In bài viết

Nội dung cuộc Tọa đàm ‘Hà Nội: Nghị quyết 15 và chặng đường tiếp theo’

(Chinhphu.vn)- Ngày 1/8, ngày ghi dấu mốc kỷ niệm tròn 10 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan (2008-2018). Nhân dịp này, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Hà Nội: Nghị quyết 15 và chặng đường tiếp theo”. * Video clip Tọa đàm

01/08/2018 09:40

Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Đồng thời, quá trình thực hiện Nghị quyết cũng đã và đang đặt ra cho Thành phố những yêu cầu, thách thức mới, trong đó phát triển kinh tế tri thức là một trong những yêu cầu mang tính thời đại. 

Hà Nội cần làm gì để giải quyết những thách thức đó? Những cơ chế chính sách cho phát triển Thủ đô hiện đã đủ hành lanh pháp lý cho Hà Nội thực hiện các mục tiêu phát triển của mình? Sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương có ý nghĩa như thế nào để xây dựng Hà Nội trở thành đầu tàu kinh tế, động lực phát triển cho cả nước?...

Cuộc tọa đàm “Hà Nội: Nghị quyết 15 và chặng đường tiếp theo” nhằm tập hợp những ý kiến trao đổi về giải pháp, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, thách thức, góp thêm tiếng nói để Hà Nội tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu kinh tế, tăng sức cạnh tranh bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Khách mời của chương trình gồm:

 - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng;

  - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên;

  - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT, ông Phan Đức Hiếu

  - Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội, ông Nguyễn Quang Đức.

Dưới đây là nôi dung Tọa đàm:

Thưa ông Nguyễn Thế Hùng, theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, có thể thấy Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chủ trương, chính sách của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội và một số tỉnh liên quan, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước”. Xin ông cho biết, những thành tựu quan trọng nhất Hà Nội đã đạt được so với 10 năm trước khi thực hiện Nghị quyết 15?

Ông Nguyễn Thế Hùng: Thưa quý vị và các bạn, liên quan đến nội dung này  UBND TP. Hà Nội đã có văn bản báo cáo với UBTV Quốc hội.

Văn bản số 191 ngày 12/7/2018 đã nêu rõ những thành tựu mà Hà Nội đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15. Trong bối cảnh vừa qua, tình hình chính trị kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp, đất nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng có nhiều điều kiện thời cơ cả thuận lợi và cả những vấn đề khó khăn thách thức. Với nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo TP. Hà Nội bước đầu đã có những thay đổi mạnh mẽ. Thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng trong tình hình chung của đất nước. Chúng ta có thể nghiệm lại một số nội dung, lĩnh vực mà chúng ta thấy rằng nó tạo ra những dấu ấn, thành tựu - là niềm tự hào chung của Thủ đô Hà Nội cũng như đất nước chúng ta.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng nhanh, bình quân đạt 7,41% / năm, là một trong hai đầu tàu kinh tế lớn của đất nước.  Quy mô của GDP năm 2017 đã tăng 2 lần so với năm 2008. Thu nhập bình người đầu người tăng, năm 2017 đạt 3.910 USD/người, gấp 2,3 so với năm 2008.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng rất tích cực. Tỉ trọng các ngành về dịch vụ, công nghiệp, xây dựng tăng. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đẩy mạnh. Ngành dịch vụ có giá trị cao tăng, dịch vụ trình độ cao tiếp tục được phát triển. Ngành du lịch cũng được phát triển nhanh, hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển mạnh. Thu hút khách du lịch tăng trưởng bình quân 12%/năm, lượng khách du lịch quốc tế từ 1,3 triệu năm 2008 lên gần 5 triệu năm 2017, tăng gấp 4 lần.

Về không gian kinh tế, đến nay Hà Nội có đến 80 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định và 629 dự án đầu tư; doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2008. Mức nộp ngân sách tăng 3,3 lần so với năm 2008.

Hà Nội hiện có 43 cụm công nghiệp đã được lấp đầy và hoạt động ổn định. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề cũng rất phát triển. Hiện nay trên địa bàn có 1.350 làng nghề, có nghề tăng 70 lần so với năm 2010.

Tổng đầu tư xã hội giai đoạn 2008 – 2017 đạt  2 triệu tỷ đồng. Năm 2017, tổng mức đầu tư tăng gấp 2,85 lần so với năm 2008 và tăng bình quân 15,2%/năm. Đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 3.227 dự án với tổng vốn đăng ký là 19,1 tỷ USD…

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng

Về môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng 10 bậc, từ mức 53 lên 63. Thành phố duy trì 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng; niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tăng lên. Hà Nội được đánh giá là 1 trong 10 thủ đô năng động nhất thế giới.

