In bài viết

'Khu bảy' giờ đã khác

(Chinhphu.vn) - Sống trong ngôi nhà mới khang trang, vững chãi trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào Cơ Tu ở xã Ch'ơm (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) không còn nơm nớp lo sợ sạt lở đất đá hay lũ quét khi đến mùa mưa bão. Nói về một Ch'ơm nay đã đổi khác rất nhiều so với xưa kia, già làng A Lăng Nhến xúc động: "Nằm mơ cũng không nghĩ diện mạo Ch'ơm khác đến thế..."

09/02/2024 09:49
'Khu bảy' giờ đã khác- Ảnh 1.

Chị Bling Thị Đinh dọn dẹp, trang trí lại bàn thờ Bác Hồ và tổ tiên, đón Tết trong ngôi nhà mới - Ảnh: VGP/Minh Trang

Nằm mơ cũng không nghĩ đến...

Để đến với bà con xã Ch'ơm, chúng tôi vượt qua quãng đường gần 200 km từ Đà Nẵng, với nhiều đoạn uốn lượn quanh co như tấm lụa mềm vắt qua thân núi. Đây là một trong 4 xã vùng cao, biên giới của huyện Tây Giang giáp với nước bạn Lào, là nơi "thâm sơn cùng cốc", là "khu bảy" vì đi 7 ngày mới tới trung tâm huyện. Nhưng bây giờ, với chính sách đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với vùng miền núi, Ch'ơm đã khoác lên mình tấm áo mới, cuộc sống của người dân nơi đây đã đổi thay rất nhiều.

Trước đây, hầu hết các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tây Giang với tập quán du canh, du cư đều sinh sống ở lưng chừng núi, hay trên đồi cao, thì giờ họ được bố trí vào các khu tái định cư có địa hình bằng phẳng, không còn nơm nớp lo sợ sạt lở đất đá hay lũ quét khi đến mùa mưa bão.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Riah Nhốp đúng lúc cả nhà đang tất bật kê dọn trong ngôi nhà mới thơm mùi gỗ, trang trí bàn thờ Bác Hồ để chuẩn bị đón Tết Giáp Thìn. Tết này là năm đầu tiên gia đình anh Nhốp chuyển về nhà mới tại khu tái định cư tập trung, nhờ chính sách sắp xếp, ổn định dân cư các huyện miền núi, cùng nhiều chương trình lồng ghép.

'Khu bảy' giờ đã khác- Ảnh 2.

Sắc xuân về trên thôn bản xã Ch'ơm - Ảnh: VGP/Minh Trang

Vừa sắp xếp đồ đạc, anh Nhốp vừa kể: "Ngôi nhà cũ của gia đình tôi cách đây vài trăm mét, trên một sườn núi, đi lại rất khó khăn. Tôi vẫn chưa thể quên, vào một đêm năm 2018, khi cả nhà đang ngủ thì xảy ra sạt lở khiến những tảng đá to lăn từ trên núi lăn xuống. Rất may đá không rơi trúng nhà".

Anh Nhốp cho hay, gia đình luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu mỗi mùa mưa bão, nhưng không biết chuyển nhà đi đâu, vì nơi nào cũng là đồi núi. Tuy nhiên, vừa qua Nhà nước đã bố trí mặt bằng, quan tâm hỗ trợ nguồn lực và bộ đội tích cực chung tay hỗ trợ người dân cất lên ngôi nhà mới khang trang này. "Sau này chúng tôi không còn lo sạt lở nữa, mừng lắm", anh Nhốp bày tỏ.

Chăm chút trang hoàng bàn thờ Bác Hồ, chị Bling Thị Đinh, vợ anh Nhốp phấn khởi nói: "Tết năm nay chúng tôi rất vui vì được chuyển về khu tập trung, không còn ở xa rải rác như trước. Bà con cũng đã chuẩn bị cho ngày hội sinh hoạt cộng đồng, múa hát, làm lễ cúng ở nhà Gươl trong ngày đầu năm mới, rồi đến chúc Tết từng nhà trong thôn. Chỉ nghĩ đến thôi cũng đã háo hức, mong chờ đến Tết lắm rồi".

