Trước phiên họp này, đoàn công tác NHCSXH đã tổ chức khảo sát đánh giá kết quả thực hiện công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại 5 tỉnh Tây Nam Bộ (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, An Giang).
Thực tế cho thấy những bước chuyển mới về củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng đã tăng lên đáng kể so với năm 2021. Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra trong năm 2023 tại "Đề án cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2021 - 2023" (Đề án) thì vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt, cần đốc thúc cũng như tháo gỡ khó khăn để triển khai trong giai đoạn tới.
Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo tiếp tục thực hiện triển khai các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2021 - 2023 theo Đề án được phê duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích, đánh giá kết quả triển khai các giải pháp thực hiện công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng.
Ban Chỉ đạo thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả thực hiện công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng qua nhiều hình thức trực tuyến/trực tiếp với sự tham gia của chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn tồn tại và đưa ra các giải pháp phù hợp từng giai đoạn. Bên cạnh đó, bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền tập trung thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với đại dịch COVID-19 nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ kép đảm bảo an ninh, an toàn con người và tài sản.
Tại 5 chi nhánh NHCSXH thực hiện Đề án, để đạt hiệu quả, các đơn vị tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Tập trung triển khai cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; xây dựng kế hoạch tín dụng năm 2023.
Các chi nhánh cũng kịp thời rà soát, lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro đối với khoản nợ vay đủ điều kiện xử lý nợ rủi ro theo quy định. Phân tích đánh giá kết quả công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng để xác định tiến độ triển khai so với kế hoạch, nắm bắt tồn tại khó khăn, điều chỉnh các giải pháp phù hợp.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng và sự tập trung triển khai tại 5 chi nhánh NHCSXH các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, chất lượng hoạt động tín dụng tiếp tục chuyển biến tích cực. Trong đó, tổng nguồn vốn, tổng dư nợ đều tăng.
Trong năm 2022 trên địa bàn 5 tỉnh, nguồn vốn chính sách đã giúp 22.022 hộ thoát nghèo; hỗ trợ, tạo việc làm cho hơn 49.900 lao động, 382 lượt lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 6.813 HSSV được vay vốn học tập; giải ngân cho 4.429 hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập; 60 khách hàng là cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn; giúp 22 doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, trả lương ngừng việc cho trên 1.732 người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19; xây dựng gần 122.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; 439 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho 622 khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, như: Chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn một số nơi chưa đồng đều. Nợ quá hạn giảm tại một số huyện nhưng chưa thực sự bền vững…
Để tạo chuyển biến trong công tác nâng cao chất lượng, hoạt động tín dụng chính sách, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng nhấn mạnh 5 chi nhánh cần tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.
Bên cạnh việc tập trung triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng năm 2023, cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các chính sách cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả vốn vay; tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng giai đoạn 2021 -2023.
Các chi nhánh cần phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã - thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH trong quản lý, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, trong đó, tập trung thường xuyên chỉ đạo rà soát điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho các đối tượng này được vay vốn kịp thời, đúng đối tượng.
Tập trung xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, công khai minh bạch, chính xác, đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng công tác quản lý và xử lý nợ rủi ro theo quy định./.