Hệ thống y tế của Thành phố cũng được phát triển đồng bộ. 100% các phường, xã, thị trấn, các trạm y tế, bệnh viện tuyến huyện được đầu tư mở rộng, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các hình thức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được đa dạng hóa, bước đầu đã hình thành được cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế…

Lĩnh vực  giáo dục và đào tạo cũng được chú trọng đầu tư; chất lượng được giữ vững. Đến nay, Hà Nội đã có 16 trường được công nhận trường chất lượng cao. Trong 10 năm qua, Thành phố đã xây dựng được 454 trường và có thêm 943 trường công lập đạt tiêu chuẩn quốc gia, đạt 67%. Hà Nội đi đầu trong phổ cập giáo dục mầm non, về phổ cập giáo dục trung học phổ thông và là đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, hệ thống sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử điểm và điểm phổ cập dành cho các trường học.

Lĩnh vực văn hóa truyền thống của  Thăng Long nghìn năm văn hiến tiếp tục được phát huy cùng với văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác ngày càng được duy trì phát triển và lan tỏa. Nhiều di sản văn hóa được UNESCO vinh danh. Thành phố Hà Nội là biểu tượng của hòa bình ngày càng được tôn vinh.

Bên cạnh đó, chương trình phát triển văn hóa xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô, xây dựng Hà Nội thanh lịch văn minh và phong trào toàn dân đoàn kết đã được lan tỏa, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.

Đến nay tỷ lệ tổ dân phố  văn hóa đã đạt được 70,5%, làng văn hóa đạt 60%, các gia đình văn hóa đạt 86,5%. Hà Nội đã triển khai được 2 bộ quy tắc về ứng xử cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Các hoạt động thể thao cũng dành được rất nhiều thành tích. Số vận động viên của Hà Nội luôn luôn tham gia đóng góp 30% trong đoàn vận động viên của Việt Nam và đều đạt thành tích cao tại SEA Games và ASIAD…

Thành phố đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của khu vực nông thôn, đặc biệt là việc xây dựng nông thôn mới. Đến nay có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có 294/386 xã (chiếm 76,17% ) đạt chuẩn nông thôn mới.

Hệ thống điện lưới quốc gia được phủ khắp trên địa bàn, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất cho sinh hoạt cũng như là cho sản xuất của người dân. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho khu vực nông thông trong giai đoạn 2008 – 2017 đạt được 88 647 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, là một sự nỗ lực để chúng ta tập trung cho vấn đề phát triển đầu tư nông thôn.

Các chính sách an sinh xã hội được cũng đặc biệt quan tâm  như hỗ trợ cho các hộ nghèo, gia đình chính sách. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội giảm từ mức 8,43% năm 2008 đến nay chỉ còn 1,69%. Hiện nay thành phố không còn khu vực nông thôn đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng được quan tâm để có mức sống cao hơn so với trước đây.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ đặt ra khi hợp nhất là định hướng phát triển không gian theo quy hoạch chung của Thủ đô, theo quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, Thành phố đã triển khai lập các quy hoạch trong đó có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Để thực hiện các quy hoạch, đến nay đã nghiên cứu 100% được phủ kín quy hoạch, trong đó 57/68 khu được phê duyệt. Hiện nay đang tập trung để phê duyệt nốt các khu vực còn lại để chúng ta thực hiện quản lý đồng bộ theo quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ. Các dự án lớn cũng đã được triển khai và được điều chỉnh theo quy hoạch để thực hiện các điểm phát triển về kinh tế xã hội cũng như các công trình văn hóa như công viên Kim Quy, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia và xây dựng thành phố thông minh trên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài đang được triển khai mạnh mẽ.

Về việc tiếp tục đầu tư để đẩy mạnh và phát triển hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật và phát triển nơi ở đang được tập trung để tạo ra được các dự án khu đô thị có điều kiện sống cao, Hà Nội đã hoàn thành được 43 dự án phát triển nhà ở với trên 4 triệu m2 sàn. Diện tích bình quân năm 2017 đạt được 25,6 triệu m2 trên đầu người. Đã thực hiện nhiều dự án để thực hiện việc dãn dân, đồn điền đổi thửa, tổ chức mặt bằng để phục vụ phát triển hạ tầng khu đô thị. Hạ tầng đô thị, cảnh quan cây xanh được cải thiện rõ rệt, diện mạo Thủ đô ngày một đổi mới. Thành phố xanh hơn, sạch hơn. Đấy là những đánh giá, kể cả những khách nước ngoài đến Hà Nội sau nhiều lần đều thấy nhiều sự thay đổi, đặc biệt liên quan đến cảnh quan đô thị.

