In bài viết

Những trắc thủ ra đa phá nhiễu, diệt B52

(Chinhphu.vn) - Kinh nghiệm phá sóng gây nhiễu máy bay B52 Mỹ của đơn vị pháo cao xạ 57 ly thuộc Đại đội C4, Trung đoàn 228 Hàm Rồng (Thanh Hóa) đã góp phần cùng bộ đội tên lửa chủ động đánh thắng B52 trong 12 ngày đêm tháng 12/1972 lịch sử.

13/12/2012 15:53

Trắc thủ Lê Xuân Giang trong dịp mừng công chiến thắng. Ảnh: VGP/Sao Chi

Trong cuộc gặp gỡ của các nhân chứng lịch sử, các anh hùng, những người từng góp phần làm nên chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, ông Lê Xuân Giang (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), người Trung đội trưởng thuộc Đại đội C4 anh hùng, của Trung đoàn 228 Hàm Rồng đã chia sẻ những kinh nghiệm góp phần đánh thắng B52 trên vùng trời Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12/1972.

Ông Giang kể, tháng 4/1972, ông đang là Trung đội trưởng Đại đội C4 chịu trách nhiệm bảo vệ cầu Hàm Rồng nhằm đảm bảo thông suốt con đường vận tải chiến lược từ Bắc vào Nam. Đại đội C4 chốt giữ trên đồi C4 cạnh cầu Hàm Rồng, đây cũng là vị trí mà ra đa và pháo 57 ly có thể dễ dàng bắt sóng và bắn máy bay địch một cách thuận lợi.

Với nhiệm vụ của một trắc thủ ra đa pháo cao xạ, ông Giang và đồng đội phải tìm cách phát hiện rồi hướng dẫn các khẩu đội pháo cao xạ của Trung đoàn bắn các loại máy bay Mỹ ( như F105, F111, F4, A4, A6, A7…) khi chúng đánh phá cầu Hàm Rồng.

Sau 8 năm đánh phá miền Bắc (kể từ ngày 5/8/1964) , tới ngày đầu tháng 4/1972, Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch Linebacker I ném bom trở lại toàn miền Bắc hòng lật ngược tình thế ở chiến trường miền Nam và trên bàn đàm phán Pari.

Ngày mùng 10/4, Mỹ cho máy bay đánh phá thành phố Vinh; tới ngày 13/4 Mỹ tiếp tục điều 64 lần chiếc máy bay cường kích và 6 chiếc B52 không kích cầu Hàm Rồng và sân bay Thọ Xuân (căn cứ không quân của ta) và từ ngày 16/4 Mỹ đánh phá Hải Phòng.

Tới đêm ngày 21/4 Mỹ điều động 30 máy bay B52 đánh phá khu vực cầu Hàm Rồng, (Thanh Hóa)…

Ông Giang kể lại, thời ấy các loại ra đa của pháo cao xạ, tên lửa của ta chủ yếu là do Liên Xô sản xuất và quân đội Mỹ cũng đã nắm được tính năng kỹ thuật của các loại khí tài này. Vì vậy chúng hoàn toàn “tự tin” vào khả năng gây nhiễu của B52 nhằm “bịt mắt” ra đa của quân đội ta.

Ngay trong đêm 21/4, máy bay B52 cùng rất nhiều máy bay tiêm kích và máy bay gây nhiễu sóng ra đa của Mỹ đánh phá cầu Hàm Rồng, sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa). Nhưng điều chúng không ngờ là Việt Nam có một loại máy ra đa mang tên K860 trang bị cho pháo cao xạ 57 ly do Đại đội C4 của Trung đoàn 228 Hàm Rồng sử dụng lại có thế phá nhiễu sóng và lần ra được “pháo đài bay” B52 của chúng.

Ngay sau khi nghe tin Hàm Rồng bị B52 ném bom và thông tin ra đa K860 của pháo cao xạ 57 ly có thể phát hiện được B52, bắt sóng chính xác mục tiêu, Quân chủng Phòng không-Không quân đã thu thập kinh nghiệm kĩ thuật này để cho binh chủng tên lửa phòng không chuẩn bị sẵn sàng ứng phó nếu Mỹ đem B52 đánh Hà Nội, Hải Phòng.

Tháng 12/1972, Mỹ điên cuồng tiếp tục chiến dịch Linebacker 2 bằng việc ồ ạt đưa con “át chủ bài” B52 ném bom miền Bắc nhằm khuất phục nhân dân ta.

Vì đã có kinh nghiệm đánh B52 từ khắp các chiến trường trước đây (bộ đội phòng không, không quân còn biên soạn cuốn cẩm nang đánh B52), lực lượng ra đa tên lửa của ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Khi đó đồng chí Phan Thu, kỹ thuật viên, đã tiếp thu được kinh nghiệm dùng máy ra đa K860 mà Đại đội C4 đã cải tiến để dẫn đường cho tên lửa bắn chính xác mục tiêu B52 khi bay vào vùng trời Hà Nội cũng như ở một số tỉnh thành phố khác.

19h10 tối 18/12/1972, Đại đội ra đa 45, Trung đoàn 291 thông báo sớm 35 phút trước khi B52 vào đánh phá Hà Nội. Đây là khoảng thời gian vô cùng quý giá để quân, dân, đặc biệt là các tiểu đoàn tên lửa ở các thành phố lớn ở miền Bắc chủ động đánh trả B52.

Lúc 20h13, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 đã tiêu diệt chiếc pháo đài bay đầu tiên ở cánh đồng Chuôm (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).  Và kết thúc ngày chiến đấu đầu tiên (ngày 18/12), bộ đội tên lửa đã bắn rơi 3 máy bay B52. Sau 12 ngày của trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972, 34 chiếc B52 trong tổng số 81 máy bay bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng… đã khiến Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom bằng B52 ở miền Bắc Việt Nam.

Có thể nói chiến thắng của 12 ngày đêm “Điên Biên Phủ” trên không là sự thắng lợi của tinh thần đoàn kết và hiệp đồng tác chiến của quân, dân ta mà đặc biệt phải kể tới các binh chủng không quân, tên lửa, cao xạ…

Trong đó, những bài học kinh nghiệm phá nhiễu sóng máy bay B52 của những người lính ra đa pháo cao xạ 57 ly, Trung đoàn 228 Hàm Rồng anh hùng trong đó có trắc thủ Lê Xuân Giang, đã góp một phần quan trọng làm nên chiến thắng…

Sao Chi