![]() |
Bên cạnh đối tượng tôm sú, tỉnh còn phát triển nhiều đối tượng khác như tôm chân trắng, tôm hùm...Ảnh: minh họa |
Nội dung chỉ thị cũng nhằm điều chỉnh tình trạng tự phát nuôi trồng thủy sản vẫn đang xảy ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh, có nguy cơ gây ra những tác hại xấu về môi trường, dịch bệnh ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thủy sản.
Cụ thể, tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân làm nghề nuôi trồng thủy sản phải chấp hành các quy định về quy hoạch, tuân thủ quy trình công nghệ nuôi và kế hoạch thời vụ nuôi của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra.
Đồng thời, khuyến khích người nuôi trồng thủy sản tham gia vào các tổ cộng đồng để quản lý vùng nuôi và giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu vực nuôi.
Khi có dịch bệnh xảy ra, người nuôi có trách nhiệm xử lý bệnh, không xả thải nước ra môi trường chung, phải thông báo cho cộng đồng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh và có phương án giải quyết phù hợp nhằm tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng.
UBND tỉnh Ninh Thuận giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi, đưa các công trình phục vụ nuôi tôm của các dự án vào hoạt động.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, kiểm soát sẽ được tăng cường để quản lý vùng nuôi chặt chẽ hơn. Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn để hướng dẫn xây dựng vùng nuôi an toàn, củng cố và phát triển các tổ cộng đồng tại các vùng nuôi, chuyển giao những công nghệ mới, hướng dẫn người nuôi thủy sản các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Huy Đỗ