In bài viết

Nỗ lực nâng cao nhận thức nông dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

(Chinhphu.vn) - Cải thiện thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của bà con nông dân sẽ thể hiện bằng chất lượng cũng như số lượng nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường quốc tế, qua đó góp phần nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

25/11/2024 12:05
Nỗ lực nâng cao nhận thức nông dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật- Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Bảo – Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam

Ông có thể chia sẻ về kết quả của chương trình sau 3 năm phối hợp giữa CropLife, Cục Bảo vệ Thực vật, và Sở NN&PTNT Đồng Tháp? Theo ông, lợi ích lớn nhất mà chương trình mang lại những cho người nông dân và cộng đồng địa phương sau 3 năm triển khai là gì?

Ông Đặng Văn Bảo – Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam: Cuối năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) – Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn 2021 – 2026. Nhìn lại hành trình 3 năm triển khai chương trình, chúng tôi đã ghi nhận được một số kết quả và những tác động bước đầu dựa trên phản hồi tích cực thu được từ bà con nông dân và các bên tham gia chương trình.

Tính đến hết năm 2024, chương trình đã triển khai tập huấn cho hơn 3.700 nông dân, gần 1.000 đại lý vật tư nông nghiệp và 100 cán bộ kỹ thuật tại tỉnh Đồng Tháp về các nguyên tắc sử dụng và buôn bán thuốc BVTV an toàn, có trách nhiệm; cấp phát hơn 3.700 bộ đồ bảo hộ lao động cho nông dân sử dụng khi phun và pha chế thuốc.

Bên cạnh đó, 3 bên cũng đã phối hợp triển khai 6 mô hình sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm trên các cây trồng chủ lực của tỉnh bao gồm lúa, hoa kiểng, sầu riêng, ớt, xoài và cây có múi, với tổng diện tích mô hình đạt được trên 350 ha và hơn 600 hộ nông dân tham gia. Một trong những điểm nổi bật của chương trình trong 3 năm vừa qua là sự phối hợp với Hội Nông dân tỉnh phát động "Ngày hội Thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng" trên địa bàn 12 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp. Chỉ trong hai năm 2022-2023, chúng tôi đã thực hiện 36 đợt thu gom tại các huyện và 8 đợt tại các mô hình, với tổng khối lượng thu gom đạt hơn 21 tấn bao gói.

Ngoài ra, chương trình cũng chú trọng công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức thông qua việc phát hành nhiều tài liệu như tờ rơi, áp phích, quạt in thông tin, phát sóng chuỗi video hướng dẫn sử dụng thuốc trên Đài truyền hình Đồng Tháp và lắp đặt các bộ pano tại các mô hình và 6 huyện sản xuất nông nghiệp trọng điểm.

Tất cả những nỗ lực này nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về việc sử dụng thuốc BVTV theo vòng đời, từ đó từng bước cải thiện thói quen sử dụng thuốc của họ. Đây cũng chính là lợi ích lớn nhất mà chương trình đã mang lại trong suốt thời gian qua. Để đạt được điều này, ngay từ khâu thiết kế chương trình, chúng tôi luôn chú trọng kết hợp hài hòa giữa đào tạo lý thuyết và thực hành, đồng thời cung cấp đầy đủ tài liệu và công cụ hỗ trợ để người nông dân có thể áp dụng việc sử dụng thuốc một cách có trách nhiệm.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng chương trình, gia tăng hiệu quả và mở rộng phạm vi tiếp cận, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, bền vững hơn tại Đồng Tháp và các khu vực lân cận.

Trong bối cảnh nông nghiệp hiện đại, xu hướng sử dụng các công cụ bảo vệ thực vật tiên tiến, chẳng hạn công nghệ phun thuốc bằng drone hay số hoá, đang được đẩy mạnh. CropLife có chiến lược gì để hỗ trợ nông dân tiếp cận và áp dụng những công cụ này một cách hiệu quả và có trách nhiệm?

Ông Đặng Văn Bảo: Trong bối cảnh nông nghiệp hiện đại, xu hướng sử dụng các công cụ bảo vệ thực vật tiên tiến như công nghệ phun thuốc bằng drone và số hóa quy trình, đang ngày càng được đẩy mạnh. Đây cũng là một trong những trọng tâm làm việc mới của CropLife Việt Nam và các công ty thành viên. Chúng tôi luôn chú trọng hỗ trợ nông dân tiếp cận và ứng dụng các công cụ cải tiến này một cách hiệu quả và có trách nhiệm để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững.

Chúng tôi đã cụ thể hóa chiến lược này thông qua việc ký kết chương trình Khung quản lý thuốc BVTV bền vững hay còn gọi là chương trình SPMF với Cục BVTV và các đối tác trong ngành nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và công nghệ drone trong phun thuốc BVTV cùng nhiều giải pháp tiên tiến khác trong nông nghiệp. Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình SPMF, chúng tôi cũng đang tập trung xây dựng và phát triển một nền tảng học tập trực tuyến (e-learning) và số hoá các tài liệu tập huấn nhằm mở rộng khả năng tiếp cận tới nhiều nông dân và các bên quan tâm đến các chủ đề này.

