Vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những vấn đề lớn thu hút nhiều đại biểu doanh nghiệp quan tâm phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2020.
Nhiều ý kiến doanh nghiệp, lãnh đạo các hiệp hội, ngành nghề nhận định, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được thể hiện bằng quyết tâm rất cao, rất bền bỉ của Chính phủ. Cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hoàn thiện và toàn diện hơn và được thể hiện, đo lường bằng các tiêu chí, chỉ tiêu hết sức thực chất như cắt giảm thời gian, điều kiện, thủ tục, giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh, giảm rủi ro cho doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo… qua đó làm cho kết quả cải cách thực chất hơn, hiệu quả và thiết thực hơn, được các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân ghi nhận.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng còn những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chậm được tháo gỡ, gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Một số cán bộ, công chức, cơ quan công quyền, nhất là ở cấp cơ sở làm việc với tinh thần trách nhiệm chưa cao, nhiều khi còn cứng nhắc, thiếu sự cảm thông, chia sẻ.
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, trong tiến trình cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh các cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm hơn nữa trong tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động, tinh thần, thái độ phục vụ của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức đối với người dân, doanh nghiệp, theo hướng cùng đồng hành và cùng chia sẻ. Quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính một cách thực chất và hiệu quả, nhất là đối với các thủ tục hành chính còn rườm ra, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo mội trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng hơn nữa. Tăng cường hoạt động đối thoại, gặp gỡ giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong phản biện chính xách, xây dựng và hoạt thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đề cập đến vấn đề về môi trường đầu tư kinh doanh tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu 2017-2019, Việt Nam tăng 21 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia và vị trí thứ 5/10 của ASEAN.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng, Trưởng ngành ghi nhận và đánh giá cáo các ý kiến tâm huyết của các doanh nghiệp, các đại biểu; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó sẽ tiếp tục rà soát cắt giảm, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính và không tạo thêm các rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho DN. Loại bỏ triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và DN của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, sự trì trệ, thiếu trách nhiệm ở một số cơ quan, đơn vị.
Trong các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định quan điểm của Chính phủ là thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ công chức, viên chức suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, cố tình gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu. Thiết lập đầu mối thường xuyên tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; rà soát, xem xét giải quyết hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với các kiến nghị vượt thẩm quyền; nghiên cứu xây dựng các tiện ích ứng dụng công nghệ trong việc tiếp nhận kiến nghị, chia sẻ cung cấp thông tin và phản hồi ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp;…
Trong kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương “cần hết sức quan tâm xử lý, tạo dựng môi trường tốt cho hoạt động doanh nghiệp; hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp, luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh”.
Nguyễn Hoàng