In bài viết

Nỗ lực đặt những viên gạch giao thương đầu tiên tới Nigeria

(Chinhphu.vn) - Tối 28/10 (rạng sáng ngày 29/10 giờ Việt Nam) khi tới Thủ đô Abuja (Nigeria), đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đã tới thăm Đại sứ quán Việt Nam, bắt đầu hoạt động đầu tiên tại Nigeria và chuyến công tác tại châu Phi.

29/10/2019 07:11
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với các cán bộ Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Nigeria. Ảnh: VGP/Thành Chung

Đại sứ Phạm Anh Tuấn xúc động cho biết kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1976 thì đây là đoàn cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam lần đầu tiên sang thăm và làm việc tại Nigeria.

Theo Đại sứ Phạm Anh Tuấn, tại Thủ đô Abuja chỉ có duy nhất 1 Việt Kiều đang sinh sống, còn tại thành phố Lagos hiện có khoảng 50 người Việt Nam đang làm việc, kết nối làm ăn giữa các doanh nghiệp hai bên. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Nigeria hạt điều, gỗ còn xuất khẩu sang quốc gia này các mặt hàng điện thoại di động, may mặc, giày dép.

Thông báo tới tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Thương vụ của Việt Nam tại Nigeria, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tình hình kinh tế ở trong nước tiếp tục có bước phát triển, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu đề ra; các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm đảm bảo; môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện; an ninh quốc phòng được giữ vững; chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên.

Theo Phó Thủ tướng, châu Phi có vị trí rất quan trọng trên thế giới về các mặt chính trị, an ninh, kinh tế.  Nhận thức được vai trò của lục địa này, ở trong nước, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tăng cường hợp tác đầu tư với các nước châu Phi và mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gặp mặt các đại sứ của các nước châu Phi và khu vực Trung Đông.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Việt Nam phải tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, thương mại và đầu tư, trong đó châu Phi là địa bàn quan trọng, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, viễn thông”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nigeria. Ảnh: VGP/Thành Chung

Hiện nay ở trong nước, nhiều doanh nghiệp lớn đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như Tập đoàn Vingroup, FLC, TH..., Phó Thủ tướng đề nghị Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam khắc phục khó khăn để nghiên cứu, kết nối các doanh nghiệp của Việt Nam sang đầu tư, làm ăn tại Nigeria và các nước lân cận cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành hàng lúa gạo của Việt Nam.

“Ban đầu khó khăn, nhưng chúng ta phải đặt những viên gạch đầu tiên để vươn ra thị trường mới nhiều tiềm năng này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói với các cán bộ Đại sứ quán và lãnh đạo một số bộ, ngành trong đoàn công tác.

Được biết, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia tăng liên tục, từ 288,4 triệu USD năm 2014 lên 456,3 triệu USD năm 2018, đưa Nigeria trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Tuy nhiên, cán cân thương mại đang “lệch” nhiều về phía Nigeria khi Việt Nam là nhà nhập khẩu lớn về hạt điều từ quốc gia này (300 triệu USD) và Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi với 200 triệu người - vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương, đầu tư.

Thông báo tới cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết Đảng và Nhà nước ta kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững nền hòa bình và ổn định của đất nước. Lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao nhiệm vụ cho Đại sứ quán Việt Nam tích cực quảng bá hình ảnh về đất nước Việt Nam hoà bình, thân thiện và năng động đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân Nigeria, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia, dân tộc.

Thành Chung