Công tác phòng ngừa ô nhiễm cũng được khắc phục tương đối bài bản và đi vào chiều sâu. Nhiều khu vực ô nhiễm, đặc biệt là vấn đề môi trường đô thị của khu trung tâm, các làng nghề, các khu vực nông thôn được khắc phục…

Vấn đề cải cách hành chính được tập trung quyết liệt. Hà Nội hiện nay đang đứng thứ 2 về cải cách hành chính, được đánh giá là một thành phố rất tích cực trong việc đẩy nhanh cải cách hành chính. Hiện nay chúng tôi đã có 538/1.833 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở cấp độ 3 và cấp độ 4 trên toàn địa bàn.

Về các nội dung khác liên quan đến vấn đề chính trị ổn định xã hội và quốc phòng, xác định thủ đô Hà Nội là một thủ đô hòa bình, tất cả mọi hoạt động diễn ra trên địa bàn thành phố, các sự kiên quan trọng đều được thực hiện rất tốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động chính trị xã hội, đời sống của nhân dân cũng như an ninh trật tự nhân dân được đảm bảo. Các tệ nạn dần được kiểm soát không để xảy ra tình hình nghiêm trọng trên địa bàn. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng luôn luôn được thường xuyên quan tâm và thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và thực hiện các Nghị quyết của Trung ương đặt ra, thành phố Hà nội xác định vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những nhiệm vụ trung tâm trong mọi hoạt động trong hệ thống chính trị.

Với những tích đạt được trong 10 năm qua, Thành phố Hà Nội vừa được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Đập lập hạng Nhất trong dịp kỷ niệm này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên

Thưa các chuyên gia kinh tế, các ông có thể cho biết nhận định về kết quả thành tựu mà Hà Nội đã thực hiện được, kết quả đó đã đáp ứng được các mục tiêu mà Nghị quyết 15 đặt ra hay chưa?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Trước hết tôi chia sẻ với những thành tựu mà Hà Nội đã đạt được trong 10 năm qua như ông Nguyễn Thế Hùng đã trình bày.

Ở góc độ nghiên cứu, để nói cho gọn thì trong 10 năm qua, theo tôi, Hà Nội có 3 điểm nhấn.

Điểm nhấn thứ nhất là đạt đươc mục tiêu Nghị quyết 15 đặt ra. Tức là Hà Nội phải trở thành động lực đầu tàu trong khu vực kinh tế khu vực Bắc Bộ. Con số sau 10 năm, tăng trưởng GDP của khu vực Hà Nội đã tăng gấp đôi là một minh chứng. Vấn đề thứ 2, về cơ sở hạ tầng thì phải ghi nhận đây là thành công của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội khi đã đạt được cơ sở hạ tầng rất đột phá. Về cơ bản những công trình giao thông trọng điểm trong thời gian vừa qua, Hà Nội đều có những dự án đóng góp vào. Thứ 3 là đoàn kết, bởi vì chúng ta đều biết rằng, tách ra chia ghế, chia chức vụ thì đơn giản. Nhưng nếu nhập vào, giảm ghế, nhiều người, có thể nảy sinh vấn đề “quyền anh quyền tôi”, song Đảng bộ Hà Nội đã làm tốt việc này.

Theo tôi, đó là  3 thành tựu nổi bật của Hà Nội. Những thành tựu vừa qua của Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất thì liệu đã đáp ứng được kỳ vọng nhiệm vụ của Nghị quyết 15 của Quốc hội đặt ra chưa? Chúng ta phải thẳng thắn nói rằng, thành công chỉ mới bước đầu, công việc đặt ra cho Hà Nội còn rất nhiều. Những vấn đề mà Hà Nội còn tiếp tục giải quyết, những khó khăn đặt ra cho Hà Nội vừa có tính chung của cả nước là yêu cầu phát triển thì nhiều, vốn thì ít. Nhưng lại có đặc thù là Hà Nội theo Nghị quyết 15 vừa là một trung tâm chính trị nhưng đồng thời là một trung tâm kinh tế và là một trung tâm văn hóa. Như vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Hà Nội là rất đa mục tiêu và để cùng lúc đạt được như thế, chúng ta thấy rằng nhiệm vụ đặt ra còn rất nhiều thách thức.

Ông Phan Đức Hiếu: Trước hết, tôi chia sẻ và đánh giá rất cao những kết quả mà Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng vừa nêu trên các khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội. Với tư cách là một người nghiên cứu kinh tế, tôi thiên về các chỉ tiêu kinh tế.