Nói về một Ch'ơm nay đã đổi khác rất nhiều so với xưa kia, già làng A Lăng Nhến xúc động: "Nằm mơ cũng không nghĩ diện mạo Ch'ơm khác đến thế. Cũng có ngày ở đây có điện thắp sáng, có đường đi lại, nhà nhà gần bên nhau an toàn hơn. Đúng là 'khu bảy' giờ đã khác quá nhiều rồi!".

'Khu bảy' giờ đã khác- Ảnh 3.

Các hộ dân được bố trí mặt bằng tập trung, gồm 1 nhà Gươl ở vị trí trung tâm thôn và các hộ dân xung quanh - Ảnh: VGP/Minh Trang

Ông Nguyễn Hải, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ch'ơm cho biết, trước kia bà con sống rải rác trên các sườn đồi, mùa mưa đi lại rất khó khăn và nguy hiểm, mưa chỉ có thể đi bộ. Triển khai Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh Quảng Nam và nhiều chương trình mục tiêu quốc gia lồng ghép, năm nay xã có hơn 150 hộ dân được bố trí mặt bằng và xây nhà. Tết này nhiều hộ dân phấn khởi đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang.

Trong đó, các hộ dân ở một số thôn, như Cha'Nốc, Cha'Lăng đã vào ở ổn định, hơn 70 hộ dân thôn A Tu 1 mới vào 2 tháng nay, đang hoàn thiện nhà bếp và nhà Gươl. Xã cũng đang huy động đoàn viên, bà con chuyển vật liệu xây nhà, đóng góp ngày công xây dựng. Thôn A Tu 1 là thôn rất khó khăn giáp biên giới Lào, có một số đoạn chưa có đường bê tông. Cùng với xây nhà mới tại khu tái định cư, Nhà nước cũng đang đầu tư trường học, các công trình phụ đáp ứng đầy đủ đời sống sinh hoạt, cộng đồng cho bà con.

"Hy vọng sau khi có nhà mới cuộc sống của bà con tại xã sẽ ngày càng khởi sắc, 'an cư thì lạc nghiệp', có nơi ở mới an toàn thuận tiện cho đi lại buôn bán, giao thương, cuộc sống kinh tế của bà con sẽ ngày càng nâng cao hơn", ông Nguyễn Hải cho hay.

'Khu bảy' giờ đã khác- Ảnh 4.

Các hộ dân trước kia sống rải rác tại các sườn đồi nay được sắp xếp ổn định tại những địa điểm an toàn, tập trung - Ảnh: VGP/Minh Trang

Nơi ở mới tốt và an toàn hơn nơi ở cũ

70% diện tích ở Quảng Nam là đồi núi, thường xuyên hứng chịu hậu quả nặng nề do thiên tai. Năm 2020, vụ việc sạt lở đau lòng ở Trà Leng, Bắc Trà My đã gây tổn thất nặng nề về người và của. 

Sau đợt thiên tai khốc liệt, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết 23 ngày 22/7/2021 quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh và các địa phương miền núi tập trung ưu tiên bố trí, sắp xếp dân cư, cải thiện sinh kế nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội khu vực miền núi.

Đặc biệt, trong công tác sắp xếp lại dân cư thì huyện Tây Giang được coi là điểm sáng, là địa phương điển hình có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc triển khai sớm, "đi trước một bước" của Quảng Nam.

Với đặc thù miền núi cao, cư dân sống phân tán, Tây Giang đã chọn 5 bước đi là giao thông - mặt bằng - trường, trạm - ruộng, rừng - du lịch, dịch vụ làm chiến lược phát triển dài hơi. Và với tư duy, tầm nhìn xa của các thế hệ lãnh đạo, quyết sách xác định giao thông - mặt bằng dân cư là nhiệm vụ ưu tiên trước hết đang tạo nên bước ngoặc đổi thay cho huyện biên giới này. 

