In bài viết

Những tuyên bố của Trung Quốc là “lố bịch”

(Chinhphu.vn) - Một quan chức cấp cao Mỹ tại Washington đã phản bác tuyên bố của Trung Quốc rằng “Trung Quốc không bao giờ điều các lực lượng quân sự đến khu vực diễn ra cuộc tranh chấp với Việt Nam liên quan đến giàn khoan dầu Hải Dương-981 ở Biển Đông” và nói rằng tuyên bố này "rõ ràng là lố bịch", hãng tin Anh Reuter đưa tin.

15/06/2014 10:53
Trước đó, ngày 13/6, Vụ phó Vụ Biên giới và Hải đảo thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Dịch Tiên Lương, nói rằng Bắc Kinh không bao giờ điều các lực lượng quân sự đến khu vực diễn ra cuộc tranh chấp ngày càng quyết liệt với Việt Nam liên quan đến giàn khoan Hải Dương-981 ở Biển Đông và cáo buộc Hà Nội tìm cách xúc tiến một vụ kiện quốc tế.

Quan chức Mỹ nói trên cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng không quân, hải quân và các phương tiện của lực lượng hải cảnh để “hăm dọa các nước khác”.

Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc đã duy trì sự hiện diện quân sự lớn mạnh và liên tục gần giàn khoan dầu kể từ ngày 2/5 khi họ hạ đặt giàn khoan này, trong đó có máy bay trực thăng và chiến đấu cơ quần thảo phía trên và xung quanh giàn khoan.

Hiện nay có nhiều tàu quân sự có mặt ở khu vực gần giàn khoan”. Quan chức trên cũng cho biết thêm rằng ngày nào cũng có tàu chiến của hải quân Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với Philippines.

* Tờ The Diplomat – một tờ báo chuyên bình luận các vấn đề quốc tế rất có uy tín, xuất bản ở Nhật Bản, mới đây đã đăng một bài phân tích về chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc xung quanh sự căng thẳng ở Biển Đông do hành động hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc gây ra.

Bài bình luận này chỉ ra rằng Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ quốc tế, nhưng những lời của họ đều là lừa dối và không đánh lừa được ai.

Bài báo viết: Đã hơn một tháng kể từ khi giàn khoan dầu của Trung Quốc được hạ đặt trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự việc đã gây ra tình hình căng thẳng trên Biển Đông.

Việt Nam đã làm việc này kể từ khi căng thẳng bắt đầu với việc công bố clip tàu Trung Quốc đâm vào tàu của mình. Các nhà lãnh đạo Việt Nam mà đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế “tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi vi phạm luật biển quốc tế”.

Trong một tháng qua, Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc của Việt Nam trong các cuộc họp báo thường xuyên của Bộ Ngoại giao và các phương tiện truyền thông. Mặt khác Trung Quốc cũng đang tích cực tiến hành các chiến dịch tuyên truyền để giành sự ủng hộ của dư luận quốc tế.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gửi lên LHQ một tài liệu tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và vu cho Việt Nam là người chủ động khiêu khích. Đây có thể là một phản ứng trực tiếp đối với những nỗ lực đưa căng thẳng Biển Đông ra cộng đồng quốc tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc không có nghĩa là nhằm thay đổi được dư luận. Bắc Kinh cũng nhận thức rằng nhiều nước lớn trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ không bị ảnh hưởng bởi các lập luận của Trung Quốc.

Không thể diễn giải Công thư 1958 theo cách Trung Quốc

Tiếp tục mổ xẻ luận điệu của Trung Quốc bám vào Công thư 1958 để bịa ra việc Việt Nam thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine (Mỹ) đã bác bỏ cách diễn giải hòng giành lấy chủ quyền về dư luận theo cách Trung Quốc đang làm.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long  nói: “Ông Phạm Văn Đồng không bao giờ tuyên bố bỏ Hoàng Sa, không bao giờ nói chịu nhượng bộ bất cứ đảo nào của Việt Nam, bất cứ đâu. Ông Phạm Văn Đồng chỉ đồng ý theo yêu cầu của ông Chu Ân Lai rằng, lãnh hải có 12 dặm bởi vì quốc tế lúc đó nói lãnh hải chỉ có 3 dặm thôi. Ông Đồng đồng ý vấn đề đó, không có nghĩa là hiến cả Hoàng Sa cho Trung Quốc”.

Công thư cho thấy một sự cam kết mang tính chính trị nhiều hơn pháp lý, một hình thức thường được các nước xã hội chủ nghĩa sử dụng để thể hiện sự đoàn kết về mặt tư tưởng.

Mặt khác, phù hợp với nguyên tắc theo đó “các hạn chế sự độc lập không thể suy diễn”, sự từ bỏ phải được nói rõ và không được suy diễn. Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không chứa đựng bất kỳ sự từ bỏ rõ ràng nào chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cần phải tuân thủ Luật pháp quốc tế

Luật pháp quốc tế phải là cách tiếp cận chủ đạo trong việc quản lý tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông - đó là ý kiến chung của đa số học giả tham dự cuộc Hội thảo về quan hệ Mỹ - Nhật Bản và Đông Nam Á lần thứ ba, được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), trong hai ngày 12 và 13/6 vừa qua.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều học giả từ các viện nghiên cứu chủ chốt của Mỹ, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Mục đích chính của Hội thảo là xem xét và đánh giá toàn diện các diễn biến an ninh mới trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, từ đó đưa ra các đề xuất chính sách cho lãnh đạo các nước liên quan, nhằm đảm bảo tốt hơn môi trường an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực. 

Tại Hội thảo, nhiều học giả bày tỏ sự lo ngại đặc biệt trước các diễn biến an ninh mới ở Đông Nam Á, đặc biệt là thái độ và hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong việc xử lý tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng; việc phớt lờ các quy tắc và luật pháp quốc tế, đe dọa sử dụng vũ lực… đang khiến các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc về các nguy cơ bất ổn tiềm tàng đối với an ninh khu vực.

Điều này không chỉ đòi hỏi ASEAN cần phải có sự thống nhất và đoàn kết hơn, các cơ chế hợp tác trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm cần được củng cố. Ngoài các yếu tố nội lực, sự hỗ trợ và tiếp tục tăng cường hợp tác về mọi mặt giữa ASEAN với Mỹ, Nhật Bản được xem là yếu tố quan trọng, giúp cân bằng lại sự trỗi dậy hiếu chiến của Trung Quốc và là tác nhân quan trọng đảm bảo hòa bình, ổn định lâu dài trong khu vực.

Linh Nguyễn (tổng hợp)