Các chuyên gia nhận định, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoạt động hết mình, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, đưa ra các biện pháp linh hoạt, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế.
Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP đến nay, nước ta đã chuyển từ chiến lược Zero COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch. Đây là bước ngoặt rất lớn và đúng đắn của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt giữa hai giai đoạn chống dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho biết, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã ra đời rất đúng thời điểm và dựa trên những bằng chứng khoa học, thực tiễn của đất nước.
Thứ nhất, đó là thời điểm xuất hiện biến thể mới Delta và Omicron với tốc độ lây lan nhanh.
Thứ hai, chúng ta đã thực hiện tiêm vaccine cho người dân với tỉ lệ cao, số người mắc bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chiếm đa số.
Thứ ba, năng lực phòng, chống dịch và kiến thức của người dân đã được nâng cao.
Đó là những bằng chứng, cơ sở để chúng ta chuyển từ chiến lược Zero COVID sang chấp nhận có ca bệnh trong cộng đồng nhưng số ca nặng không cao, không bị quá tải hệ thống y tế, từ đó giảm số ca tử vong và phát triển kinh tế.
Nghị quyết 128/NQ-CP cũng đưa ra nhiệm vụ kiểm soát ca nhiễm trong cộng đồng, phân loại các ca nhiễm không triệu chứng, ít triệu chứng, ca chuyển nặng nên không còn xảy ra tình trạng quá tải hệ thống y tế. Chúng ta cũng đã kiểm soát dịch bằng can thiệp y tế để người dân được tiếp cận với y tế sớm hơn, hạn chế nhập viện và tử vong.
"Thời gian qua, chúng ta cũng đã nới lỏng đồng bộ đi đôi với dự phòng đồng bộ, thay đổi quy định cấm đi lại, cấm các hoạt động ở nơi công cộng sang kiểm soát rủi ro. Đó là thành tựu quan trọng của đất nước, vừa hồi phục phát triển kinh tế. vừa phòng, chống dịch", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Chúng ta đã rất linh hoạt trong vấn đề xét nghiệm và phân tầng điều trị ca bệnh. Khi chuyển sang chiến lược kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chúng ta không thực hiện xét nghiệm hàng loạt mà chỉ xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ để xác định ca nhiễm và điều trị, không thực hiện phong tỏa, truy vết như trước, các trường hợp F1 cũng chỉ thông báo để họ biết và dự phòng như tự cách ly tại nhà, điều trị tại nhà… Về cơ bản chúng ta đã bỏ được cách ly tập trung, giảm số ngày cách ly… Đặc biệt, chúng ta không còn phải giãn cách xã hội.
Trong điều trị ca bệnh, chúng ta cũng đã linh hoạt khi triển khai thực hiện phân tầng điều trị tốt hơn. Người bệnh tiếp cận y tế cơ sở tốt hơn trước kia rất nhiều. Người nhiễm COVID-19 không lo lắng, hoang mang, yên tâm điều trị cách ly tại nhà, tránh quá tải hệ thống y tế, trong đó có quá tải ảo.
"Tất cả sự thay đổi trên đã thể hiện sự mạnh dạn, táo bạo trong việc ra quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta đã thành công khi luôn thể hiện được sự "ứng vạn biến" để linh hoạt kiểm soát dịch trong mỗi giai đoạn mà vẫn phát triển kinh tế. Đến nay, mặc dù số ca mắc trên cả nước vẫn cao, nhưng số ca nặng giảm, số tử vong giảm. Đó là những quyết định sáng suốt, đúng đắn và thể hiện sự linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội của người dân", Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cũng nhận định, trong 1 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hoạt động hết mình, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, đưa ra các biện pháp linh hoạt, hiệu quả để kiếm soát dịch bệnh, giữ vững nền sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh không chủ quan trong chống dịch, đẩy nhanh tốc độ phủ vaccine COVID-19, tập trung điều trị cho các bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao; củng cố lại hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương, chấn chỉnh công tác quản lý y tế nhằm nâng cao khả năng phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho toàn dân. Đây là tầm nhìn dài hạn của Chính phủ với cơ chế chính sách quản lý y tế tốt hơn, chăm lo sức khỏe cho nhân dân tốt hơn.
Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP đến nay, chúng ta đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch thông qua việc bao phủ vaccine cho toàn dân chỉ trong thời gian ngắn mà mang lại hiệu quả rất tích cực. Tỉ lệ người mắc COVID-19 nhập viện và tử vong giảm sâu. Đây chính là cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành liên tiếp Nghị quyết 01, Nghị quyết 11 và Chỉ thị 01 với các chủ trương, nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp bao gồm việc chủ động tiếp cận các nguồn vaccine qua nhiều phương thức khác nhau, bao gồm tham gia chương trình COVAX Facility, đàm phán song phương với các nhà sản xuất, ngoại giao vaccine với các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước. Đây là chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất trong lịch sử, việc triển khai chiến dịch được thực hiện trên quan điểm thống nhất "tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai".
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng đánh giá rất cao sự chỉ đạo chống dịch của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong suốt năm 2021 đến nay, trong đó có hai điểm nổi bật rất lớn.
