Đảng và Nhà nước ta có những chủ trương, chính sách phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, nông nghiệp với các nước châu Phi trong đó có Senegal. Trong thập kỷ 90, Việt Nam và Senegal đã triển khai chương trình hợp tác nông nghiệp với sự tài trợ của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO).
Bộ Công Thương cũng xác định đây là thị trường có nhiều triển vọng xuất khẩu và thời gian qua tập trung vào các hoạt động tuyên truyền quảng bá về thị trường này. Nhờ vậy, doanh nghiệp trong nước ngày càng biết đến những tiềm năng kinh tế, thương mại của Xê-nê-gan. Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal, đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên giao dịch trực tiếp, giảm bớt chi phí trung gian, Bộ Công Thương Việt Nam sẽ tổ chức đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại tại thị trường này vào đầu tháng 10/2011.
Về phần mình, Chính phủ và nhân dân Senegal có nhiều thiện cảm và ngưỡng mộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây cũng như những thành tựu phát triển kinh tế của nước ta hiện nay. Phía bạn đánh giá cao sự giúp đỡ của Việt Nam trong việc phát triển nông nghiệp Senegal trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác ba bên Việt Nam-FAO-Senegal. Hàng hóa của ta tại thị trường này ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Senegal là thị trường có nhu cầu sản phẩm đa dạng trong đó có nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của ta. Trong thập kỷ qua, các mặt hàng như gạo, sản phẩm dệt may, linh kiện phụ tùng xe máy, sản phẩm từ cao su, tinh bột sắn, hạt tiêu... đã thâm nhập thành công và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này. Kim ngạch cũng như diện mặt hàng xuất khẩu của ta đã không ngừng tăng (trên 20 loại sản phẩm tính đến năm 2010). Trong những năm gần đây, giá trị xuất khẩu hàng hóa nói chung của Việt Nam sang Senegal luôn ở mức cao, đạt 104,1 triệu USD năm 2008 và 104,3 triệu USD năm 2009, tăng 951% so với năm 2007 (9,8 triệu USD), là thị trường lớn thứ tư của Việt Nam ở châu Phi. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu sang Senegal tăng rất mạnh, đạt kim ngạch 142,6 triệu USD, tăng 573% so với cùng kỳ năm 2010, đưa Senegal vươn lên trở thành thị trường lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Phi chỉ đứng sau Nam Phi. Trong cơ cấu xuất khẩu của ta sang Senegal, mặt hàng gạo luôn chiếm tỷ trọng trên dưới 90%. Trong 6 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Senegal đã lên tới 133 triệu USD, chiếm 93% tổng giá trị xuất khẩu. Mỗi năm, Senegal nhập khẩu trung bình từ 800.000 đến 900.000 tấn gạo. Gạo nhập khẩu vào Senegal phần lớn là gạo tấm, chiếm đến 99% tổng khối lượng nhập khẩu. Với vị trí cửa ngõ khu vực Tây Phi, Senegal còn nhập khẩu gạo để tái xuất sang các nước lân cận như Mauritania, Guinea, Guinea Bissau và Gambia. Đứng thứ hai trong cơ cấu xuất khẩu vào Senegal là hàng dệt may. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang thị trường này đạt 8,2 triệu USD. Tiếp đến là linh kiện, phụ tùng xe máy, đạt 7,2 triệu USD, săm lốp ô tô, xe máy 3,5 triệu USD.
Ngoài những mặt hàng trên, Việt Nam còn xuất khẩu sang Senegal cao su và các sản phẩm từ cao su, tinh bột sắn, hạt tiêu, bánh kẹo các loại, sắt thép các loại, giày dép, túi xách vali, mũ, ô, dù và sản phẩm gốm sứ, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, v.v...
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày một quan tâm đến thị trường này. Một số doanh nghiệp đã tổ chức đoàn sang nghiên cứu thị trường và gặp gỡ đối tác.
Senegal có tình hình chính trị ổn định nhất Tây Phi. Nhiều thập kỷ qua, trong khi các nước khác trong khu vực liên tiếp diễn ra các cuộc đảo chính, nội chiến, xung đột thì nước này vẫn duy trì được sự ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế cao, giúp Senegal thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài và có tiếng nói quan trọng trong các diễn đàn khu vực và quốc tế. Giống như nhiều nước châu Phi khác, Senegal được hưởng các ưu đãi về thuế xuất khẩu (0%) khi xuất hàng sang EU và Hoa Kỳ trong khuôn khổ các hiệp định đối tác thương mại song phương và Đạo luật cơ hội và tăng trưởng kinh tế (AGOA). Vì vậy, nếu đầu tư sản xuất hoặc chế biến tại đây, doanh nghiệp nước ngoài có thể tận dụng được những lợi thế về xuất xứ khi xuất khẩu sang các thị trường nói trên.
Trong số các quốc gia Tây Phi thì Senegal là nước ít xảy ra tình trạng lừa đảo thương mại nhất. Theo thống kê của Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á và các Thương vụ Việt Nam tại châu Phi thì cho đến nay chưa phát hiện trường hợp lừa đảo nào, kể cả qua mạng Internet với các đối tác Senegal.
Senegal cũng là một trong bốn nền kinh tế mạnh nhất khu vực Tây Phi (15 quốc gia) với dân số 13,7 triệu người và GDP thực tế trên đầu người hơn 1000 USD/năm với nhu cầu sản phẩm đa dạng, trong đó có một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như gạo, dệt may, linh kiện, phụ tùng xe máy. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu của ta vào thị trường này mấy năm trở lại đây luôn tăng trưởng liên tục và diện mặt hàng không ngừng được mở rộng.
Senegal có cơ sở hạ tầng vận tải (cảng biển, sân bay, đường sá) và viễn thông vào loại tốt nhất Tây Phi. Hệ thống ngân hàng phát triển với số lượng các ngân hàng uy tín lớn thứ hai trong tiểu vùng, chỉ đứng sau Bờ Biển Ngà.
So với các nước châu Phi khác, cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Senegal khá đông. Theo ước tính, hiện có khoảng 300 người Senegal gốc Việt trong đó có một bộ phận sinh ra ở Việt Nam và vẫn còn nói được tiếng Việt. Đa số cộng đồng người Việt vẫn thiết tha với quê hương và lưu giữ truyền thống văn hóa Việt Nam. Đây cũng là một thuận lợi cho doanh nghiệp của ta khi bước đầu sang thị trường này tìm hiểu thông tin, đối tác.
Theo Báo cáo tổng kết năm 2010 và viễn cảnh kinh tế 2011 của Ngân hàng Thế giới vừa công bố, kinh tế Senegal đã lấy lại tốc độ tăng trưởng cao nhờ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Thêm vào đó là các yếu tố như tăng xuất khẩu, tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng lượng vốn đầu tư về nước của kiều dân cũng góp phần phục hồi nền kinh tế nước này. Một khía cạnh tích cực khác nữa là các nguồn vốn đầu tư tập trung vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường cao tốc, sân bay mới Diass đang xây dựng.
Với những tiềm năng và thế mạnh như vậy, đây là thị trường được đánh giá là có nhiều tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam với những lợi thế xuất khẩu quan trọng.