Năm nay cũng đánh dấu 20 năm từ khi Tây Giang thực hiện đề án sắp xếp và ổn định dân cư để phòng tránh thiên tai. Qua nhiều năm, sau những đợt thiên tai bão lũ lớn, Tây Giang hầu như không có hoặc thiệt hại rất ít về người.

'Khu bảy' giờ đã khác- Ảnh 8.

Các khu dân cư tập trung từng bước được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ người dân - Ảnh: VGP/Minh Trang

Ông Mạc Như Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, tổng số hộ đã thực hiện Nghị quyết 23 từ năm 2021-2023 đến nay là 290 hộ. Trong đó sắp xếp tập trung 134 hộ, xen ghép 156 hộ, kinh phí đã thực hiện hỗ trợ khoảng 31 tỷ đồng. Trong đó năm 2022 có nằm trong diện uy hiếp bởi thiên tai bố trí xen ghép với kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Năm 2023 có 207 hộ với kinh phí hơn 20 tỷ đồng.

Huyện Tây Giang đã lồng ghép Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh cùng các chương trình, dự án của quốc gia và địa phương để đầu tư san nền các mặt bằng dân cư tập trung và từng bước đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ người dân.

Từ năm 2021 đến nay, huyện đã đầu tư 5 mặt bằng dân cư tập trung tại các xã Tr'hy, Axan, Ch'ơm. Bình quân mỗi hộ được bố trí đất ở tối thiểu 200 m2. Quỹ đất công cộng phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu được bố trí thỏa đáng, như giao thông nội bộ, mương tiêu thoát nước mặt, điểm trường thôn và các thiết chế văn hóa.

Bên cạnh đó, UBND huyện xã hoàn thành việc đo đạc đất ở tại 6 xã, hiện đang triển khai tại 2 xã. Kế hoạch năm 2024 tiếp tục thực hiện 2 xã còn lại là Lăng, Ch'ơm và hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tại 2 xã A Vương, Dang. Từ năm 2024-2025 phấn đấu hoàn thành việc cấp sổ tại các xã còn lại trên địa bàn huyện.

"Hướng đi đúng, kết quả đạt được đã tạo sự đột phá cho huyện nhà trên các lĩnh vực khác. Kinh nghiệm sau 3 năm thực hiện chính sách bố trí, sắp xếp dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần 'định cư' cho nhân dân. Đây là điều kiện tiên quyết để Nhà nước đầu tư hoàn thiện đồng bộ kết cầu hạ tầng và một khi được ổn định chỗ ở thì nhân dân sẽ yên tâm phát triển sản xuất. Nhờ đó tỉ lệ hộ nghèo giảm tương ứng bình quân 4-5%/năm. Văn hóa làng được bảo tồn và phát huy. Tình hình an ninh trật tự, an ninh biên giới được giữ vững. Độ che phủ rừng được nâng cao và mục tiêu phát triển kinh tế bền vững từ rừng đã được huyện xác định là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025", ông Mạc Như Phương khẳng định.

'Khu bảy' giờ đã khác- Ảnh 9.

Trẻ em bé đồng bào Cơ Tu tại vùng biên giáp Lào - Ảnh: VGP/Minh Trang

Tết đã cận kề, mùa Xuân mới cũng sắp đến. Cùng với hoa đào, hoa mai khoe sắc là tiếng cười giòn tan của các em bé, là ánh mắt lấp lánh niềm vui của người lớn khi Ch'ơm đang ngày càng "thay da đổi thịt". Những con đường liên bản, trường lớp học được xây mới khang trang, điện lưới quốc gia thắp sáng thôn bản… tất cả đã tạo nên một diện mạo mới ấm no, hạnh phúc hơn cho những thế hệ hôm nay và sau này của Ch'ơm.  

Minh Trang