Thứ nhất, từ đầu năm 2021, chúng ta chưa có vaccine phòng COVID-19, nhưng với sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên tất cả các phương thức đã tạo được nguồn vaccine và trở thành quốc gia có tỉ lệ tiêm vaccine rất cao, là tiền đề để chúng ta chuyển hướng sang chống dịch giai đoạn 2, gọi là giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả.
Thứ hai, từ tháng 10/2021, Chính phủ đã chuyển hướng chiến lược chống dịch, từ Zero COVID sang thích ứng an toàn, tạo điều kiện rất quan trọng để đất nước ta phục hồi kinh tế và có thành tựu như hôm nay. Đây là những điểm son rất trân trọng trong thành tích của Chính phủ năm 2021.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng, nguyên ĐBQH khóa X, XI, XII cũng chia sẻ, trong một năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất nhiều lần yêu cầu kiên quyết thực hiện có hiệu quả chiến lược vaccine. Cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vaccine, nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm chủng hiệu quả, chủ động phòng ngừa sự cố.
Chính vì vậy, từ một nước tiếp cận vaccine COVID-19 chậm, chỉ sau 1 năm, Việt Nam đã trở thành 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới. Đó là một thành tựu hết sức to lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Tính đến ngày 3/4, cả nước đã tiêm hơn 206,5 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân. Trong đó, riêng mũi 3 đạt gần 50 triệu liều. "Đây là một kết quả chưa từng có ở nước ta và là biện pháp hữu hiệu để nước ta trở lại trạng thái bình thường hóa trong xã hội như hôm nay", GS.TS Nguyễn Lân Dũng khẳng định.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, vaccine đóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống dịch. Điều này đã thể hiện rõ giữa 2 đợt dịch bùng phát ở TPHCM và Hà Nội.
Thời điểm dịch bùng phát ở TPHCM, số ca nhiễm và ca tử vong cao, nhưng đợt dịch sau bùng phát ở Hà Nội, với số ca nhiễm cũng cao song số ca chuyển nặng, số ca tử vong không cao. Đây chính là hiệu quả của chiến dịch tiêm vaccine bên cạnh những kinh nghiệm, bài học được rút ra từ các đợt dịch trước cũng như năng lực y tế của chúng ta đã được nâng cao.
"Có thể nói chiến lược vaccine ở nước ta có tốc độ thần tốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã triển khai quyết liệt dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện bao phủ 2 mũi cơ bản vaccine cho người dân".
Đồng quan điểm như trên, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, từ việc chuyển hướng phòng chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, chúng ta đã đầu tư mạnh mẽ hơn cho ngành y tế, trong đó tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở, y tế phường, xã; triển khai việc sản xuất thuốc đặc trị COVID-19…
"Sự đồng bộ này đã giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống, sản xuất kinh doanh. Chính việc thích ứng an toàn này cũng đã giúp chúng ta mạnh dạn mở cửa lại các hoạt động, phục hồi kinh tế-xã hội, các cháu học sinh được đến trường. Đây là một thành tựu của Đảng, của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị", ông Trần Hoàng Ngân chia sẻ.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, ngay từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, cần xác định năm 2022 và thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Ông còn nhiều lần lưu ý các bộ, ngành, địa phương, thực tiễn còn có thể phát sinh thêm nhiều diễn biến mới mà chúng ta chưa thể dự báo hết được.
Thủ tướng đã có mặt mọi nơi, mọi lúc để đôn đốc các ngành, các địa phương vừa tích cực phòng, chống dịch vừa mạnh mẽ khôi phục và phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng.
PGS.TS. Bùi Quang Bình chỉ ra rằng, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp để kích thích nền kinh tế. Trong đó gói kích cầu 350.000 tỷ đồng đã tạo động lực thúc đẩy thị trường phát triển, kích cầu đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trên phạm vi toàn quốc, trọng tâm là tuyến cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành… Giải pháp này vừa có tầm nhìn tương lai của đất nước, vừa có tác động trong ngắn hạn kích thích nền kinh tế phát triển mạnh hơn. Đây là chủ trương hợp lý, các bộ, ngành, địa phương cần huy động nguồn lực đầu tư và triển khai có hiệu quả cao nhất các dự án, công trình trọng điểm của quốc gia theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Trong các nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh quan điểm ưu tiên giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, như miễn giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ lãi suất, giải quyết vấn đề lao động sau Tết, chăm sóc cho người lao động… tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trở lại thị trường. Đây là động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Một điểm quan trọng mà Chính phủ còn quyết liệt thực hiện là cải cách thể chế. Ngay sau Tết Nguyên đán vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 01 đôn đốc các nhiệm vụ sau Tết, không để "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Điều đó thể hiện sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy giải ngân nguồn lực từ các dự án đầu tư công, huy động tối đa nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Với hàng loạt giải pháp mà Chính phủ đề ra và tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm, "tôi tin cho rằng năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không chỉ đạt chỉ tiêu đề ra mà còn cao hơn là hoàn toàn khả thi", PGS.TS. Bùi Quang Bình cho biết.
Hiền Minh – Anh Thơ – Thế Lực