Thứ nhất, việc mở rộng Hà Nội chúng ta đừng nhắc đến đó là cơ hội. Việc đầu tiên trong giai đoạn đầu, 10 năm đầu, nó kèm theo hai vấn đề, một là thách thức và hai là cơ hội. Thách thức như ông Nguyễn Đức Kiên đã nói, đòi hỏi giải quyết rất nhiều vấn đề. Hà Nội đáng lẽ ra không phải dành nguồn lực để giải quyết những vấn đề đó để có thể đầu tư và phát triển hơn nữa, nên việc Hà Nội giải quyết được những vấn đề nội tại của quá trình mở rộng là một thành công.

Khía cạnh đầu tiên chúng tôi đánh giá việc mở rộng Hà Nội trong 10 năm qua, theo tôi cả về chính trị, về tổ chức bộ máy, về phát triển kinh tế đã giải quyết được thách thức trong vấn đề mở rộng.

Vấn đề thứ hai như ông Kiên nói mở rộng Hà Nội là phần cơ hội mà Quốc hội kỳ vọng, xã hội kỳ vọng thì thực sự là Hà Nội đã tận dụng được cơ hội đó hay chưa?

Tôi cho rằng nếu như chỉ xét về thành tựu qua các con số thôi thì rõ ràng rất nhiều người cho rằng kết quả vừa rồi chưa đáp ứng được kỳ vọng tận dụng cơ hội của việc mở rộng Hà Nội để phát triển Hà Nội một cách mạnh mẽ hơn nữa. Ở khía cạnh này, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận là chưa. Nhưng Hà Nội đã làm được gì để tạo đà và tiền đề tận dụng cơ hội để phát triển thì tôi cho rằng Hà Nội đã làm được.

Như vậy khung khổ về chính sách, khung khổ về thể chế, khung khổ về quy hoạch, các định hướng chiến lược phát triển theo tôi 10 năm qua, Hà Nội đã rất nỗ lực. Từ năm nay trở đi chúng ta bước vào giai đoạn thực hiện và triển khai. Triển khai ở đây là nhằm tận dụng sự mở rộng về mặt không gian để thúc đẩy và phát triển kinh tế. Nếu như nhìn vào cơ cấu tạo ra sản lượng tạo ra đóng góp cho thành phố thì gần như không có sự thay đổi các ngành nghề công nghiệp như trước đây.

Chúng ta chưa nhìn thấy tiềm năng của một ngành nghề rất mới, đó là nghiên cứu ứng dụng, khoa học, trung tâm sáng tạo hay là các dịch vụ để ta tạm gọi đó là cơ hội thực sự của việc mở rộng. Hành lang kinh tế trong khu vực kinh tế đã hình thành nhưng chưa phát huy được. Như vậy xét về mặt thành tựu, phát triển thì Hà Nội đang dừng ở bước chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo thực thi các nhiệm vụ đó. Tôi rất mong trong 5 năm, 10 năm tới đây sẽ là bước cực kỳ quan trọng cho quá trình mở rộng.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) Nguyễn Quang Đức.

Thưa ông Nguyễn Quang Đức, là chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, ông có thể nói rõ những đổi thay cơ bản của huyện sau 10 trở thành 1 huyện của Hà Nội?

Ông Nguyễn Quang Đức: Thành tựu chung của Hà Nội sau 10 năm đã được lãnh đạo thành phố báo cáo và phát biểu tại hội nghị tổng kết. Hôm nay, đồng chí Nguyễn Thế Hùng cũng đã thông tin với quý vị và chúng tôi hoàn toàn đồng tình.

Để làm rõ thêm và minh chứng cho kết quả chung của Thủ đô Hà Nội trong 10 năm qua, tôi xin nói thêm một số nét chính và những thành tích, kết quả cơ bản trong 10 năm qua của huyện Hoài Đức.

Sau 10 năm hợp nhất, huyện Hoài Đức đã phấn đấu xây dựng và đạt huyện đạt chuẩn nông thôn mới, và toàn bộ các xã của huyện Hoài Đức đã đạt chuẩn nông thôn mới, 19 tiêu chí nông thôn mới cấp xã và 9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đều đã đạt được.

Về cơ bản, nông thôn khang trang, sạch đẹp, cơ sở vật chất, đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn, trường học các cấp, hệ thống chiếu sáng, trạm y tế, các điều kiện về sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế đã được quan tâm đồng bộ. Đời sống văn hóa, văn minh đô thị, thu nhập bình quân của người dân được tăng mạnh, an sinh xã hội, chính sách xã hội được quan tâm và thay đổi căn bản, không còn những hộ chính sách thuộc diện nghèo và tỉ lệ hộ nghèo cũng giảm rất mạnh, người có công, người nghèo trong 2 năm vừa qua 2017, 2018 được quan tâm.

Toàn bộ hệ thống nước sạch tập trung phủ kín và từng bước hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung, một số tuyến đường giao thông khung như tuyến đường 3.5, tuyến đường phân khu đã được triển khai. Việc thực hiện các khu đô thị mới đã được đầu tư khang trang và hiện đại.

