Con người bắt đầu thuần dưỡng ngựa vào khoảng 4000-4500 TCN, và ngựa đã được nuôi phổ biến ở châu Âu vào khoảng 3000 TCN-2000 TCN.
So với bò, trâu, lợn... ngựa là loài cho thịt có lượng đạm, chất sắt và vitamin cao nhất. Theo Đông y, thịt ngựa, xương ngựa, sữa ngựa, răng ngựa, phân ngựa, sỏi trong dạ dày hay túi mật ngựa, gan, phổi và máu ngựa đều là những vị thuốc quý.
Thịt ngựa chữa gân xương yếu, chứng xương cốt yếu liệt, tê bại và nhiệt khí, tiêu hóa kém, chốc lở và rụng tóc. Ăn thịt ngựa, trẻ em cứng cáp, nhanh nhẹn; thanh niên vạm vỡ cường tráng; người già không bị đau nhức xương và sống lâu. Không dùng thịt ngựa cho người bị hạ lỵ; không nấu thịt ngựa với ké đầu ngựa (thương nhĩ tử), hoặc với gừng.
Mã nhũ (sữa ngựa) có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ huyết, nhuận táo, thanh nhiệt, chỉ khát; chữa huyết hư, phiền nhiệt, cốt chưng, chỉ khát.
Sữa ngựa, tùy theo cách dùng mà có công dụng trị bệnh khác nhau.
Cụ thể, sữa ngựa tươi thêm ít đường, đun sôi: Là thuốc bổ sinh huyết, dễ tiêu, chữa ho… dùng cho người bị lao phổi hoặc mắc bệnh mạn tính. Sữa ngựa chua: Là nước giải khát tăng lực, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt, góp phần làm hưng phấn thần kinh khi mệt mỏi, chữa các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, sinh dục và nhiều loại bệnh ngoài da. Rượu sữa ngựa có nồng độ cồn thấp, dùng để bồi dưỡng, làm giảm béo, chữa thiếu máu và phục hồi sức khỏe với người bị lao phổi.
Mã cốt (xương ngựa) có vị ngọt, bổ dưỡng, ích khí, mạnh gân xương; thường dùng dưới dạng cao. Không dùng rượu cao ngựa cho trẻ em; khi dùng kiêng các chất tanh: tôm, cua, cá, chất cay, nước chè đặc, đậu xanh, rau muống.
Bạch mã âm kinh (dương vật ngựa) có vị ngọt mặn, tính ôn; tác dụng bổ thận ích khí. Dùng cho người suy nhược gầy gò, ốm yếu, liệt dương, tinh suy. Không dùng cho người âm hư hỏa vượng.
Mã bảo (sỏi trong dạ dày hay túi mật ngựa) có vị mặn, tính lạnh; có tác dụng trấn kinh hóa đờm, thanh nhiệt giải độc. Trị các chứng kinh giản điên cuồng, đàm nhiệt nội thịnh, thần trí hôn mê, nôn ra máu, chảy máu cam, mất ngủ do thần kinh, ho do co thắt.
Cao xương ngựa |
Cao ngựa được nấu từ bộ xương sau khi đã luộc, lọc hết thịt, mỡ, tủy, não, phơi thật khô.
Cao xương ngựa được chế biến như sau: Lấy xương ngựa đun sôi với nước trong 30 phút, rồi róc hết thịt, gân và mỡ còn dính ở xương, rửa thật sạch. Phơi xương cho trắng và hết tanh trong nắng to hoặc sấy ở nhiệt độ 50-60 độ C cho khô.
Đập vỡ xương và nạo sạch tủy, rồi ngâm với nước gừng (5 lít rượu 40 độ và 1kg gừng tươi cho 50kg xương) trong 1-2 giờ. Cho xương vào thùng nhôm, nấu với nước liên tục trong 24 giờ (luôn giữ nước ngập xương).
Lấy nước chiết lần thứ nhất lọc, cô riêng. Tiếp tục nấu để được hai nước chiết nữa. Dồn các nước chiết lại, cô nhỏ lửa và đánh đều đến khi được cao đặc. Đổ cao vào khay đã bôi dầu lạc hoặc mỡ lợn. Để nguội, cắt thành bánh, gói giấy nylon, để ở nơi khô và mát. Thông thường từ một bộ xương ngựa có thể nấu được 5-6kg cao đặc.
Có thể tận dụng xương ngựa đã nấu cao để bào chế thành bột xương theo cách làm sau: Bã xương đem rửa sạch, phơi khô, nung ở lò than đang cháy đỏ trong 15 phút. Xương nung xong trở nên nhẹ, xốp, trắng muốt như thạch cao, dễ vỡ. Cho xương đã nung vào máy xay hoặc cối giã rồi rây thành bột mịn. Đổ bột này vào nước sạch với tỷ lệ 1kg bột xương với 3 lít nước. Đun sôi trong một giờ. Để nguội, gạn lấy bột đem phơi hoặc sấy khô. Rây lại cho bột thật mịn. Đóng gói kín, tránh ẩm.
Theo sách y học cổ truyền “Nam dược thần hiệu” của danh y Tuệ Tĩnh, xương ngựa nấu thành cao dùng để chữa thể suy nhược ở người vừa mới ốm dậy và phụ nữ sau khi sinh, đau nhức gân xương, kinh nguyệt không đều rất hiệu quả.
Với những người lao động nặng nhọc, người cao tuổi gầy yếu, suy kiệt sức khỏe, dùng cao ngựa sẽ ăn ngon miệng, dễ ngủ và ngủ say, dễ tiêu hóa, khắc phục được bệnh táo bón. Bị bệnh viêm tá tràng kinh niên, ăn uống kém, dễ bị đi lỏng, đi kiết… dùng cao ngựa sẽ khỏi bệnh.
Sở dĩ cao xương ngựa có các tác dụng trên là do xương ngựa rất giàu calcium, là nguồn bổ sung chất vôi cho cơ thể; chất keratin cùng với gelatin khi thủy phân cho nhiều acid amin cần thiết giúp duy trì và phát triển tế bào. Do đó, dược liệu được dùng chữa cơ thể suy nhược ở người mới ốm dậy, người cao tuổi, phụ nữ sau khi sinh, trẻ em còi xương, xanh xao, biếng ăn.
Cao còn chữa loãng xương, táo bón, viêm tá tràng, tiêu chảy, kiết lỵ. Liều dùng hằng ngày: 5-10g cao (cho người lớn), 3-5g (cho trẻ em tùy tuổi). Dạng dùng thông thường là thái cao thành miếng ăn trực tiếp hoặc trộn với cháo nóng mà ăn. Có thể trộn cao với mật ong (1 thìa) hấp cách thủy hoặc ngâm cao (100g) trong một lít rượu 40 độ để càng lâu càng tốt, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần một chén nhỏ. Không dùng rượu cao ngựa cho trẻ em.
Bột bã xương ngựa cũng là thuốc bổ, mạnh gân xương và chữa được bệnh đau dạ dày thừa vị toan và tiêu chảy.
Khi dùng, kiêng các chất tanh như tôm, cua, cá; chất cay (tỏi, ớt, hạt tiêu); nước chè đặc, đậu xanh, rau muống, măng.
BS. Nguyễn Thanh Ngọc