Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh" diễn ra sáng 19/3, ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham) khẳng định, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã hỗ trợ không ngừng cho các doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam, đặc biệt trong việc giải quyết những thách thức do những khó khăn kinh tế đặt ra.
Ông Denzel Eades cho biết, trong 50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Cam kết mở rộng và nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược đã tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp và cá nhân, thúc đẩy sự hợp tác vì lợi ích chung cho cả hiện tại và thế hệ mai sau.
"Chúng tôi hoan nghênh sự cam kết của Việt Nam cho mục tiêu phát thải ròng bằng không và phát triển bền vững, cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện chương trình nghị sự này. Khu vực tư nhân Vương quốc Anh sẵn sàng đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, tài chính, dược phẩm và hàng tiêu dùng", Phó Chủ tịch BritCham nhấn mạnh.
Ông Denzel Eades cho rằng, việc thông qua Quy hoạch Phát triển Điện VIII gần đây cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc khử carbon. Để phù hợp với mục tiêu chung về tính bền vững, lãnh đạo BritCham khuyến nghị triển khai nhanh chóng Quy hoạch Phát triển Điện VIII, đặc biệt liên quan đến phát triển khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), năng lượng mặt trời và gió cùng với việc xây dựng các quy định pháp lý cho phép việc thực hiện, ví dụ như các quy định liên quan đến Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA).
"Để hỗ trợ thêm cho sáng kiến này, chúng tôi khuyến nghị triển khai phối hợp Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) phù hợp với Quy hoạch Điện VIII và bảo đảm tính sẵn sàng của các dự án thí điểm cụ thể, đặc biệt là về năng lượng gió ngoài khơi", ông Denzel Eades khuyến nghị.
Khu vực tư nhân Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các nỗ lực bền vững, ủng hộ việc xây dựng và thực hiện trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.
Khẳng định việc phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế (International Financial Centre - IFC) tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Nhóm Công tác Anh-Việt Nam là một sáng kiến mang tính thay đổi "cuộc chơi", để bảo đảm sự thành công của Trung tâm này, lãnh đạo BritCham khuyến cáo nên ghi nhận vai trò quan trọng của ngành dịch vụ tài chính trong việc thúc đẩy nền kinh tế trong nước và xuất khẩu của Việt Nam, phát huy năng lực kinh tế của Việt Nam ở thị trường nước ngoài.
"Việt Nam cần nâng cao năng lực và điều kiện hoạt động dịch vụ tài chính, bảo đảm sự phát triển của ngành phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, theo đuổi các chính sách thuận lợi về kế toán, thuế, chứng khoán, ngân hàng. Tầm quan trọng của nâng hạng thị trường mới nổi cho thị trường vốn của Việt Nam và việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) trên khắp Việt Nam là những vấn đề quan trọng cần cân nhắc tới, và chúng tôi cũng như các doanh nghiệp Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được những mục tiêu này", ông Denzel Eades nói.
Đánh giá cao những nỗ lực và tiến bộ của Chính phủ Việt Nam trong cải cách hành chính, ông Denzel Eades cho rằng vẫn cần những động thái mạnh mẽ hơn để phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn. Cụ thể như tăng cường Chính phủ điện tử trong quản lý các hoạt động xúc tiến và thông báo; đơn giản hóa thủ tục và thời gian cấp giấy phép kinh doanh; thống nhất giữa các quy định của trung ương và địa phương; bỏ yêu cầu phê duyệt trước quảng cáo; chuyển sang kiểm soát sau thị trường.
BritCham đánh giá cao những ý tưởng đổi mới và nỗ lực nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong dự thảo Luật Dược và Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, bao gồm việc công nhận kết quả thẩm định quốc tế để đẩy nhanh thủ tục đăng ký thuốc trong nước, và mở rộng phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế bao gồm khám sàng lọc bệnh không lây nhiễm, cùng với nhiều sáng kiến khác.
"Dựa trên hướng tiếp cận tiến bộ này, chúng tôi khẩn thiết đề xuất việc tự động gia hạn hiệu lực giấy phép đăng ký lưu hành thuốc để tránh sự gián đoạn trong cung ứng thuốc, và việc cập nhật thường xuyên và định kỳ Danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả nhằm bảo đảm bệnh nhân được tiếp cận với các loại thuốc mới", ông Denzel Eades nhấn mạnh.
Để thu hút thêm FDI và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực khoa học đời sống tại Việt Nam, BritCham đặc biệt khuyến nghị cần hài hòa các quy định nhằm đẩy nhanh tốc độ phê duyệt các nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam. Đồng thời, quy định các biện pháp ưu đãi có ý nghĩa trong đăng ký thuốc và mua sắm thuốc đối với hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm trong nước. Tạo môi trường thuận lợi với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả, và bảo đảm đầy đủ các quyền của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Khẳng định đối với đầu tư nước ngoài nói chung, việc giải quyết các thách thức pháp lý, chẳng hạn như kiểm soát ngoại hối, chậm trễ cấp phép và nhu cầu về tính nhất quán và khả năng dự đoán là rất quan trọng, ông Denzel Eades đánh giá cao các hiệp định thương mại mà Việt Nam có với Vương quốc Anh như UKVFTA và CPTPP.
Lãnh đạo BritCham cho rằng, Việt Nam nên tận dụng các điều ước quốc tế để đơn giản hóa và lược bỏ quy định giấy tờ nước ngoài cần hợp pháp hóa để sử dụng, như hơn 100 quốc gia khác đã làm. Đồng thời, đẩy mạnh việc thu hút nhân tài toàn cầu đến Việt Nam, đẩy nhanh tiến độ về quy trình ứng dụng kỹ thuật số và sử dụng công nghệ tại các sân bay...
Cuối cùng, các doanh nghiệp Anh bày tỏ sự lạc quan về việc đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Ông Denzel Eades nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi Chính phủ bảo đảm hoạch định chính sách mạnh mẽ và nhất quán, nhằm tiếp tục phát triển môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển một cách tự tin".
Thùy Chi