Trong 10 năm vừa qua, huyện Hoài Đức trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã xây dựng trên 300 km đường giao thông nông thôn, hàng trăm nhà văn hóa, trên 30 trường học các cấp được xây dựng mới, 18 trạm y tế được đầu tư, xây dựng, cải tạo, đảm bảo yêu cầu. Tỉ lệ hộ nghèo từ 4,06% năm 2008 đến năm 2018 còn 1,52%, thu nhập bình quân đầu người năm 2008 là 13,7triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 đạt 45,2 triệu đồng/người/năm. Năm 2017 có 121 nhà cho người có công được quan tâm, tu sửa, hỗ trợ. Đến tháng 10 năm nay, 74 nhà hỗ trợ cho người nghèo được hỗ trợ, tu sửa hoàn chỉnh.

Thưa ông Nguyễn Thế Hùng, trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, có rất nhiều băn khoăn, lo lắng đặt ra khi Đảng bộ, chính quyền Thủ đô đón nhận và giải quyết những nhiệm vụ trọng đại mà Đảng và Quốc hội giao cho. Xin ông chia sẻ thêm về những công việc quan trọng mang dấu ấn của công tác chỉ đạo điều hành trong thực hiện Nghị Quyết này?

Ông Nguyễn Thế Hùng: Đón nhận Nghị quyết 15 của Quốc hội là vinh dự và niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô. Tôi thống nhất quan điểm của anh Kiên và anh Hiếu, chúng tôi xác định trước hết đây là một thách thức. Bởi khi thực hiện Nghị quyết 15, rõ ràng có rất nhiều lo lắng. Thứ nhất, chúng ta có một đơn vị hành chính cấp Thủ đô là đô thị đặc biệt có quy mô diện tích rất lớn, dân số rất đông, đặc biệt, có sự khác nhau về cơ cấu kinh tế, cơ cấ dân cư và các điều kiện về văn hóa, xã hội, địa lý và kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa có sự phát triển. Khi hòa nhập, chúng ta thấy có những khoảng cách, sự chênh lệch tạo ra những thách thức, đặt ra nhiều lo lắng, liên quan đến vấn đề con người, vấn đề tâm lý, tư tưởng.

Do đó, chúng ta thấy rằng làm được việc này cần đặt ra lộ trình, cần có quyết tâm và định hướng ngay từ đầu để thực hiện.

Ngay từ đầu, thành phố Hà Nội xác định việc đầu tiên là phải thực sự đoàn kết, lo khâu tổ chức bộ máy, tổ chức con người để thực hiện nhiệm vụ. Qua tổng kết vừa rồi Hà Nội thấy rằng đây là một thắng lợi lớn khi thực hiện hợp nhất, toàn bộ Đảng bộ và nhân dân Hà Nội cũng như Hà Tây đã chung lòng, chung sức để thực hiện nhiệm vụ mà Quốc hội và Đảng giao cho.

Chúng tôi đã có bộ máy lãnh đạo từ Thành ủy đến HĐND, UBND được hợp nhất nguyên trạng nhưng lại thống nhất trong tất cả việc thực hiện các bước. Sau đó, việc thống nhất tất cả các văn bản quy định về quản lý, quy định pháp luật cấp tỉnh đều thống nhất để thực hiện đồng bộ và chọn việc nào quan trọng, việc nào ảnh hưởng thực sự đến đời sống người dân, việc nào tác động ngay đến phát triển kinh tế là phải tập trung làm trước, còn những việc khác sắp xếp theo thứ tự, trong quá trình làm tiếp tục điều chỉnh những vấn đề đang vướng.

Qua việc đầu tiên là tổ chức bộ máy đã tạo ra được hệ thống lãnh đạo khi hợp nhất rất thống nhất và các việc tổ chức sắp xếp đều theo lộ trình đặt ra. Ngay việc sắp xếp vị trí các sở ban, ngành đều được bàn bạc dân chủ nên sau khi hợp nhất, bắt đầu triển khai công việc thì không có vấn đề gì xảy ra.

Thứ hai, xác định ngay phát triển kinh tế xã hội thì cơ cấu thế nào, việc gì phải làm, phân công thế nào..., chúng tôi đã xác định phải chuyển dịch cơ cấu, trong đó nông nghiệp tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, còn lại là công nghiệp, dịch vụ, đó là hướng thành phố tập trung phát triển.

