Báo cáo “Những triển vọng đô thị thế giới” do Liên Hợp Quốc công bố mới đây cho biết với 38 triệu người, Tokyo hiện là thành phố đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, dân số ở thành phố này đang có xu hướng giảm và đến năm 2030 dự kiến còn khoảng 37 triệu người.
Đứng vị trí thứ hai là thành phố Delhi với 25 triệu dân. Theo báo cáo trên, dân số tại Delhi đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990 và dự kiến sẽ “soán ngôi” Tokyo để trở thành đô thị đông dân nhất thế giới vào năm 2050. Tuy nhiên, Delhi vẫn duy trì vị trí hiện nay ít nhất cho đến năm 2030 với mức dân số ước tính khoảng 36 triệu người.
Thành phố đông dân tiếp theo là Thượng Hải (Trung Quốc) với 23 triệu người. Ngoài ra, Mexico City (Mexico), Mumbai (Ấn Độ) và Sao Paulo (Brazil) mỗi thành phố có 21 triệu dân.
Theo báo cáo trên, mức tăng dân số đô thị mạnh nhất sẽ diễn ra tại Ấn Độ, Trung Quốc và Nigeria trong thời gian từ nay đến năm 2050. Ước tính, đến năm 2050, dân cư đô thị tại Ấn Độ tăng thêm 404 triệu người lên 814 triệu người, nhanh hơn nhiều so với mức tăng 292 triệu người của Trung Quốc mặc dù nước này hiện đứng đầu thế giới về dân cư đô thị với 758 triệu người. Trong khi đó, dân cư đô thị tại Nigeria sẽ tăng thêm 212 triệu người.
Khoảng 54% dân số thế giới hiện đang sinh sống tại các đô thị và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng 66% đến năm 2050, trong đó mức tăng mạnh nhất sẽ diễn ra tại châu Á và châu Phi. Tổng dân số đô thị của thế giới hiện ở mức gần 3,9 tỷ người và dự kiến sẽ tăng lên tới 6,3 tỷ người vào năm 2050. Trong khi đó, dân cư ở nông thôn tăng chậm kể từ năm 1950 và hiện có khoảng 3,4 tỷ người.
Huyền Anh