In bài viết

Những người thầy của cuộc đời

(Chinhphu.vn) - Những thầy cô đứng trên bục giảng, hay những người đã đem đến cho chúng ta những bài học có ý nghĩa, những giá trị sống có ích, đều là những người thầy, người cô của cuộc đời mình.

14/11/2013 11:08
Nhà giáo Đàm Lê Đức
Nhà giáo Đàm Lê  Đức, Chủ tịch HĐQT Trường THCS, PTTH Đức Trí, Phó Hiệu trưởng Trung tâm bồi dưỡng 218 văn hóa Lý Tự Trọng, TPHCM:

Người thầy có ảnh hưởng tới cuộc đời của cô giáo Đức nhiều nhất, sâu sắc nhất và cũng là người đã khơi dậy lòng say mê nghề dạy học trong cô chính là GS.TS. Viện sỹ Nguyễn Cảnh Toàn, giáo viên dạy toán tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây.

Đã hơn 50 năm trôi qua, cô Đức vẫn còn nhớ những bài giảng toán khúc triết, logic của thầy đã khơi dậy lòng yêu môn toán của cô. Những chia sẻ, động viên, khích lệ của thầy đã thắp lên ngọn lửa đam mê với nghề giáo của cô. Quá trình làm việc không mệt mỏi của thầy là bài học to lớn trong quá trình trưởng thành sau này của cô Đức. Cũng từ đó, cô lại chính là người đào tạo và phát triển nhân tài, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ giáo viên và học sinh và là một nhà giáo vẫn đứng trên bục giảng ở tuổi 83 như hiện nay.

Niềm đam mê mãnh liệt với nghề giáo đã đem đến cho GS. Toàn một năng lượng vô cùng lớn để giúp thầy làm việc không biết mệt mỏi. Tính cách chan hòa, gần gũi và cuộc sống giản dị đến dung dị của thầy đã là tấm gương cho cô trong cuộc sống và công tác sau này.

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc

Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc:

Người thầy ghi lại dấu ấn sâu đậm lớn nhất trong cuộc đời tôi chính là nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Dù không phải là người trực tiếp giảng dạy cho tôi những năm tháng học trò, nhưng những gì tôi học được từ sách của ông viết về văn hóa, lịch sử của đất nước; suy nghĩ của ông về đạo đức và cái tâm của những người sáng tác; cách làm việc luôn tận tụy, có trách nhiệm và dốc lòng với công việc; khối lượng công việc và những tác phẩm đồ sộ mà ông đã để lại cho nền văn hóa, giáo dục của Việt Nam… là những bài học rất ý nghĩa và vô cùng giá trị đối với tôi trong quá trình sáng tác và cuộc sống.

Từ những suy nghĩ về người thầy của đời mình, với tôi, nghề giáo thực sự là một nghề cao quý và những người thầy chính là những người làm công việc “trồng người” cho hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vào những điểm yếu còn tồn tại trong môi trường giáo dục của Việt Nam để có những hướng đi, giải pháp kịp thời nhằm làm trong sạch và thanh cao môi trường giáo dục của nước ta.

Doanh nhân Diệp Thành Kiệt
Doanh nhân Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày, túi xách Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Giày Thái Bình:

Giờ đây, đã qua quá nửa cuộc đời, nhưng cô giáo Huỳnh Thị Ngọc Anh, giáo viên lớp 5 Trường Hồ Ngọc Cẩn, Gò Vấp, TPHCM  (tỉnh Gia Định cũ) luôn để lại trong tôi bài học quý báu về lòng yêu thương, đùm bọc, chia sớt với những người có hoàn cảnh khó khăn; cách đánh giá năng lực, cũng như sự khích lệ để tạo niềm say mê học tập cho học sinh.

Không chỉ nuôi dưỡng và giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh xa đến học tại Thành phố, dạy cho chúng tôi biết yêu thương, đùm bọc những người khó khăn hơn mình, cô còn luôn phát hiện những năng khiếu cũng như khả năng của từng học sinh để bồi dưỡng, động viên từng em phát huy hết năng khiếu của mình. Bài học đó của cô đã trở thành “kim chỉ nam” của tôi trong quá trình công tác, nhất là trong công việc quản lý: Đó là, phải sử dụng nhân viên của mình theo đúng năng lực, sở trường và làm sao khích lệ để tạo cho họ lòng say mê với công việc.

Cô giáo của chúng tôi giờ đây không còn nữa, nhưng trong trái tim chúng tôi, cô vẫn luôn còn mãi. Hàng năm, đến ngày giỗ của cô, tôi và các bạn của mình, dù ở nơi đâu, vẫn về để thắp hương tưởng niệm cô – người thầy đã đem đến cho tôi những ý nghĩa của một chữ tâm với nghề và với cuộc sống xung quanh.