Thứ ba, xác định như thế thì phải xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và triển khai quy hoạch, xây dựng quy hoạch đô thị theo Quyết định 1259 của Thủ tướng, sau đó xác định lộ trình để triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, phát triển du lịch để tạo ra hành lang cho quá trình phát triển. Đồng thời quan tâm đến phát triển kết hợp văn hóa giữa hai vùng miền, xây dựng khu dân cư, thống nhất các hệ thống hành chính ở các địa phương có một đầu mối để hoạt động. Tất cả những việc như vậy được cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm khẩn trương và có nguyên tắc quản lý để chúng ta thấy một sự thống nhất. Đấy là thành tựu rất lớn trong những ngày đầu triển khai Nghị quyết 15.

Thưa ông Nguyễn Đức Kiên, ông Phan Đức Hiếu, sự gia tăng dân số cơ học trong những năm gần đây diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tạo ra những áp lực lớn đối với sự phát triển đô thị. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vấn đề này sẽ ngày càng thêm trầm trọng nếu quy hoạch và các chính sách không theo kịp. Xin các ông cho biết nhận định đánh giá về những thách thức này?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, về nhận định của một số chuyên gia, chúng tôi chia sẻ phần nào những nhận định như vậy và chúng ta cần phải nói thẳng thắn với nhau rằng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết 15 của Quốc hội, một trong những mặt được của Hà Nội là xử lý quy hoạch phát triển đô thị tương đối tốt.

Như ông Phan Đức Hiếu có nói, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội chưa thực sự như chúng ta mong muốn. Khi làm Nghị quyết 15, chúng tôi không mong Hà Nội sẽ dồn các nhà máy may, nhà máy nhuộm hay nhà máy lắp ráp điện tử vào Hà Nội mà chúng tôi kỳ vọng Hà Nội sẽ là một trung tâm khoa học công nghệ của cả nước. Nó sẽ đưa ra những doanh nghiệp khởi nghiệp trên khoa học công nghệ, với tri thức, với nguồn vốn của nhân dân Hà Nội thì Hà Nội phải trở thành trung tâm tài chính của khu vực chứ chưa nói đến cả nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các thành phần kinh tế khác phát triển.

Trong quá trình phát triển, Hà Nội nhận thức được phát triển cơ sở hạ tầng là bước đột phá đi đầu. Nhưng nếu tính các điểm ngập, úng của Hà Nội thì ở các quận huyện được thiết kế từ thời Pháp, số lượng điểm trên bình quân diện tích ít hơn so với số điểm ngập úng khi có mưa lớn ở các khu đô thị mới phát triển. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho Hà Nội trong quá trình phát triển, đó là sự kết nối của hệ thống cũ và hệ thống mới như thế nào và vai trò của hệ thống mới khi phải xử lý những vấn đề quá tải trong nội đô.

Một trong những điểm chúng tôi đang đề nghị Hà sơ kết 5 năm thực hiện Luật Thủ đô Hà Nội là về vấn đề tăng dân số cơ học. Chúng ta phải thấy rằng lực hút tự nhiên khi Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế của cả khu vực thì chắc chắn thu nhập bình quân của người lao động ở đây cao hơn thu nhập của những người có đất, có công cụ lao động ở những tỉnh lân cận. Vì thế, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải lường trước được sức hút rất mạnh mẽ đối với người dân về lĩnh vực kinh tế khi họ di dân tự do vào trong nội đô và giải pháp hành chính, giải pháp kinh tế chúng ta đặt ra để xử lý vấn đề đấy có xu thế chung như là vấn đề hộ khẩu. Ở những nước đang phát triển, hộ khẩu cũng là công cụ rất tốt trong việc quản lý, kìm hãm sự tăng dân số cơ học ở giai đoạn đầu phát triển công nghiệp hóa. Chúng ta nhìn xem chính quyền Hà Nội đặt ra phương án xử lý như thế nào trong chiến lược phát triển của Hà Nội trong 30 năm, 50 năm tới thì chúng ta sẽ yên tâm.

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi chia sẻ với ông Nguyễn Đức Kiên. Tôi lấy ví dụ tắc đường có thể gia tăng, chúng ta thử hình dung, giả sử chúng ta không mở rộng Hà Nội thì liệu tắc đường có gia tăng như thế này không hay hơn nữa? Vì khi không phải Hà Nội thì sức hút kinh tế, ở đâu có việc làm, ở đâu có thu nhập tốt thì con người tự khắc đến.

Tôi rất đồng ý với ông Kiên, việc phát triển các khu kinh tế (tạm gọi là khu kinh tế vệ tinh) sẽ góp phần giải quyết phần nào những vấn đề về xã hội, về việc làm, về chỗ ở, về di dân.

