In bài viết

Nỗ lực thực hiện mục tiêu, giải pháp của khung đa dạng sinh học toàn cầu

(Chinhphu.vn) – Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nhanh chóng về đa dạng sinh học, cùng với những thách thức to lớn khác. Do đó, chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.

23/05/2024 09:24
Nỗ lực thực hiện mục tiêu, giải pháp của khung đa dạng sinh học toàn cầu- Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Chiều 22/5, tại TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam), Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Thực hiện khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NBSAP) ở Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia được xem như là trung tâm đa dạng sinh học của thế giới và là một trong những quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gene quý, hiếm.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái nhanh chóng về đa dạng sinh học, cùng với những thách thức to lớn khác khác, như ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, tình trạng rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.

Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.

Hội thảo "Thực hiện khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở Việt Nam" là diễn đàn để các cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học cùng đánh giá tiến độ, cũng như những cơ hội và thách thức để hướng đến thực hiện mục tiêu, giải pháp của khung đa dạng sinh học toàn cầu và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại COP15, Bộ TN&MT đại diện cho Chính phủ đã ủng hộ GBF và cam kết sẽ cùng với các quốc gia trên thế giới thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện trên cả nước, một lần nữa thể hiện rõ trách nhiệm của quốc gia trước các vấn đề môi trường toàn cầu và sự quyết tâm của Chính phủ trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi các giá trị tự nhiên.

"Có thể nói, trong khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã phê duyệt được Chiến lược đa dạng sinh học phù hợp với GBF. Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 hiện đang được Bộ TN&MT tiếp thu, hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng là một trong những tài liệu quan trọng những góp phần thực hiện Khung GBF", ông Nguyễn Văn Tài cho hay.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu, giải pháp của khung đa dạng sinh học toàn cầu- Ảnh 2.

Rùa biển tại Cù lao Chàm - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Cùng chung tay bảo vệ đa dạng sinh học

Bà Lê Thủy Trinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, là địa phương tiên phong trong công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, Quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định định hướng phát triển Quảng Nam thành một trong các tỉnh tiên phong về việc phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và có tính cân đối hài hòa giữa môi trường và phát triển.

Thực hiện phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong theo quy hoạch, Quảng Nam phấn đấu đảm bảo độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 61% vào năm 2030; tập trung bảo vệ, phục hồi hiệu quả rừng tự nhiên, rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn...; đưa vào hoạt động và nâng cấp tổng 14 khu bảo tồn trên cơ sở kiện toàn, nâng cấp 7 khu bảo tồn hiện có; nâng cấp khu bảo tồn biển Cù lao Chàm thành khu dự trữ thiên nhiên Cù lao Chàm.

Bên cạnh việc nâng cấp các khu bảo tồn hiện có, tỉnh sẽ thành lập thêm các khu bảo tồn mới; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học; từng bước giải quyết sinh kế, nâng cao mức sống của người dân địa phương trong vùng quy hoạch các khu bảo tồn.

Một trong những mục tiêu chính của của GBF là kêu gọi thế giới bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển của trái đất thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các OECM vào năm 2030. OECMs (các khu vực có biện pháp bảo tồn khác) đã và đang từng bước được mở rộng và phát triển trên toàn thế giới.

Chia sẻ về tiềm năng được công nhận là OECMs tại Việt Nam, bà Bùi Thị Thu Hiền, Quản lý Chương trình Biển và vùng bờ liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho biết: "Hiện chúng tôi đã xác định được hơn 40 khu vực tiềm năng theo mục tiêu bảo tồn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ đợi một số khung chính sách để cùng đồng hành với các doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức khác tại một số khu vực, như khu quân cảng, quân sự, khai thác yến sào, khu du lịch sinh thái… để tạo sự đồng thuận chung tay thực hiện OECMs tại Việt Nam".

Tiếp cận này sẽ không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết bảo tồn với cộng đông quốc tế, mà còn cho phép bảo vệ thêm những sinh cảnh có tính đa dạng sinh học cao nhất nhưng lại đang bị đe dọa, bà Lê Thị Thu Hiền thông tin thêm.

Lưu Hương