Bộ NNPTNT đồng ý doanh nghiệp đưa nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu về kho bảo quản. - Ảnh minh họa |
Từ tin vui của doanh nghiệp thủy sản...
Trước đó, Hiệp hội này phản ánh những thay đổi theo Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT gây khó khăn, tăng chi phí với doanh nghiệp. Cụ thể, trước đây các lô hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được mang hàng về kho bảo quản riêng của doanh nghiệp để kiểm dịch, nhưng theo Thông tư mới, các lô hàng của một số doanh nghiệp đều phải kiểm dịch tại cửa khẩu, khi có kết quả kiểm dịch mới được phép đưa hàng về kho.
Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ đồng ý doanh nghiệp đưa nguyên liệu về kho bảo quản của doanh nghiệp để thực hiện kiểm dịch theo quy định.
Trước đó, ngày 30/9, cũng Bộ NNPTNT đã có công văn gửi Bộ Y tế, trong đó thống nhất miễn công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; miễn ghi nhãn phụ, nhãn tiếng Việt đối với thực phẩm nhập khẩu là nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu.
Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhấn mạnh rằng đây là những động thái rất đáng hoan nghênh của các Bộ. “Các Bộ đã rất cầu thị, lắng nghe doanh nghiệp và đã có hỗ trợ kịp thời, tích cực, cụ thể, theo tinh thần tăng cường hậu kiểm, doanh nghiệp tự kiểm soát”, ông Hòe nói.
Thực tế, trong thời gian qua, Bộ NNPTNT đã được các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đánh giá tích cực trong triển khai các giải pháp đổi mới quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu theo yêu cầu của Nghị quyết 19, nhất là trong thủ tục kiểm dịch thực vật.
Điều đáng mừng hơn nữa, là Bộ NNPTNT không đơn độc trong những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Năng lực cạnh tranh và Môi trường kinh doanh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết, Bộ Công Thương đang là một trong những Bộ cải cách mạnh mẽ và lãnh đạo Bộ đang có những thay đổi hết sức tích cực.
... tới chuyển động mạnh của Bộ Công Thương
Ngày 12/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Thông tư 23/2016/TT-BCT bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Đây là vấn đề đã được các doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần suốt 7 năm qua, kể từ 2009.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục làm việc với Tổng cục Năng lượng và các thành viên trong tổ soạn thảo sửa đổi Thông tư 07/2012/TT-BCT để bàn tiếp các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong thủ tục dán nhãn năng lượng.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, so với Thông tư 37/2015/TT-BCT mà Bộ đã bãi bỏ thì "các quy định tại Thông tư 07 còn rườm rà, khó hiểu và gây bức xúc cho doanh nghiệp hơn rất nhiều". Ngoài ra, một số nguồn tin cũng cho biết Bộ Công Thương đang xem xét và có thể bãi bỏ cả thủ tục khai báo hóa chất.
Những động thái của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Bởi theo báo cáo mới đây của Bộ KHĐT, trong số các Bộ được giao nhiệm vụ cải cách các quy định pháp luật về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương là Bộ có số văn bản được nêu nhiều nhất, nhưng thời gian qua lại ít có sự chuyển biến.
“Những vướng mắc lớn nhất về quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay hầu như tập trung chủ yếu tại các quy định của Bộ Công Thương. Trong đó, thủ tục dán nhãn năng lượng là vướng mắc và gây bức xúc nhất hiện nay cho doanh nghiệp và cả cơ quan hải quan”, Bộ KHĐT nhận định.
Cần tiếp tục nỗ lực
Kiểm tra chuyên ngành là một trong những trọng tâm cải cách tại các Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, các bộ ngành còn phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.Theo Bộ KHĐT, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá nhập khẩu chưa có sự cải thiện, ngoại trừ một số ít lĩnh vực. Việc quản lý và kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết vẫn đang là trở ngại, gây khó khăn, tốn kém thời gian, chi phí và gây bức xúc trong doanh nghiệp.
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành cao, trung bình chiếm 30% tổng số lô hàng. Số lượng lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trên thực tế là rất lớn.
Những bất cập của hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã và đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, gây bất lợi đến cải thiện môi trường kinh doanh. Đa số các doanh nghiệp cho rằng thủ tục, thời gian và chi phí kiểm tra chuyên ngành không thuận lợi hơn cho doanh nghiệp so với trước.
“Có khá nhiều vướng mắc của doanh nghiệp đã được phát hiện, phản ánh trong thời gian dài; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp cụ thể để xử lý các vướng mắc này, nhưng một số Bộ, ngành có liên quan vẫn chưa giải quyết dứt điểm; gây bức xúc, nản lòng, làm giảm dần niềm tin và sự kỳ vọng vào những thay đổi cải cách từ các Bộ, ngành”, Bộ KHĐT thẳng thắn.
Hiện, Chính phủ, Thủ tướng đang tiếp tục đốc thúc mạnh mẽ các bộ ngành thực thi những giải pháp đã đề ra. Mới đây, đích thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi kiểm tra, làm việc với nhiều đơn vị về các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và chỉ đạo những nhiệm vụ rất cụ thể.
Hà Chính