Khi không di dân thì nó có tác động về kinh tế xã hội, làm việc và định cư tại chỗ góp phần phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề xã hội rất tốt. Tôi cho rằng Hà Nội nhận biết rất rõ điều đó thông qua các chính sách, bởi  Nghị quyết 15 nói rất rõ việc xây dựng các thành phố vệ tinh thông qua đó góp phần giải quyết các vấn đề do phát triển kinh tế mà phát sinh các vấn đề xã hội. Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề đó, phát triển các khu kinh tế vệ tinh là phương thức giải quyết bên cạnh phương thức hành chính. Trong thời gian tới, chúng ta đã đủ chủ trương, đủ chiến lược, đủ nhận thức thì tập trung vào thực thi một cách mạnh mẽ, thực thi một cách gấp rút về thời gian. Tôi cho rằng thời gian rất là quan trọng, việc ta thực thi tốt hơn sự gia tăng về dân số sẽ góp phần giải quyết vấn đề. Còn nếu chúng ta thực thi chậm hơn thì các vấn đề sẽ ngày càng quan trọng hơn. Tôi vẫn đồng ý đó là phương thức bên cạnh phương thức hành chính khi kết hợp song song nhưng cần một tốc độ thực thi, mức độ thực thi, quyết tâm thực thi lớn hơn gấp nhiều lần trong 10 năm trước đây. Bây giờ Hà Nội có cơ hội vì Hà Nội không còn phải giành nhiều thời gian để giải quyết các thách thức như khi mới mở rộng Hà Nội. Tôi hi vọng trong thời gian tới, các vấn đề sẽ phải giải quyết và sẽ được giải quyết.

Thưa ông Nguyễn Quang Đức, xin ông cho biết huyện Hoài Đức đã có sự chuẩn bị lộ trình như thế nào để trở thành một quận của thủ đô Hà Nội?

Ông Nguyễn Quang Đức: Huyện Hoài Đức được Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội lựa chọn và chỉ đạo xây dựng để đạt các tiêu chí quận vào năm 2020. Đón nhận chủ trương này, huyện đã tích cực, chủ động cùng với các sở, ngành của thành phố để hoàn thiện đề án và đã được Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố thông qua và chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, chúng tôi cũng nhanh chóng chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của Huyện ủy, kế hoạch tổ chức thực hiện để phân công nhiệm vụ cụ thể để lãnh đạo, cán bộ tổ chức tuyên truyền, quán triệt, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ Đảng viên, nhân dân.

Với vị trí thuận lợi, điều kiện thực tiễn phát triển, ngay từ đầu nhiệm kì 2015 – 2020, Đại hội Đảng bộ huyện Hoài Đức cũng đã xác định xây dựng huyện Hoài Đức phát triển giàu đẹp, văn minh và theo hướng đô thị hóa. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới trong những năm vừa qua, huyện cũng đã chỉ đạo phải xác định lộ trình lâu dài, bền vững tránh lạc hậu, lãng phí nên đã tiến hành thận trọng, đồng bộ, rà soát quy hoạch tổng thể các quy chuẩn của xây dựng công trình nên sau khi mà đạt các tiêu chí nông thôn mới của cấp huyện và tất cả các xã thì đây là tiền đề quan trọng để đáp ứng các tiêu chí của một quận sau này.

Thời gian tới, huyện sẽ nhanh chóng, với quyết tâm cao, có kế hoạch cụ thể để triển khai chỉ đạo của UBND thành phố. Chúng tôi có niềm tin, với sự quan tâm của cấp trên, của Trung ương, đồng thời phát huy truyền thống anh hùng, sáng tạo của cán bộ Đảng viên và nhân dân, phát huy mạnh mẽ nội lực của huyện cùng với sự giúp đỡ của Trung ương xây dựng huyện Hoài Đức đạt tiêu chuẩn quận vào năm 2020. Chúng tôi cũng nhất trí với tiêu chí của lãnh đạo thành phố đã xác định về phát triển thành phố trong thời gian tới là bình an để phát triển.

 Thưa ông Nguyễn Thế Hùng, sau Nghị quyết số 15 của Quốc hội, nhiều văn kiện quan trọng từ Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội đã được ban hành, trong đó có Luật Thủ đô được thông qua đã định hướng rất cơ bản để Hà Nội xây dựng, phát triển nhanh và bền vững. Xin ông cho biết, những cơ chế, chính sách đó đã thực sự đủ hành lang pháp lý cho Hà Nội thực hiện các dự án và mục tiêu phát triển của Thủ đô?

Ông Nguyễn Thế Hùng: Sau khi thực hiện Nghị quyết 15, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Thủ đô vào tháng 11/2012.

Luật Thủ đô là một trong những công cụ pháp lý cao nhất giúp Hà Nội có thể phát triển và tự chủ, chủ động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển của thành phố. Chúng tôi thấy rằng Luật Thủ đô cũng đã tạo cho Hà Nội những bước đi rất quan trọng trong việc hình thành các vấn đề thẩm quyền để giải quyết những vấn đề rất khó.

