In bài viết

Nội dung chất vấn ‘đúng’ và ‘trúng’, đáp ứng yêu cầu mong mỏi của cử tri

(Chinhphu.vn) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào ngày 11/11 với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, y tế, các cử tri bày tỏ đồng tình và nhất trí cao với đại biểu Quốc hội khi đặt câu hỏi các nhóm vấn đề cũng như nội dung trả lời của các “tư lệnh” ngành có trọng tâm, trọng điểm, thẳng thắn vào các nội dung "nóng", bức xúc, nổi cộm được các đại biểu và cử tri quan tâm.

11/11/2024 18:44

Sau khi lắng nghe câu trả lời của "Tư lệnh" ngành, cử tri thấy rõ được vai trò của Chính phủ trong việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động; công tác quản lý và điều hành thị trường vàng, hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất sau COVID-19 và thiên tai; việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân.

Cần nhìn nhận thách thức để đạt mục tiêu đề ra

Theo nhận định của Giảng viên tài chính Trần Công Danh (cử tri Thành phố Hồ Chí Minh), Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện vai trò kịp thời và hiệu quả trong điều hành chính sách tài chính - tiền tệ, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành và duy trì liên kết chặt chẽ với các yếu tố kinh tế vĩ mô cũng như thị trường tài chính quốc tế.

Nội dung chất vấn ‘đúng’ và ‘trúng’, đáp ứng yêu cầu mong mỏi của cử tri- Ảnh 1.

Giảng viên tài chính Trần Công Danh (cử tri Thành phố Hồ Chí Minh) - Ảnh: VGP

"Qua phần trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải đáp rõ ràng các vấn đề chính và thể hiện sự theo dõi sát sao đối với mọi diễn biến trong lĩnh vực mình quản lý", ông Danh đánh giá phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Dưới góc độ chuyên gia, cử tri Trần Công Danh cũng nhấn mạnh, thị trường vàng là một bài toán khó chưa được giải quyết triệt để với nhu cầu cấp thiết về một sàn giao dịch vàng minh bạch, ổn định. Đây không chỉ là vấn đề lớn của Ngân hàng Nhà nước mà còn là kỳ vọng của người dân về một thị trường đáp ứng nhu cầu và ngày càng phù hợp hơn với xu hướng quốc tế.

Ông Danh cũng đặt niềm tin vào "mục tiêu kép" của Chính phủ trong việc duy trì tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Các chỉ số gần đây cho thấy Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ khi tăng trưởng ổn định và lạm phát được kiểm soát tốt, thậm chí tăng trưởng còn cao hơn so với các nước trong khu vực.

Tuy vậy, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng các chính sách hiện nay phần nhiều vẫn tập trung vào biện pháp bình ổn ngắn hạn. Chuyên gia mong muốn có những giải pháp mang tính hệ thống và đồng bộ hơn để phát triển bền vững. Chỉ khi nền kinh tế sản xuất ổn định, hàng hóa lưu thông thông suốt thì các mục tiêu tăng trưởng dài hạn và kiểm soát lạm phát mới có thể đạt được một cách bền vững.

Theo cử tri Nguyễn Duy Cường (Bình Dương), thị trường tài chính Việt Nam và thế giới đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, cho thấy tín hiệu phục hồi rõ nét. Những giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước trả lời tại phiên chất vấn đã phát huy hiệu quả, mở ra kỳ vọng vào năm 2025 với triển vọng tích cực hơn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính.

Ông cho rằng, chính sách cần linh hoạt hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt trong giải ngân đầu tư và tín dụng. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu trong bất động sản vẫn là bài toán phức tạp, đòi hỏi sự đồng bộ về pháp lý và phối hợp từ nhiều phía, không chỉ riêng ngành Ngân hàng.

Theo ông Cường, năm 2024, bối cảnh quốc tế diễn biến khó lường đã gây áp lực lớn lên nền kinh tế Việt Nam. Dù phải đối mặt với khó khăn từ dịch bệnh, thiên tai và những thách thức nội tại, kinh tế nước ta vẫn đạt được nhiều thành tựu tích cực. Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp cho thấy, dưới sự lãnh đạo quyết liệt, Chính phủ đã nỗ lực xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, khai thác tối đa cơ hội từ bên ngoài để duy trì đà tăng trưởng, đồng thời kiên trì khắc phục các yếu kém tồn đọng.

