In bài viết

Những phút bù giờ bóng đá: Khi trọng tài độc tôn

(Chinhphu.vn) - Trong các môn thể thao tính giờ khác, thời gian thường được quy định rất nghiêm ngặt, nhưng với bóng đá, các phút bù giờ do trọng tài quyết định và ngay cả với thời gian bù giờ, trọng tài cũng không phải tuân thủ. Một trận đấu bóng đá kết thúc chỉ khi nào trọng tài thổi còi.

24/06/2014 20:35
Pha đánh đầu tung lưới đội tuyển Mỹ, gỡ hòa cho Bồ Đào Nha của Silvestre Varela ở phút 94’33.

Trong một thế giới mà các thống kê chi li tới mức đếm được số lần “click” chuột, tỷ lệ chuyền bóng chính xác của một cầu thủ bất kỳ và số mét họ di chuyển trên sân, việc tính giờ bóng đá vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi. Ví dụ gần nhất là ở trận đấu World Cup tối 22/6, khi Mỹ dẫn trước ở phút 81 trong một trận đấu 90 phút, để rồi đánh mất một chiến thắng khi Bồ Đào Nha ghi bàn gỡ hòa 14 phút sau đó.

Với các cầu thủ và CĐV Mỹ, bàn thua đó thật cay đắng, nhưng cũng khó hiểu. Khi được hỏi về việc trận đấu đã kéo dài bao lâu, thủ môn ĐT Mỹ Tim Howard nói: “Quá dài, dài mất 30 giây” và anh không hề có ý ẩn dụ. Howard đã nói về việc một trò chơi, một trò chơi tính giờ, phải kết thúc vào lúc nào. Và cuộc tranh luận dự kiến sẽ còn kéo dài.

Định nghĩa về thời gian trong bóng đá là không cố định, khiến không cầu thủ nào trên sân, không CĐV nào trên khán đài hay không BLV nào có ý tưởng về việc trận đấu sẽ kết thúc lúc nào. “Điều duy nhất có giá trị trong quản lý thời gian trên sân là chiếc đồng hồ trên cổ tay trọng tài”, cựu tuyển thủ Mỹ Alexi Lalas nói. “Trọng tài là người kiểm soát số phận của bạn”.

Một trận bóng đá chuyên nghiệp kéo dài 90 phút. Vào cuối mỗi hiệp 45 phút, trọng tài sẽ cộng thêm vài phút để bù đắp cho thời gian mất đi vì thay người, chữa trị cho cầu thủ chấn thương hay một số đội thực hiện thủ thuật câu giờ, cũng như bất kỳ nguyên nhân nào khác theo luật chính thức của FIFA.

Trong trận đấu giữa Mỹ và Bồ Đào Nha, trọng tài đã cộng thêm 5 phút bù giờ cho hiệp 2. Nhưng “5 phút” lại là một khái niệm không cố định, có thể là 5 phút một giây hoặc 5 phút 59 giây. Giống như một nhà độc tài toàn trị, trọng tài tùy thích trong việc định đoạt điều đó. Trận Mỹ-Bồ Đào Nha kết thúc ở 5 phút 29 giây bù giờ và Silvestre Varela đã ghi bàn ở 4 phút 33 giây bù giờ.

Do không có thời gian chính thức, các trọng tài bóng đá nhìn chung sẽ đợi tới một tình huống tĩnh lặng trên sân để thổi lên hồi còi chung cuộc. Tuy nhiên, đôi khi, như ở trận Pháp-Thụy Sĩ tuần trước, trọng tài đã cắt còi ngay trước khi Pháp lẽ ra ghi bàn thứ 6 của họ.

Lalas, hiện là BLV của kênh ESPN, nói ông thích cách phân xử như thế: “Bóng đá đẹp là nhờ thế, không có trắng đen”. Nhưng những người khác lại muốn mọi chuyện rõ ràng. Chủ tịch LĐBĐ Mỹ Sunil Gulati nói: “Với tôi, khi có hàng tỉ người xem một trận đấu, chúng ta cần một hệ thống mà có hơn một người biết chính xác khi nào trận đấu sẽ kết thúc”.

Cuộc tranh luận thêm phần sôi nổi trong thời gian gần đây vì bóng đá rốt cuộc đã chấp nhận sử dụng công nghệ ở World Cup lần này, bao gồm sơn vô hình và vạch vôi điện tử. Thật ra, trong chuyện bù giờ, mọi thứ từng tệ hơn. Trong nhiều năm trời, các trọng tài thậm chí không cần tiết lộ họ bù giờ bao nhiêu cho một trận đấu. Jeff Agoos, tuyển thủ Mỹ giai đoạn 1988-2003, nhớ lại rằng trọng tài sẽ từ chối trả lời câu hỏi từ các cầu thủ về việc trận đấu còn lại bao lâu. Vị vua sân cỏ sẽ thổi còi khi nào ông thấy thích hợp, đơn giản như thế.

Hiện giờ thì ít ra có một hệ thống mà trọng tài chính sẽ báo với trọng tài bàn ông định bù giờ bao nhiêu và vị trọng tài bàn sẽ giơ bảng điện tử với số phút bù giờ tối thiểu cho cả sân xem. Các HLV đội đang bị dẫn trước, mà nổi tiếng là Alex Ferguson của CLB Man United, thường gây sức ép để các trọng tài bù giờ thật nhiều.

Các CĐV thì đổi ý tùy theo việc đội bóng của họ ở vào tình thế nào. Chẳng hạn năm 2010, khi Landon Donovan ghi bàn vào lưới Algeria ở phút thứ nhất của thời gian bù giờ hiệp 2, không CĐV Mỹ nào phản đối hệ thống bù giờ hiện thời. Tuy nhiên, cuộc tranh luận đã căng thẳng hơn kể từ hôm 22/6, khi trọng tài người Argentina Nestor Pitana ban đầu định bù giờ 4 phút, rồi lại tăng lên 5 sau khi Mỹ có một sự thay đổi người lề mề.

Một số giải đấu bóng đá ở Mỹ, ở các trường đại học và cấp ba, hiện có một hệ thống tính giờ chuẩn mực hơn với một đồng hồ đếm ngược đặt trên sân và luật quy định khi nào chiếc đồng hồ đó bị dừng lại. Agoos, hiện là phó chủ tịch giải nhà nghề Mỹ MLS, đang định vận động để áp dụng một hệ thống tương tự trên toàn thế giới.

“Tôi muốn tăng cường khả năng kiểm soát của dư luận và sự minh bạch trong việc tính giờ cho bóng đá”, Agoos nói.

Hải Minh