In bài viết

Niềm tin của những người làm du lịch

(Chinhphu.vn) - Sự phục hồi của du lịch miền Trung thời gian gần đây đã đem lại niềm tin cho những người làm du lịch tiếp tục nỗ lực vượt khó sau 1 năm chịu ảnh hưởng nặng nề sự cố môi trường biển.

08/05/2017 11:02

Theo Sở VHTT&DL Hà Tĩnh, lượng khách du lịch đến các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5/2017 trên địa bàn tăng 173% so với cùng kỳ 2016.

Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Tổ quốc về sự khởi sắc trở lại của ngành du lịch 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế), nhất là du lịch biển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết chắc hẳn ai cũng sẽ bất ngờ về sự hồi phục nhanh chóng của du lịch biển miền Trung ngày hôm nay.

Hiệu quả của chính sách hỗ trợ, nỗ lực của doanh nghiệp

Sự phục hồi của du lịch miền Trung, theo ông Ngô Hoài Chung, trước hết là do Bộ TN&MT đã công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng về môi trường biển miền Trung đã an toàn trở lại. Đây là cơ sở khoa học để du khách yên tâm và những người làm du lịch tổ chức khai thác thế mạnh du lịch biển miền Trung như vốn có.

Thứ hai, việc du khách trở lại miền Trung còn cho thấy việc hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương đã phát huy hiệu quả ngay từ sau khi xảy ra sự cố môi trường biển.

Bên cạnh đó, các tỉnh miền Trung vẫn xác định đây là một trong những thế mạnh của kinh tế, từ đó tập trung chỉ đạo ngành du lịch phát huy thế mạnh trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch để vừa phục hồi du lịch sau sự cố môi trường biển, vừa phát huy thế mạnh của miền Trung.

Để có được kết quả này còn là nỗ lực lớn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp  du lịch đã tìm mọi cách duy trì sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, từ đó tạo niềm tin cho du khách.

Nhờ đó, du khách tìm lại được niềm tin, ngành du lịch nói riêng vững bước trong việc kéo du khách về miền Trung.

Du khách đến vùng biển Bảo Ninh (Quảng Bình) dịp 30/4-1/5. Ảnh: Báo Quảng Bình

Vấn đề mấu chốt

Khác với cách đây 1 năm, giờ đây, khi các giải pháp, hoạt động hỗ trợ dường như không còn nổi bật trên các phương tiện truyền thông như trước, nhưng đông đảo du khách vẫn đến với miền Trung thì mấu chốt để khách trở lại miền Trung là chúng ta đã nâng cao trách nhiệm với du khách. Đó là trách nhiệm bảo vệ du khách, tạo môi trường thuận lợi nhất để du khách được thụ hưởng sản phẩm du lịch tốt nhất. Vì nếu môi trường chưa thực sự an toàn, chưa tốt thì chúng ta cũng không có quyền khuyến khích và mời khách đến những điểm như vậy.

Cùng với đó, việc xây dựng sản phẩm và quảng bá xúc tiến du lịch được tiến hành bài bản, hiệu quả.

Việc du khách trở lại với du lịch biển miền Trung phải đáp ứng hài hòa hai yếu tố như trên thì chúng ta mới có thể nói du lịch miền Trung đang trở lại phong độ của mình.

Qua báo cáo của 4 tỉnh miền Trung, trong 4 tháng đầu năm, lượng khách đến miền Trung tăng 2-3% so cùng kỳ 2016. Trong đó, lượng khách quốc tế đến Huế tăng 11-12%, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, tỉ lệ khách nội địa đều cao hơn cùng kỳ năm 2016.

Bài học lớn

Theo ông Ngô Hoài Chung, để du lịch miền Trung khởi sắc trở lại như hiện nay và tiếp tục phát triển thì bài học về phát huy nội lực vượt khó và phối hợp liên ngành trong xử lý khủng hoảng là bài học kinh nghiệm hàng đầu.

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Chính vì tính chất đặc thù đó nên ngành du lịch rất nhạy cảm với những biến động về xã hội, thời tiết, dịch bệnh, môi trường vì nó ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức đến du lịch.

Điều này ta thấy rõ trong sự cố môi trường biển miền Trung từ tháng 4/2016.

Khi du lịch bị ảnh hưởng thì trước hết việc làm, doanh thu, thu nhập của ngành, của người làm du lịch bị giảm sút.

Các điểm đến, các cửa hàng ăn uống, mua sắm không có khách. Các ngành phục vụ du lịch từ nông nghiệp, ngư nghiệp, dịch vụ ăn uống, lưu trú đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc phục hồi dù mới chỉ là bước đầu nhưng đã chứng tỏ nỗ lực của chúng ta trong 1 năm vừa qua, từ vai trò chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành, và sự vào cuộc của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong thời gian gần đây. Vì vậy, bài học về phát huy nội lực khắc phục khó khăn và phối hợp liên ngành trong xử lý khủng hoảng là rất thời sự.

Du khách tới biển Thuận An dịp 1/5/2017. Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế

Để tiếp sức cho du lịch miền Trung nói riêng, trong chương trình hành động quốc gia về du lịch năm 2017 của Bộ VHTT&DL, việc hỗ trợ du lịch miền Trung phục hồi trở lại là một trong những ưu tiên của ngành. Trong đó, có một số giải pháp nổi bật như: Tiếp tục tổ chức các đoàn fam đưa các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan truyền thông, báo chí về với miền Trung để khảo sát, đánh giá, tìm hiểu cơ hội đầu tư, xây dựng sản phẩm mới; tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp du lịch, xác định và tạo điều kiện phát huy thế mạnh du lịch miền Trung; hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở cả lĩnh vực lữ hành, khách sạn.

Thông qua các hội chợ du lịch quốc tế, e-marketing, chương trình quảng bá…, ngành du lịch sẽ giới thiệu du lịch Việt Nam nói chung, du lịch miền Trung nói riêng với du khách nước ngoài để kéo họ đến miền Trung…

Với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nói trên, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp các ngành, sự quan tâm của cả nước, chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin rằng du lịch miền Trung không chỉ phục hồi như thời kỳ trước mà còn phát triển mạnh mẽ hơn./.