Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915-01/7/2025)
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc Báo Nhân Dân. Ảnh tư liệu
Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, không khí đổi mới bắt đầu len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật" đã được xác lập, nhưng để biến tinh thần ấy thành hành động cụ thể là cả một cuộc vật lộn cam go. Trước đó, một "sự im lặng đáng sợ" đã bao trùm lên đời sống xã hội. Đó không chỉ là sự im lặng của những người dân thấp cổ bé họng không dám lên tiếng trước sai trái, mà còn là sự im lặng của cả những cán bộ, đảng viên chân chính nhưng ngại va chạm, là sự im lặng của các cơ quan công quyền trước những kiến nghị, bức xúc của quần chúng. Tiêu cực được coi là "vùng cấm", là chuyện nhạy cảm, dễ bị quy chụp là "bôi nhọ chế độ". Sự im lặng đó đã dung dưỡng cho thói quan liêu, cửa quyền, tham ô, lãng phí ngày càng lan rộng, trở thành những "vật cản nặng nề" bào mòn lòng tin của nhân dân.
Giữa bối cảnh đó, ngày 25 tháng 5 năm 1987, loạt bài "Những việc cần làm ngay" của đồng chí N.V.L. xuất hiện như một "phát súng hiệu" có chủ đích, trực diện phá vỡ bầu không khí ngột ngạt ấy. Điều làm nên sức công phá của "Những việc cần làm ngay" không nằm ở những lý luận cao siêu, mà ở phương pháp tiếp cận vô cùng đặc biệt. Tác giả N.V.L. không phê phán chung chung, không hô hào khẩu hiệu. Ông dùng những "viên đạn bọc đồng" bắn thẳng vào những mục tiêu cụ thể.
Mỗi bài viết là một lát cắt chân thực đến đau xót về thực trạng xã hội. Đó là vụ 360 tấn tỏi khô trị giá hàng chục triệu đồng (thời giá 1987) bị bỏ mặc cho ẩm mốc, hư hỏng ở Kho lạnh Bến Bính (Hải Phòng) chỉ vì thái độ tắc trách, vô cảm. Đó là sự phi lý đến kinh ngạc khi một tấn xăng máy bay từ lúc nhập cảng về đến sân bay Nội Bài phải đi qua tám cửa trung gian, khiến giá bị đội lên gấp bốn lần, vạch trần một cơ chế quản lý nhiêu khê, cồng kềnh, là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực nảy sinh. Đó là những cán bộ thuế vụ ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, cấu kết với các hộ kinh doanh lớn để nhận hối lộ, làm thất thu ngân sách hàng trăm triệu đồng.
Điểm sắc bén nhất, mang tính cách mạng nhất trong các bài viết của đồng chí N.V.L. chính là yêu cầu về trách nhiệm và tính công khai. Ông không chỉ nêu vụ việc mà còn đặt ra những câu hỏi không thể né tránh: "Ai chịu trách nhiệm về việc này?", "Các đồng chí lãnh đạo có biết việc này không?". Và đỉnh điểm là mệnh lệnh dứt khoát: các cơ quan liên quan "phải có biện pháp xử lý kịp thời và trả lời trước công luận", phải "nói cho dân biết, dân nghe". Đây chính là đòn quyết định đánh vào thành trì im lặng, buộc các "công bộc" phải đối diện với người chủ thực sự của đất nước là nhân dân, chấm dứt tình trạng "hòa cả làng" hay xử lý nội bộ cho qua chuyện.
Ngọn bút của tác giả N.V.L. đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén, thực hiện đúng chức năng giám sát và đấu tranh của báo chí cách mạng. Ông yêu cầu: "Các cơ quan tuyên truyền (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, v.v...) phải phản ánh và lên án, phải chỉ đích danh những cá nhân, những cơ quan, những tổ chức... làm các việc trái với chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2". Từ đó để "Gây một luồng dư luận lên án bọn phá hoại và đừng loan truyền tin bậy của chúng. Quần chúng phải có phong trào lên án ngay cả một số cán bộ, cơ quan làm bậy".
Theo đồng chí N.V.L, báo chí không chỉ là "diễn đàn của Đảng và Chính phủ và của một số cán bộ viết báo" mà còn phải là "diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân". "Vai trò của nhà báo là đem ánh sáng trong lành tỏa rộng ra, đẩy lùi, thu hẹp và xóa dần bóng tối". Không chỉ báo chí, đồng chí N.V.L còn yêu cầu "Các cơ quan pháp luật phải lôi các vụ việc làm sai trái lớn để nghiêm trị và kết quả thế nào phải đưa rõ lên các cơ quan ngôn luận cho nhân dân biết".
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ, nói chuyện với nông dân HTX Tùng Phong, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Nghệ Tĩnh (23-27/5/1990). Ảnh tư liệu
"Những việc cần làm ngay" đã chạm vào những vấn đề căn cốt của xã hội với tinh thần quyết tâm cao nhất, không thể chậm trễ hơn nữa đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của quần chúng nhân dân chính là luồng gió mạnh mẽ thổi bùng lên thành một ngọn đuốc rực sáng. Ngay sau những bài báo đầu tiên, một làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ, một sự bùng nổ của dư luận xã hội đã diễn ra trên khắp cả nước. Tòa soạn báo Nhân Dân và các cơ quan báo chí khác đã nhận được hàng vạn lá thư, điện tín, bài viết của cán bộ, đảng viên và người dân từ mọi miền Tổ quốc. Họ không chỉ bày tỏ sự đồng tình, phấn khởi khi những "ung nhọt" bấy lâu được chỉ thẳng, vạch trần mà còn tích cực cung cấp thêm hàng nghìn thông tin, vụ việc tiêu cực khác, với một niềm tin rằng tiếng nói của mình sẽ được lắng nghe.