Hiện nay, chúng tôi đang tập trung tiếp tục triển khai những điều trong Luật Thủ đô quy định, ví dụ như các vấn đề liên quan đến quy hoạch;dân cư; phối hợp với các bộ, ngành giải quyết các chính sách,... Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến sự đồng bộ trong hành lang pháp lý của các bộ luật khác cho nên khi thực hiện Luật Thủ đô vẫn có sự trao đổi, thống nhất, thực hiện các luật khác nếu luật đó là luật cơ bản mà Luật Thủ đô vẫn phải tuân theo. Trong tổng kết 5 năm, Hà Nội cũng sẽ có những đề xuất thêm để Luật Thủ đô phát huy tác dụng tốt hơn trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Thưa ông Nguyễn Đức Kiên, theo ông điều gì nên được coi là chìa khóa để Hà Nội tăng tốc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 15 của Quốc hội?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Nghị quyết 15 không chỉ áp dụng riêng cho Hà Nội mà còn cho cả Quốc hội, tức là để thực hiện được Nghị quyết 15, Quốc hội phải ban hành một hành lang pháp lý để Hà Nội làm và đố là Luật Thủ đô. Nhưng chúng ta cũng phải ghi nhận một điều, quá trình hình thành văn bản pháp quy của chúng ta luôn có sự chuyển đổi. Thời điểm khi ban hành Nghị quyết 15 và Luật Thủ đô là rất tích cực nhưng sau một thời gian thực hiện cũng đã bộc lộ những vấn đề. Ví dụ, Luật Thủ đô cho phép Hà Nội được ban hành lương riêng nhưng như vậy thì thẩm quyền của HĐND, của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội theo Bộ luật Lao động về lương cơ bản của khu vực vùng thì xử lý thế nào?

Chúng tôi hi vọng sau 10 năm, Luật Thủ đô sửa đổi sẽ phù hợp hơn và ở đây có một vấn đề sửa đổi cơ bản là phải giao quyền tự chủ tài chính nhiều hơn nữa cho Hà Nội.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phan Đức Hiếu. 

Thưa ông Phan Đức Hiếu, trong báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 15, Hà Nội có nêu ra nhiều kiến nghị về cơ chế chính sách, ông từng nhận định, ở đó những điểm là cơ hội của Hà Nội mà 10 năm qua chưa tận dụng được (cụ thể từ chính sách, cơ chế...). Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Ông Phan Đức Hiếu: Các cơ chế về tài chính, cơ chế về lương thưởng là động lực khuyến khích cán bộ làm việc, tuy nhiên, có những cơ chế dễ dàng hơn mà không biết Hà Nội có làm được không. Ví dụ như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký cho 50% số doanh nghiệp của cả nước, nhưng cán bộ đăng kí kinh doanh chỉ hơn 10 lần so với 1 tỉnh. Như vậy rõ ràng có một vấn đề liên quan đến cơ chế. Vậy, HĐND và UBND tham khảo xem trong những cơ chế khung hiện tại có cái gì mình tạo điều kiện được tốt hơn để thực hiện hiệu quả hơn.

Thưa ông Nguyễn Thế Hùng, xin ông cho biết Hà Nội những giải pháp mang tính khả thi, hiệu quả Hà Nội sẽ tập trung vào để thúc đẩy các kế hoạch tăng trưởng của Thành phố?

Ông Nguyễn Thế Hùng: Để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội quyết tâm thực hiện nghiêm túc những Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Chính phủ, Quốc hội. Chúng tôi thấy rằng có 3 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung tạo đột phá trong việc nâng cao chất lượng. Đó là công tác quản lý quy hoạch, trong đó quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, phát triển không gian đạt chất lượng tốt nhất vì nó là xương sống để chúng ta triển khai tất cả các chương trình, các đề án tiếp theo. Thứ hai, trong vấn đề đầu tư phát triển cần phải lựa chọn đầu tư, phải đầu tư hiện đại hóa toàn bộ kết cấu hạ tầng đô thị để phục vụ cho việc phát triển kinh tế vừa đáp ứng được áp lực gia tăng dân số. Thứ ba, nâng cao chất lượng quản lý như quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý đất đai, quản lý an toàn giao thông, quản lý y tế, quản lý giáo dục,...

Ngoài ra, cần tiếp tục phải tạo kỉ luật kỉ cương trong quản lý, trong xã hội, trong cộng đồng để đảm bảo tốt an ninh trật tự. Tiếp tục coi trọng phát triển văn hóa xã hội một cách hài hòa. Chú trọng phát triển đồng bộ để hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị; tăng cường công tác quản lý, phấn đấu xây dựng một thủ đô văn minh, hiện đại.

Cổng TTĐT Chính phủ