In bài viết

Những triển vọng đầu tư tại Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Hãng kiểm toán và tư vấn Grant Thornton vừa công bố kết quả khảo sát về xu hướng đầu tư tư nhân ở Việt Nam, theo đó, 86% ý kiến phản hồi kỳ vọng rằng hoạt động đầu tư sẽ tăng trong vòng 12 tháng tới.

20/03/2016 18:21

Trong cuộc khảo sát này, ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống (F&B) đang được xem là những ngành hấp dẫn nhất của đầu tư tư nhân.

Cụ thể, 86% ý kiến phản hồi dự báo mức độ đầu tư sẽ tăng trong 12 tháng tới. Mặc dù kết quả không thay đổi so với quý 2/2015 song số người có nhận định đã tăng từ 7% đến 11%.

Triển vọng tích cực này có được do nhiều cải thiện đã thực hiện trong thời gian qua, bao gồm những thay đổi quan trọng về pháp lý là khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng của Chính phủ và tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty niêm yết, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đặc biệt, với hai hiệp định thương mại này, theo đánh giá của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Việt Nam là nước đứng thứ 2 trong số các thành viên AEC và đứng đầu trong số các thành viên TPP về khả năng nhận được thêm các khoản đầu tư sau khi ký kết.

Liên quan đến hiệp định AEC, Việt Nam kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn trên cơ sở là AEC sẽ loại bỏ các hàng rào phi thuế quan, giảm thuế đến 0% đối với trên 90% các mặt hàng hiện đang chịu thuế, và mức giảm sẽ còn được tiếp tục đối với những mặt hàng khác từ nay đến năm 2018. Liên quan đến TPP, việc tham gia sẽ giúp Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như làm tăng khối lượng thương mại với các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Về mức độ hấp dẫn đầu tư của Việt Nam so với các nước láng giềng khác, Việt Nam được xếp thứ 2 với 25% ý kiến từ những người tham gia khảo sát. Vị trí hàng đầu vẫn thuộc về Myanmar, đất nước vẫn được coi là điểm đến đầu tư mới.

Thứ hạng này cũng tương đồng với kết quả Khảo sát triển vọng kinh doanh Đông Nam Á năm 2016 được thực hiện bởi Phòng Thương mại Hoa Kỳ. Theo đó, đối với Việt Nam, triển vọng tích cực cho việc thu hút đầu tư là do có nguồn lực lao động chi phí thấp, an ninh cho các công dân cùng sự ổn định của hệ thống chính trị và Chính phủ điều hành. Trong báo cáo khảo sát này, Việt Nam đứng thứ 3, trong khi Myanmar và Indonesia lần lượt đứng thứ nhất và thứ hai.

Công Trí