Sức mạnh của phong trào không chỉ đến từ sự dũng cảm của một cá nhân, mà đến từ sự cộng hưởng kỳ diệu khi ý Đảng đã hòa quyện với lòng dân. Ý Đảng ở đây không phải là những nghị quyết chung chung nằm trên giấy, mà là quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng, trực tiếp cầm bút, trực tiếp đối thoại với nhân dân. Tổng Bí thư đã không ngồi trong phòng kín để chỉ đạo, mà đã đứng về phía nhân dân, dùng tiếng nói của nhân dân để đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong chính bộ máy của Đảng và Nhà nước. Hành động này đã củng cố, tăng cường niềm tin trong nhân dân, làm cho sợi dây liên kết giữa Đảng và Nhân dân càng thêm bền chặt.
Từ đó, phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã đi vào cuộc sống một cách sinh động nhất. Dân biết: Thông qua báo chí công khai, người dân được biết sự thật về những gì đang diễn ra, từ những vụ việc tiêu cực cụ thể đến chủ trương xử lý của Đảng. Dân bàn: Các diễn đàn trên báo, các cuộc họp tổ dân phố, các lá thư gửi về tòa soạn đã trở thành nơi người dân sôi nổi bàn bạc, đóng góp ý kiến, hiến kế để giải quyết vấn đề. Dân làm: Người dân trở thành những "chiến sĩ" trên mặt trận chống tiêu cực, tích cực phát hiện, cung cấp thông tin, bằng chứng, tạo nên một mạng lưới giám sát xã hội rộng khắp. Dân kiểm tra: Chính áp lực của dư luận, sự theo dõi sát sao của người dân đã buộc các cơ quan chức năng phải nghiêm túc vào cuộc điều tra, xử lý và công bố kết quả. Báo chí và nhân dân trở thành giám sát viên quyền lực, đảm bảo các vụ việc không bị "chìm xuồng".
Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí N.V.L., phong trào không chỉ dừng lại ở việc "chống" mà còn chuyển mạnh sang "xây". Bên cạnh việc phanh phui tiêu cực, báo chí đã dành nhiều dung lượng để biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt, những mô hình kinh tế hiệu quả, những cán bộ liêm chính, tận tụy. Việc "chống" và "xây" đi đôi với nhau đã tạo ra một không khí xã hội lành mạnh, vừa kiên quyết đẩy lùi cái xấu, vừa cổ vũ, nhân rộng cái tốt, hướng tới mục tiêu cuối cùng là thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Sự hòa quyện giữa quyết tâm của lãnh đạo cao nhất, của toàn Đảng và sự đồng lòng của toàn dân đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp, một động lực cách mạng to lớn, buộc những guồng máy trì trệ nhất cũng phải chuyển động.
Ngày nay, bối cảnh đất nước đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng những vấn đề mà "Những việc cần làm ngay" châm ngòi vẫn nóng hổi tính thời sự. Tinh thần và phương pháp của tác giả N.V.L. không chỉ là một di sản lịch sử, mà đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là cuộc chiến cam go chống lại "giặc nội xâm".
Sợi chỉ đỏ ấy được kế thừa và nâng lên một tầm cao mới qua các Nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Và nó được minh chứng bằng hành động quyết liệt, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và kiên trì lãnh đạo. Những "đại án" kinh tế nghiêm trọng được đưa ra ánh sáng, nhiều cán bộ cấp cao, kể cả trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã bị kỷ luật, xét xử nghiêm minh trước công lý. Điều này thể hiện một quyết tâm chính trị chưa từng có, cho thấy tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật" và "nói rõ sự thật" của tác giả N.V.L. ngày nào đã được cả hệ thống chính trị thấm nhuần và thực hiện.
Trên đà thắng lợi của cuộc chiến chống tham nhũng, tinh thần "Những việc cần làm ngay" lại tiếp tục được vận dụng để mở ra một mặt trận mới, cấp bách không kém: chống lãng phí. Kế thừa và phát huy di sản của những người tiền nhiệm, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ lãng phí chính là một dạng tiêu cực, một "quốc nạn" đang bào mòn nguồn lực quốc gia. Trong bài viết "Chống lãng phí", ông đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ khi phân tích: lãng phí "gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước".
Lời khẳng định đanh thép của người đứng đầu Đảng: "để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực" chính là sự tiếp nối trực tiếp ngọn lửa mà tác giả N.V.L. đã thắp lên. Nó cho thấy cuộc đấu tranh hôm nay không chỉ dừng lại ở việc trừng trị những kẻ tham ô, nhận hối lộ, mà còn phải quyết liệt loại bỏ cả những hành vi vô trách nhiệm, những cơ chế cồng kềnh gây thất thoát, hao tổn tài sản của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước.
Gần bốn thập kỷ đã trôi qua, chuyên mục "Những việc cần làm ngay" đã trở thành một di sản quý báu trong lịch sử báo chí cách mạng và trong công tác xây dựng Đảng. Nó không chỉ là một loạt bài báo, mà đã trở thành một phương pháp luận, một triết lý hành động: nói thẳng, nói thật, dựa vào dân, hành động quyết liệt và có trách nhiệm đến cùng. Ngọn lửa mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thắp lên năm xưa vẫn đang rực cháy, soi đường cho chúng ta trong cuộc đấu tranh đầy thách thức và cam go hôm nay, để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, đưa dân tộc vững bước trên con đường hùng cường, thịnh vượng.
Chu Văn Khánh