In bài viết

Những tân sinh viên vượt lên số phận

(Chinhphu.vn) - Không để sự tàn tật và nghèo khó trói buộc ước mơ, 2 tân sinh viên đặc biệt của Đại học Đà Nẵng hy vọng giảng đường sẽ giúp họ vượt qua khó khăn để đến với cuộc đời rộng mở.

08/07/2014 18:42
PGS.TS Trần Văn Nam- Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Đại học Đà Nẵng đang xét hồ sơ của thí sinh Huỳnh Thị Thu Thủy. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học-cao đẳng 2014, Hội đồng thi Đại học Đà Nẵng đã xét đặc cách cho 2 thí sinh khiếm thị, giúp các em bước vào giảng đường.

Trái tim là đôi mắt

Sinh ra trong một gia đình ngư dân đông con ở miền biển Phú Lạc (huyện Đông Hòa, Phú Yên), thí sinh Trần Phú (sinh năm 1988) khiếm thị dần dần rồi mù hẳn khi em mới 10 tuổi. Gia đình nghèo, việc chữa trị cho em đành bỏ dở. Không chỉ vậy, hiện nay, Phú còn bị thấp khớp nặng, rất khó khăn trong sinh hoạt và đi lại.

Gia đình quá khó khăn, để có chi phí sinh hoạt khi học xa nhà (Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, Đà Nẵng), Phú dành thời gian đi bán tăm tre, chổi, học massage khiếm thị để có thêm tiền mưu sinh.

Đôi mắt không còn nhìn thấy, Phú dùng “trái tim và văn học” để cảm nhận cuộc đời. Chia sẻ với chúng tôi, Phú cho biết, em rất thích các tác phẩm văn học, đặc biệt là những tác phẩm của nhà văn Nam Cao “bởi những tác phẩm của ông luôn nghiêng về số phận của những con người bất hạnh, day dứt trước những bi kịch đời thường không lối thoát”.

Tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học, Phú chiêm nghiệm được thêm những triết lý sống, rút ra những bài học riêng cho mình. “Em có hoàn cảnh riêng nên thấy mình dễ đồng cảm với thân phận những con người có nỗi khổ và phải chịu đựng những bi kịch trong cuộc đời”, Phú chia sẻ.

Vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, Phú trở thành học sinh giỏi nhiều năm liền, đặc biệt là giành nhiều giải thưởng liên quan đến môn Văn: giải Nhất-Nhì môn Văn cấp TP năm lớp 10,11,12; đạt giải UPU cấp Quốc gia dành cho người khuyết tật.

Đam mê văn học, đồng cảm với những mảnh đời thiệt thòi, bất hạnh, Phú chọn ngành Tâm lý học (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng). Phú cho biết, nhiều thời điểm, em nghĩ cuộc sống của em cũng khép lại theo đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng này. Nhưng nhờ sự quan tâm và những lời khuyên của mọi người xung quanh, em thêm động lực để tiếp tục sống và mong ước trở thành người có ích cho cộng đồng.

Gắn bó với công tác xã hội

Cùng cảnh ngộ như em Trần Phú, thí sinh khiếm thị Huỳnh Thị Thu Thủy (sinh năm 1989, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) thi vào ngành công tác xã hội (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) khiến mọi người cảm động với giấc mơ trở thành một người hoạt động xã hội giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh.

Bị mù bẩm sinh mắt phải, mắt trái theo đó cũng mờ dần, gia đình lại đông anh, chị em, ba mẹ già yếu, cuộc sống chật vật nên dù bị khiếm thị, Thủy đã phải mưu sinh từ nhỏ.

Thủy nhớ lại, em đã đi bán vé số, bán bánh để kiếm tiền từ năm lớp 5. Bây giờ, mỗi khi được nghỉ lễ, nghỉ hè, em lại tiếp tục bán vé số để có tiền trang trải cuộc sống và phụ giúp ba mẹ. Trong những thời điểm ấy, em gặp phải nhiều hoàn cảnh còn khó khăn hơn em rất nhiều, từng số phận người đã in đậm trong tâm trí em.

Theo chân các anh chị làm công tác xã hội đến với các trại trẻ mồ côi, trẻ em nghèo bất hạnh, Thủy càng chứng kiến nhiều cuộc đời thiệt thòi hơn mình. Em nghĩ nếu sau này có cơ hội, em sẽ học ngành công tác xã hội. Trước hết em có thể đến những địa điểm đó để giúp mọi người. Mặc dù em bị khiếm khuyết không giúp được mọi người về vật chất nhiều, nhưng em có tinh thần, có tình thương, có sự đồng điệu. Bằng sự đồng cảm số phận, em mong những hành động của mình sẽ góp một phần nhỏ giúp họ vượt lên số phận”, Thủy hy vọng.

Được biết, Thủy có học lực giỏi năm lớp 10,12; đạt giải Nhì môn Sinh cấp TP và là thí sinh đạt giải dành cho người khuyết tật Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 39.

Hồng Hạnh