Ca sĩ Ánh Tuyết

Ca sỹ Ánh Tuyết:

Người thầy giáo để lại cho tôi sự trân trọng, ngưỡng mộ về tài-tâm-đức chính là Nhà giáo Nhân dân Lô Thanh, giảng viên Nhạc viện Huế.

Cuộc đời thầy là một tấm gương sáng về sự tận tụy với học trò, về lòng yêu nghề say mê. Và thầy đã và đang đem ngọn lửa đó truyền lại cho bao thế hệ học sinh chúng tôi.

Trong quá trình giảng dạy thầy không bao giờ áp đặt mà luôn khơi dậy cho chúng tôi sự sáng tạo, khích lệ quá trình bộc lộ năng khiếu riêng của từng người. Có lẽ vì phương pháp đó mà học trò của thầy rất nhiều người đã thành danh, thành công trên con đường nghệ thuật như: NSND Quang Thọ, NSND Thanh Hoa…

Tôi còn nhớ những năm trong thời kỳ bao cấp, cuộc sống của tất cả thầy trò đều khó khăn, vất vả giống nhau. Thế nhưng thầy luôn lạc quan và động viên các trò của mình. Những thiếu thốn, khó khăn của cuộc sống thường nhật dường như không làm vướng bận tình yêu học trò, yêu sự nghiệp mà thầy đang theo đuổi. Thầy luôn tâm niệm: “Sự nghiệp của thầy là dạy dỗ và đào tạo ra những thế hệ nghệ sỹ có tâm, có đức. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với thầy”.

Thầy là người đã dạy cho tôi tình yêu nghệ thuật, ý nghĩa của nghề và giá trị của việc cống hiến hết mình cho nghệ thuật một cách chân chính. Những giá trị, những lời dạy của thầy luôn theo suốt trong tôi những ngày tháng sau này.

Doanh nhân Đỗ Xuân Quang

Doanh nhân Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Liên đoàn các hiệp hội giao nhận Đông Nam Á (AFFA), Chủ tịch Hiệp hội các DN cung cấp dịch vụ Logistics Việt Nam, Tổng Giám đốc công ty Vector-Aviation Việt Nam:

Tôi thực sự là người may mắn khi được là học trò của rất nhiều thầy cô tuyệt vời. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất, cũng như những bài học, giá trị của cuộc sống mà tôi đã học được lại đến từ một thầy giáo người Nga, GS. Grigory Kibak, dạy môn Luật Dân sự, khoa Luật của Trường Đại học Tổng hợp Kishinew (Liên xô cũ).

Tôi còn nhớ, thầy rất nghiêm khắc trong học tập và nề nếp trong sinh hoạt. Lúc đó, lưu học sinh chúng tôi ai cũng sợ môn học của thầy vì cho rằng thầy là người hà khắc, do thầy thường xuyên cho học sinh điểm 3. Nếu ai được điểm 3 tức là chỉ đạt học sinh trung bình. Thầy nói rằng: “Thầy có thể cho các em điểm 4, điểm 5, nhưng đất nước Việt Nam đã kỳ vọng vào các em những điều gì khi các em qua đây học tập? Các em có biết gia đình đã mong mỏi rất nhiều vào sự tiến bộ của các em?”.

Tất cả chúng tôi ai cũng nức nở sau những lời dạy nghiêm khắc nhưng ý nghĩa sâu xa của thầy. Và sau đó, toàn bộ các bạn lưu học sinh Việt Nam tại khoa Luật do thầy chủ nhiệm đều đạt điểm 4,5 (điểm giỏi) trong mỗi kỳ thi.

Năm 2012, trong một chương trình kỷ niệm của các lưu học sinh học Trường Đại học Tổng hợp Kishinew tại Việt Nam được tổ chức ở TPHCM, chúng tôi đã mời thầy Grigory Kibak sang dự. Thật xúc động biết bao khi sau 30 năm, thầy vẫn còn giữ nguyên vẹn sổ ghi đầu bài của lớp. Đỗ Xuân Quang, sinh viên năm thứ nhất đã bị phạt do 3 lần nghỉ học không lý do. Dòng chữ thầy phê vẫn còn đó, nét mực đã mờ theo thời gian, nhưng những tình cảm sâu đậm mà tôi dành cho thầy vẫn còn nguyên vẹn.

Giờ đây khi đã trưởng thành, tôi càng hiểu, càng biết ơn sự nghiêm khắc trong học tập của thầy đã giúp tôi trưởng thành và thành đạt. Đúng như thầy đã nói: “Làm việc gì cũng phải làm hết sức, hết khả năng và tin tưởng với ước mơ, sự lựa chọn của mình, chắc chắn các em sẽ  thành công”.

Thanh Thủy