giao đất nông nghiệp.
“Nếu Quốc hội đồng ý, chúng ta không có hạn điền nữa thì vấn đề tích tụ sẽ đảm bảo được đến ngưỡng cho phép. Chúng ta sợ người nông dân mất ruộng thì không có việc làm. Bây giờ 1 ha người ta thuê từ 4 đến 6 công nhân, nông dân sẽ trở thành công nhân nông nghiệp và thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng từng vùng”, ông phát biểu trước Quốc hội.
“Chúng tôi nghĩ việc này Quốc hội cũng nên bàn, tháo nút được điểm này. Thực tiễn chứng minh tất cả các tỉnh chúng tôi đi kiểm tra, giám sát thấy ở đâu nông dân tích tụ cỡ vài ba chục ha cho đến hàng trăm ha đều có thể sản xuất hàng hóa và hội nhập được”, Bộ trưởng tin tưởng.
Quang Lê