Năm 2024 có thể nói là năm đầu tiên chúng tôi phối hợp với Cục BVTV để triển khai tập huấn các nội dung mới này. Riêng tại Đồng Tháp, chúng tôi bước đầu đưa vào trong nội dung tập huấn cho các cán bộ tỉnh một số kiến thức cơ bản về drone, lợi ích của công nghệ này và các nguyên tắc sử dụng an toàn khi phun thuốc bằng drone. Các nội dung này cũng sẽ được mở rộng hơn nữa tới đối tượng nông dân và đại lý trong các năm tới đây trong khuôn khổ chương trình hợp tác 3 bên.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về các điểm mới trong chương trình năm vừa qua?

Ông Đặng Văn Bảo: Trong những năm đầu thực hiện chương trình, ngoài các hoạt động tập huấn chung dành cho nông dân và đại lý, CropLife cũng đã phối hợp với Cục BVTV và Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp lựa chọn các cây trồng chủ lực của tỉnh để xây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, mỗi năm sẽ áp dụng trên các cây trồng và địa bàn khác nhau. Trong năm 2024 vừa qua chúng tôi đã xây dựng mô hình trên cây quýt tại Lai Vung và trên cây xoài tại Cao Lãnh.

Một điểm mới trong tập huấn cho nông dân trong mô hình đó là phương pháp tập huấn toàn diện, đảm bảo kết hợp đào tạo lý thuyết và thực hành về cách phun, xử lý thuốc trên đồng ruộng, bao gồm việc sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động, pha thuốc và thu gom bao gói an toàn sau sử dụng.

Song song với đó, chúng tôi cũng phổ biến tới bà con các tài liệu tập huấn chuyên biệt và có các chuyên gia hướng dẫn về cách thức thực hành Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ghi chép nhật ký sản xuất, cấp mã số vùng trồng và sử dụng thuốc phòng trừ sinh vật gây hại trên từng cây trồng cụ thể. Dựa trên các nền tảng tập huấn này, chúng tôi hy vọng có thể tiếp tục phát triển, nhân rộng quy mô áp dụng sang những khu vực khác với các cây trồng tương tự.

Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tập trung vào việc khảo sát và thu thập ý kiến các bên để có những đánh giá cụ thể mức độ thay đổi về nhận thức và thói quen sử dụng thuốc của nông dân sau khi kết thúc 5 năm triển khai chương trình.

Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp nhằm nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thông qua việc hỗ trợ soạn thảo hồ sơ xin tài trợ từ Quỹ Bảo vệ Môi trường (BVMT) Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng rằng, với nguồn kinh phí bổ sung từ Quỹ BVMT, tỉnh sẽ có thêm sự chủ động và bền vững trong việc quản lý và xử lý bao gói thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, qua đó trở thành một hình mẫu điển hình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ này, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm và giá trị tích cực đến các địa phương khác trên cả nước.

Với những kết quả đạt được tại Đồng Tháp, CropLife có dự định mở rộng mô hình này sang các tỉnh khác trong khu vực hay không? Nếu có, lộ trình thực hiện như thế nào?

Ông Đặng Văn Bảo: Ở thời điểm hiện tại, CropLife chưa có kế hoạch cụ thể nào để mở rộng mô hình này sang các tỉnh khác. Tuy nhiên, định hướng chung của chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào các khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, hướng tới đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu nông sản Việt ra thị trường thế giới.

Song song với việc mở rộng địa bàn, chúng tôi cũng rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng và gia tăng số lượng nông dân có thể tiếp cận các chương trình tập huấn. Tuy nhiên, do những hạn chế về nguồn lực, chúng tôi đang rất kỳ vọng có thể sớm giới thiệu và triển khai nền tảng học tập trực tuyến cho tập huấn nông dân và đại lý trong thời gian tới.

Đây là một giải pháp tiềm năng và phù hợp với xu hướng hiện nay, khi ngày càng nhiều nông dân Việt Nam sử dụng thiết bị điện thoại thông minh. CropLife và các công ty thành viên đang ưu tiên phát triển nền tảng này với mục tiêu không chỉ mở rộng phạm vi tiếp cận mà còn tối ưu hóa hiệu quả trong việc truyền tải kiến thức và kỹ năng về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm.

CropLife kỳ vọng như thế nào về sự hợp tác giữa khối tư nhân và nhà nước trong việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam trong dài hạn?

Ông Đặng Văn Bảo: Yếu tố cốt lõi và làm nên thành công của chương trình hợp tác 3 bên tại tỉnh Đồng Tháp trong 3 năm vừa qua đến từ sự hợp tác chặt chẽ giữa khối tư nhân và nhà nước. Chúng tôi rất vinh dự và vui mừng khi luôn nhận được sự quan tâm của Bộ NN&PTNT và sự hỗ trợ của Cục BVTV cũng như sự phối hợp và đón nhận của các sở NN&PTNT tại địa phương.

Qua đây, chúng tôi cũng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được những hỗ trợ quý báu như vậy, đồng thời có thêm sự tham gia hợp tác của các đối tác trong chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp.

Thông qua hợp tác, chúng ta có thể cùng nhau tạo ra những chương trình tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hành canh tác bền vững và sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm. Trong đó, tác động của các nỗ lực này sẽ không chỉ là sự cải thiện trong thói quen sử dụng thuốc BVTV của bà con nông dân mà còn được đo đếm và thể hiện bằng chất lượng cũng như số lượng nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường quốc tế, qua đó góp phần nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đỗ Hương (thực hiện)