Nội dung chất vấn ‘đúng’ và ‘trúng’, đáp ứng yêu cầu mong mỏi của cử tri- Ảnh 2.

Cử tri Nguyễn Duy Cường (Bình Dương) - Ảnh: VGP

Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, cùng sự đồng lòng của toàn dân, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục ổn định, kiểm soát lạm phát và giữ vững đà tăng trưởng. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hầu hết đều hoàn thành, trong đó nhiều công trình hạ tầng trọng điểm được triển khai đúng tiến độ, chính sách an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

"Với sự phục hồi mạnh mẽ và những cải cách không ngừng, nền kinh tế Việt Nam đang lấy lại vị thế, tạo đà để phát triển bền vững, góp phần khẳng định bản sắc và sức mạnh của đất nước trong giai đoạn mới", cử tri Nguyễn Duy Cường nhấn mạnh.

Nhất trí với nội dung cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng

Cử tri Lại Tiến Sĩ (Trưởng ban Thanh niên Công an tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Bình Phước khoá VIII) bày tỏ sự đồng tình sâu sắc và ủng hộ cao với những nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Theo ông, những phân tích của Bộ trưởng đã làm rõ các nguy cơ khôn lường mà các sản phẩm này gây ra cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ, qua lấy ý kiến của các bộ, ngành đa phần rất ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Bộ Y tế đã tổ chức đánh giá tác động làm căn cứ khoa học, đã tổ chức công bố tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử ra công chúng. Các giải pháp này là những giải pháp mang tính chất căn cơ để cung cấp các bằng chứng, căn cứ pháp lý để Chính phủ quyết định các giải pháp phòng chống tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.

Cử tri Lại Tiến Sĩ đánh giá cao lập trường kiên định của Bộ Y tế trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, coi đây là quyết định cần thiết để ngăn chặn một hiểm họa lâu dài. Bởi nguy cơ đối với giới trẻ - đối tượng dễ bị thu hút bởi thiết kế hiện đại, hương vị đa dạng và sự quảng bá hấp dẫn của các sản phẩm này.

Cử tri cũng cho biết thêm, tại tỉnh Bình Phước, ngày 25/10/2024, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch số 314/KH-UBND về quản lý chặt chẽ thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Nội dung chất vấn ‘đúng’ và ‘trúng’, đáp ứng yêu cầu mong mỏi của cử tri- Ảnh 3.

Cử tri Lại Tiến Sĩ, Trưởng ban Thanh niên Công an tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Bình Phước khoá VIII - Ảnh: VGP

Kế hoạch đề ra các biện pháp tăng cường thông tin, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, các hoạt động quảng cáo, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép các sản phẩm này, đặc biệt là những trường hợp pha trộn chất cấm. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, ngăn chặn hoạt động buôn bán và lôi kéo sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trên địa bàn, đặc biệt là trên không gian mạng.

Ông Sĩ cho rằng, khi thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng len lỏi vào môi trường học đường và sinh viên, chúng không chỉ làm tăng nguy cơ nghiện ngập mà còn đe dọa đến sức khỏe và tương lai của các em. Một lệnh cấm mạnh mẽ, theo cử tri, sẽ là lá chắn cần thiết giúp bảo vệ thế hệ trẻ khỏi những cạm bẫy nguy hiểm và xây dựng một môi trường lành mạnh hơn.

Sự nhất trí của cử tri Lại Tiến Sĩ cũng là kỳ vọng của người dân vào những quyết sách kiên quyết từ Quốc hội và Chính phủ để loại bỏ các sản phẩm độc hại, góp phần giảm gánh nặng y tế cho đất nước. Cử tri hy vọng rằng, việc cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng sẽ là bước đi đột phá, khẳng định quyết tâm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hướng đến một tương lai không khói thuốc cho người dân Việt Nam.

Văn Hiền